Tiếng Việt | English

21/10/2018 - 14:30

Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao - Những kết quả bước đầu

Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) mang lại hiệu quả kinh tế, do đó, thời gian qua, tỉnh Long An triển khai Đề án Phát triển nông nghiệp ƯDCNC và thực hiện nhiều mô hình nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân.

Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao góp phần tăng thu nhập cho người dân

Nâng cao thu nhập

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện, sản xuất lúa ƯDCNC mang lại nhiều hiệu quả. Nông dân áp dụng đồng bộ các kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến: Áp dụng quy trình canh tác lúa “1 phải - 6 giảm”, cơ giới hóa đồng bộ trong khâu gieo sạ và thu hoạch, sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh, ứng dụng chế phẩm sinh học, trồng hoa sinh thái để thu hút thiên địch. Đồng thời, việc áp dụng các kỹ thuật tiên tiến giúp nông dân giảm nhiều chi phí so với ngoài mô mình. Trung bình 1ha, mỗi vụ nông dân giảm 20kg phân urê; giảm từ 1-2 lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tương đương giảm từ 300.000-600.000 đồng chi phí mua thuốc; giảm lượng giống ban đầu khi gieo sạ từ 50-70kg, đặc biệt là khi sử dụng máy cấy, lượng giống giảm xuống còn 60kg so với cách gieo sạ thông thường (150kg). Thêm vào đó, việc gắn kết tiêu thụ sản phẩm lúa giống giúp nông dân tăng giá bán 600 đồng/kg. Qua đó cho thấy, lợi nhuận từ mô hình sản xuất lúa ƯDCNC cao hơn so với ngoài mô hình khoảng 1,3 triệu đồng/ha; nâng cao giá trị nông sản, tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Từ đó, nông dân thay đổi nhận thức, chuyển từ sản xuất nhỏ, lẻ sang sản xuất tập trung, đồng bộ theo cánh đồng lớn, tạo ra sản phẩm đồng nhất về chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường.

Ông Hồ Văn Pho - xã viên Hợp tác xã (HTX) 1/5 (huyện Tân Hưng), cho biết: “Thời gian qua, HTX tổ chức sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, đây là cách sản xuất mới. Mô hình này thuộc Đề án Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Khi dùng chế phẩm sinh học, lúa phát triển tốt, ít nhiễm rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá so với lúa ngoài mô hình dù không sử dụng thuốc hóa học. Bên cạnh đó, sản phẩm được Công ty Intimex bao tiêu, hỗ trợ lợi nhuận cho nông dân thấp nhất 17 triệu đồng/ha, cao nhất trên 20 triệu đồng/ha. Từ đó, giúp nông dân tăng thu nhập, an tâm sản xuất”.

Ảnh: Thụy Anh

Bên cạnh cây lúa, cây rau cũng được nông dân ƯDCNC vào sản xuất và mang lại nhiều kết quả khả quan. Giám đốc HTX Rau an toàn Phước Hòa (huyện Cần Đước) - Kiều Anh Dũng cho biết: “Thời gian qua, các xã viên ƯDCNC vào sản xuất mang lại nhiều kết quả. HTX vừa phối hợp Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện mô hình vườn ươm cây con giống với quy mô 500m2 nhà màng. Tổng kinh phí thực hiện mô hình 426 triệu đồng nhằm chuyển giao quy trình ươm đến xã viên. Kết quả bước đầu cho thấy, cây con trong vườn ươm sống 100%. Trồng từ cây con vườn ươm có thời gian sinh trưởng ngắn hơn so với phương pháp truyền thống nên lợi nhuận cao hơn; cây trồng không bị mất sức, phát triển tốt, khả năng đề kháng mạnh. Bên cạnh đó, HTX còn chủ động đầu tư hệ thống trồng rau thủy canh nhằm đa dạng cũng như chủ động được nguồn hàng rau an toàn cung cấp cho thị trường”. 
Chị Nguyễn Thị Trước (xã Long Trạch, huyện Cần Đước) chia sẻ: “Khi sản xuất rau theo hướng công nghệ cao, nông dân chúng tôi được ứng dụng khoa học - kỹ thuật, năng suất cao hơn, lợi nhuận tăng lên 2-3 triệu đồng/vụ. Mặt khác, rau được sản xuất theo hướng rau sạch, đáp ứng nhu cầu của thị trường”.

Ngoài ra, từ năm 2017, mô hình nuôi tôm tăng cường ƯDCNC cũng mang lại hiệu quả. Tại huyện Cần Giuộc, có 31 hộ đầu tư các mô hình nuôi tôm tăng cường ƯDCNC với 36,2ha, trong đó có 8 hộ có mô hình tương đối hoàn chỉnh (có nhà lưới, 2 ao lắng, ao ươm tôm, lót bạc, sục oxy, siphon đáy đầy đủ, cho ăn bằng máy tự động, nuôi tôm 2 giai đoạn), diện tích 14,4ha; 23 hộ đầu tư một số nội dung ƯDCNC (có ao lắng, lót bạc, sục oxy, siphon đáy đầy đủ,...) với diện tích 21,8ha. Kết quả thu hoạch cho thấy, hiệu quả nuôi tôm có tăng cường ƯDCNC vượt trội so với nuôi truyền thống: Hạn chế được dịch bệnh và sốc môi trường nước, năng suất tăng gấp đôi so với cách nuôi thông thường, lợi nhuận tăng cao. Đặc biệt, có hộ lợi nhuận trên 500 triệu đồng/0,4ha.

Để phát triển bền vững

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng, để có những bước phát triển mạnh mẽ, thời gian tới, tỉnh thực hiện nhiều giải pháp, trong đó tập trung thu hút nguồn lực để đẩy mạnh ƯDCNC vào sản xuất nông nghiệp, gia tăng giá trị sản phẩm. Theo đó, doanh nghiệp khi đầu tư vào nông nghiệp ƯDCNC trên địa bàn thành phố sẽ được hỗ trợ 50% chi phí giải phóng mặt bằng nhưng không quá 3 tỉ đồng/dự án; hỗ trợ 50% chi phí đầu tư hạ tầng cơ sở sản xuất (nhà xưởng, thiết bị sản xuất, bảo quản, tưới tiêu) nhưng không quá 2 tỉ đồng/dự án,... Cùng với đó, tỉnh tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và gắn liền với xây dựng nông thôn mới; tổ chức sản xuất nông nghiệp phù hợp về quy mô và điều kiện của từng địa phương gắn với phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng. 

Ảnh: Ngọc Mận

Để thu hút đầu tư vào nông nghiệp ƯDCNC, thời gian tới, tỉnh tập trung đánh giá, rà soát kết quả thực hiện công tác quy hoạch ngành nông nghiệp, trong đó, ưu tiên xác định được đối tượng cây trồng, vật nuôi, quy mô diện tích, địa điểm, loại công nghệ áp dụng phù hợp với điều kiện tự nhiên, KT-XH của từng vùng, từng địa phương. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ rà soát quy hoạch đất, lựa chọn quỹ đất sạch; kêu gọi, tìm kiếm, lồng ghép các nguồn lực khác nhau để hoàn thiện hệ thống hạ tầng nhằm phục vụ sản xuất./.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết