Tiếng Việt | English

06/02/2018 - 03:05

Sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao còn nhiều khó khăn

Những năm gần đây, bên cạnh việc mở rộng diện tích gieo trồng, xây dựng các vùng rau chuyên canh, việc sản xuất rau còn được ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ. Từ đó, từng bước xây dựng các vùng sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC), góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.

Nông dân sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả cao hơn trồng rau truyền thống

Bước đầu mang lại hiệu quả

Toàn tỉnh Long An có khoảng 13.506ha rau, năng suất 164,1 tạ/ha, sản lượng 221.609 tấn/năm; có 22 hợp tác xã (HTX), 20 tổ hợp tác (THT) liên kết doanh nghiệp sản xuất rau với trên 92ha được chứng nhận VietGAP. Đến nay, tỉnh cơ bản hình thành vùng sản xuất rau ƯDCNC với tổng diện tích 560,7ha và thực hiện 14 mô hình, 4 chuỗi cung cấp rau an toàn cho 4 HTX với diện tích 28,5ha. Nhìn chung, nông dân sản xuất trong các mô hình ƯDCNC hiệu quả, lợi nhuận cao hơn trồng rau truyền thống 2-7 triệu đồng/1.000m2/vụ.

Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc - Nguyễn Tuấn Thanh cho biết: “Toàn huyện có 4.500 hộ trồng chuyên canh rau màu với diện tích hơn 1.800ha, trong đó có 3.927 hộ trồng rau ƯDCNC, năng suất bình quân 20-22 tấn/ha/vụ, sản lượng 130.000 tấn/năm. Qua đánh giá, so với trồng rau truyền thống, mô hình sản xuất rau bằng phân hữu cơ ít sâu, bệnh hơn, số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật giảm, năng suất cao hơn 12-20%, lợi nhuận cao hơn 1,5-6 triệu đồng/1.000m2/vụ; mô hình trồng rau trong nhà lưới, nhà màng năng suất cao hơn bên ngoài 15-20%, lợi nhuận 70 triệu đồng/1.000m2 (không tính tiền đầu tư nhà màng)”.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Nông nghiệp, rau, củ, quả Khánh Hậu (phường Khánh Hậu, TP.Tân An) - Trần Văn Minh chia sẻ: “Hiện, HTX có 21 thành viên, trồng 11ha rau các loại: Dưa leo, cà chua, đậu bắp, khổ qua, bầu, bí, mướp,... Toàn bộ diện tích rau của HTX sản xuất theo hướng CNC, bước đầu mang lại hiệu quả, sản lượng đạt 946 tấn/năm, chủ yếu bán tại chợ đầu mối phường 2, TP.Tân An. Tổng thu nhập của các thành viên HTX là 3,7 tỉ đồng/năm, lợi nhuận 170-180 triệu đồng/ha/năm”.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - Phan Văn Liêm cho biết: “Chương trình sản xuất rau ƯDCNC được các ban, ngành địa phương, HTX, THT, doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ tích cực hưởng ứng. Sản xuất rau theo chuỗi thực phẩm an toàn bước đầu đạt kết quả, các đối tác tham gia chuỗi từng bước nắm bắt các quy định, kiến thức về quản lý chuỗi thực phẩm an toàn, quy trình sản xuất an toàn, quy định giám sát an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi, quy định truy xuất nguồn gốc, nhận diện sản phẩm an toàn được kiểm soát theo chuỗi. Hướng đến xây dựng các vùng sản xuất rau ƯDCNC, tỉnh có kế hoạch dần hình thành 2.000ha rau ƯDCNC tại các huyện: Đức Hòa, Cần Giuộc, Cần Đước và TP.Tân An”.

Sản phẩm rau ứng dụng công nghệ cao bảo đảm an toàn thực phẩm

Không ít khó khăn

Tổ trưởng THT Rau Hưng Phát (huyện Cần Giuộc) - Phan Văn Tiện cho biết: “THT hiện có 60 hộ trồng rau với sản lượng 1-2 tấn/ngày, cung cấp cho khoảng 100 cơ sở và siêu thị thuộc địa bàn TP.HCM và các tỉnh lân cận. Hiện nay, nhu cầu rau sạch rất cao, vì vậy, chúng tôi mong muốn, tỉnh hỗ trợ để sản xuất theo hướng CNC. Khó khăn hiện nay khi sản xuất rau ƯDCNC là thiếu vốn đầu tư, nhận thức của một bộ phận người dân về sản xuất nông nghiệp ƯDCNC còn hạn chế; đầu ra sản phẩm chủ yếu thông qua thương lái, khó vào các hệ thống siêu thị, bếp ăn tập thể,...; giá bán rau an toàn và không an toàn chênh lệnh không nhiều, nhiều thương lái còn đánh đồng rau đạt chuẩn VietGAP với rau không nguồn gốc;...”.

Theo ông Trần Văn Minh, bên cạnh hiệu quả bước đầu, HTX gặp không ít khó khăn: Diện tích trồng rau của các thành viên không tập trung; thiếu vốn để phục vụ các hoạt động phát triển kinh doanh, mua sắm cơ sở vật chất cho HTX; chưa thu hút được nhiều hộ nông dân tham gia; giá cả chưa ổn định; giá vật tư nông nghiệp ngày càng cao, trong khi nguồn vốn kinh doanh của HTX có hạn nên việc cung ứng vật tư nông nghiệp cho xã viên còn hạn chế. Chúng tôi kiến nghị, tỉnh tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các chính sách phát triển nông nghiệp: Tập huấn kỹ thuật; hỗ trợ phân bón hữu cơ, xúc tiến thị trường, tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm đầu ra ổn định,...”.

Để sản xuất hiệu quả

Giám đốc Sở NN&PTNT - Lê Văn Hoàng cho biết: “Để sản xuất rau ƯDCNC đạt hiệu quả, thời gian tới, ngành tăng cường tuyên truyền người dân, các THT, HTX, doanh nghiệp về ý thức, mục tiêu và giải pháp triển khai chương trình phát triển nông nghiệp ƯDCNC trên cây rau. Bên cạnh yêu cầu về giống, người sản xuất phải ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa, đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ tự động hóa, hệ thống cảm biến điều khiển ánh sáng, độ ẩm, nhiệt độ tự động, công nghệ tưới phun mưa, phun sương, nhỏ giọt kết hợp bón phân tự động theo nhu cầu dinh dưỡng của cây,...

Ngoài ra, quá trình sản xuất phải sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh, các chế phẩm sinh học, chất điều hòa sinh trưởng, thuốc trừ sâu sinh học. Để làm được điều này, tỉnh có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; thành lập HTX, liên kết nông hộ, HTX với doanh nghiệp. Đối với các địa phương, tỉnh yêu cầu tiến hành rà soát lại địa điểm, quy mô diện tích, xác định ranh giới các vùng nông nghiệp ƯDCNC; quy hoạch hệ thống dịch vụ nông nghiệp ƯDCNC; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp ƯDCNC, tăng cường vận động người dân hoán đổi đất và khuyến khích tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, khuyến khích người dân cho thuê đất, góp vốn đầu tư bằng quyền sử dụng đất với các doanh nghiệp để đầu tư vào sản xuất. Mục tiêu năm 2018, nhân rộng mô hình sản xuất rau ƯDCNC tại 18 xã của 3 huyện: Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa và TP.Tân An với diện tích trên 587ha”./.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích