Tiếng Việt | English

19/12/2018 - 08:03

Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao - Để tạo ra sản phẩm sạch

Xây dựng nền nông nghiệp sạch, năng suất cao và bền vững, cũng như quyết tâm đưa ra thị trường nông sản chất lượng là mục tiêu mà ngành nông nghiệp tỉnh Long An đang hướng đến.

Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hướng đến thị trường xuất khẩu

Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hướng đến thị trường xuất khẩu

Tạo ra nông sản sạch

Có thể khẳng định, việc ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) vào trồng trọt, chăn nuôi không chỉ giúp khai thác những lợi thế về khí hậu, đất đai của địa phương mà còn tránh được rủi ro về thời tiết, thiên tai, hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp trên thị trường, góp phần tăng thu nhập cho nông dân, hộ kinh doanh. Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn Mười Hai (xã Long Khê, huyện Cần Đước) - Lê Văn Giấy cho biết: “Có thể nhận thấy, nông dân trong những ngày đầu ƯDCNC vào trồng trọt, chăn nuôi gặp không ít khó khăn, dẫu biết rằng việc mang công nghệ vào làm nghề có thể giúp tăng năng suất, đơn giản hóa quá trình canh tác cũng như bảo đảm chất lượng đầu ra nông sản. Được sự vận động của chính quyền các cấp, nhiều hộ dân trên địa bàn ƯDCNC trong sản xuất rau để tạo ra sản phẩm sạch, ổn định đầu ra. Hiện HTX đầu tư hàng tỉ đồng để trang bị nhà lưới, hệ thống tưới tự động cho hơn 8ha rau. Trong quá trình sản xuất, nông dân sử dụng phân bón hữu cơ sinh học, thuốc trừ sâu sinh học, nhằm tăng năng suất (5-20%/vụ), giảm sâu, bệnh, chi phí và nhân công lao động. Với 1.000m2, mỗi năm, ước tính người trồng rau ƯDCNC giảm trên 20 triệu đồng chi phí, đồng thời tăng lợi nhuận 2-7 triệu đồng/vụ. Hiện trung bình mỗi ngày, HTX cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh trên 5 tấn rau sạch”.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Cần Đước - Nguyễn Hồng Chương thông tin: “Toàn huyện hiện có 18 HTX nông nghiệp, trong đó có 6 HTX chuyên canh rau và 6/6 HTX này đều được cấp giấy chứng nhận VietGAP với diện tích trên 27ha; 5 tổ hợp tác trồng rau ƯDCNC. Năm 2018, huyện thành lập Liên hiệp HTX Cần Đước có 9 HTX sản xuất nông nghiệp tham gia. Để giúp các HTX tiêu thụ sản phẩm, các ngành chuyên môn huyện thường xuyên tổ chức cho các HTX, tổ hợp tác và nông dân tham quan, giao lưu với các doanh nghiệp, hệ thống siêu thị; tiếp xúc, giới thiệu các doanh nghiệp,... trong và ngoài tỉnh để xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ”.

“Bên cạnh đó, hiện nay, việc ứng dụng công nghệ nhà kính theo đúng tiêu chuẩn công nghệ của các nước phát triển đang được áp dụng sản xuất có hiệu quả. Từ khả năng duy trì môi trường sinh trưởng lý tưởng cho cây, giúp cây phát triển nhanh hơn đến ngăn côn trùng và các mầm bệnh từ côn trùng. Không chỉ vậy, việc ứng dụng nhà kính trong trồng trọt còn giúp nhà nông tiết kiệm nước, phân bón. Quan trọng hơn hết, nông sản trong nhà kính được xem là nông sản sạch” - ông Chương cho biết thêm.

Bên cạnh đó, cây thanh long, lúa cũng được nông dân sản xuất theo hướng ƯDCNC nhằm tạo ra sản phẩm sạch. Ông Phan Kim Truyết (xã An Lục Long, huyện Châu Thành) cho biết: “Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và tuân thủ theo các tiêu chuẩn sạch, an toàn nông sản trong sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, đến nay, sản phẩm thanh long của tôi được Công ty TNHH MTV The Fruit Republic bao tiêu 100% sản lượng. Đây là công ty có 100% vốn của Hà Lan, chuyên xuất khẩu trái cây đạt chứng nhận GlobalGAP. Hiện 1.600 gốc thanh long của tôi cho lợi nhuận trung bình khoảng 500 triệu đồng/năm”. Cũng như ông Truyết, ông Trương Minh Trung, ngụ cùng địa phương, vui mừng nói: “Nhờ sản xuất thanh long sạch theo tiêu chuẩn GlobalGAP mà hiện nay, sản phẩm chúng tôi làm ra không còn bị thương lái ép giá. Công ty TNHH MTV The Fruit Republic bao tiêu sản phẩm với mức giá ổn định để xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Từ đó, nông dân có lợi nhuận cao và ổn định, tránh tình trạng được mùa - rớt giá”.

Giám đốc HTX Nông nghiệp Trung Trực (xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng) - Lý Văn Long cho biết: “Khi tham gia mô hình sản xuất lúa ƯDCNC, nông dân được triển khai đồng bộ cơ giới hóa, đưa phương pháp cấy, sạ hàng, sạ thưa (100kg/ha) vào sản xuất; sử dụng giống lúa đạt cấp xác nhận theo quy định của chương trình. Đồng thời, nông dân được hướng dẫn sản xuất theo quy trình “1 phải, 6 giảm”, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật như sử dụng nấm xanh, phân hữu cơ,... nên lúa sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu, bệnh, giảm chi phí đầu tư, tăng năng suất và đặc biệt là tạo ra sản phẩm sạch đáp ứng nhu cầu thị trường. Hiện HTX có trên 150ha liên kết với công ty bao tiêu đầu ra sản phẩm”.

Hướng đến xuất khẩu

Nông nghiệp ƯDCNC được xem như là “làn gió mới” trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tạo ra những sản phẩm chất lượng, bước đầu cạnh tranh được với hàng hóa nhập ngoại và hướng tới xuất khẩu. Đây cũng là hướng đi tất yếu để nông nghiệp thực sự là một thế mạnh của tỉnh trong bối cảnh hội nhập quốc tế và tác động của biến đổi khí hậu ngày càng mạnh mẽ.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành - Võ Thanh Hồng, mục tiêu của huyện đến năm 2020, toàn huyện sẽ có 2.000ha thanh long ƯDCNC gắn với tái cơ cấu nông nghiệp. Hiện huyện thực hiện nhân rộng mô hình ƯDCNC nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong sản xuất thanh long. Đến nay, trái thanh long trên địa bàn huyện sản xuất ƯDCNC đúng quy trình kỹ thuật, được xuất khẩu đến 39 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Giám đốc Sở NN&PTNT - Lê Văn Hoàng cho biết: “Ngành đang hoàn thiện mối liên kết “4 nhà”; rà soát quy hoạch phát triển vùng rau, lúa, thanh long ƯDCNC bảo đảm trong bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch,... Bên cạnh đó, ngành tập trung thành lập các HTX sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, tạo ra sản phẩm an toàn để hướng tới người tiêu dùng trong nước và thị trường xuất khẩu. Thời gian qua, các HTX tích cực áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng” và các chế phẩm sinh học sẵn có, góp phần tăng năng suất.

Từ nay đến năm 2020, tỉnh tập trung đẩy mạnh xây dựng và hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trọng tâm là sản xuất một số sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có năng suất, chất lượng và giá trị cao; áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP), trong đó tập trung phát triển các vùng sản xuất an toàn trong nhà kính. Song song đó, có nhiều chính sách nhằm thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp có năng lực đầu tư xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn xuất khẩu”./.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết