Tiếng Việt | English

27/12/2018 - 14:22

Sản xuất thanh long ứng dụng công nghệ cao - Hướng tới xuất khẩu và tiêu thụ bền vững

Thanh long mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với nhiều loại cây trồng khác và nâng cao thu nhập cho nông dân. Để phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tỉnh Long An đang tích cực triển khai Đề án sản xuất 2.000ha thanh long ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) tại huyện Châu Thành nhằm hướng đến thị trường xuất khẩu; đồng thời đa dạng các sản phẩm từ trái thanh long để có hướng đi bền vững cho cây này.

Sản xuất thanh long ứng dụng công nghệ cao đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu

Sản xuất ứng dụng công nghệ cao để xuất khẩu

Hiện nay, nông dân trồng thanh long trên địa bàn tỉnh đã và đang áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, góp phần làm giảm giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm. Đến nay, tỉnh thực hiện được 774ha vùng sản xuất thanh long ƯDCNC, đạt 40% kế hoạch, trong đó có 197,2ha đang thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP (có 130,23ha được chứng nhận VietGAP). Việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất thanh long bước đầu đi vào thực chất và làm thay đổi tập quán sản xuất truyền thống của nông dân, phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay và xu thế phát triển của thế giới. Qua đó, góp phần giữ uy tín, chất lượng cho sản phẩm thanh long trên địa bàn.

Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thanh long Tầm Vu (huyện Châu Thành) - Trương Quang An cho biết: “HTX đặc biệt quan tâm đến việc chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho xã viên trồng theo đúng quy trình kỹ thuật, sản xuất an toàn, bền vững theo tiêu chuẩn VietGAP, chất lượng và hiệu quả được đặt lên hàng đầu. Việc sử dụng phân hữu cơ sinh học, chế phẩm sinh học nhằm giảm lượng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật và tăng chất lượng, đạt tiêu chuẩn an toàn cho trái thanh long đã và đang được người dân áp dụng vào sản xuất. Để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu thanh long sang thị trường các nước trên thế giới, HTX đã đăng ký thành công nhãn hiệu độc quyền đi 5 nước: Mỹ, Nhật, Pháp, Singapore, Trung Quốc”. 

Cũng theo ông An, với những cách làm như hiện nay, HTX không đủ nguồn sản phẩm để xuất khẩu sang thị trường nhiều nước. Vì thế, HTX đang liên kết với các HTX sản xuất thanh long trong huyện để tiêu thụ; đồng thời mở rộng thêm diện tích (kết nạp thêm thành viên) để ký kết các hợp đồng lớn lâu dài với các nước. 

Chủ tịch UBND tỉnh – Trần Văn Cần (bìa trái) thăm hợp tác xã thanh long ứng dụng công nghệ cao

Theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Nông nghiệp Thanh Phú Long (huyện Châu Thành) - Nguyễn Quốc Trịnh, HTX thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi với Tập đoàn Quế Lâm; đồng thời, một số thành viên HTX đã đăng ký thành công tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 25ha, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Từ những hiệu quả trên, thời gian tới, tỉnh cần có chính sách mời gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong, ngoài nước đầu tư nhà máy vào vùng nguyên liệu thanh long, công nghệ thu hoạch, sau thu hoạch, sơ chế, đóng gói, chế biến, bảo quản,... tạo điều kiện để HTX tiếp cận và mở rộng thị trường các nước tiêu thụ thanh long.

Kích cầu tiêu thụ

Để có thêm thị trường tiêu thụ các sản phẩm thanh long Long An, thời gian qua, tỉnh đẩy mạnh triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu thương hiệu, sản phẩm thanh long đến các doanh nghiệp, người tiêu dùng trong và ngoài nước. Qua đó, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong tỉnh gặp gỡ, tìm kiếm đối tác bạn hàng, hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp nước ngoài nhằm xúc tiến đẩy mạnh xuất khẩu trái thanh long theo đường chính ngạch. Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần Nafoods Group - Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ: “Hiện công ty là doanh nghiệp xuất khẩu các sản phẩm nước ép trái cây và rau, củ, quả lớn nhất Việt Nam, cung cấp hơn 30 loại sản phẩm đến gần 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Với chiến lược phát triển chuyên nghiệp, bền vững, khép kín từ giống - vùng trồng nguyên liệu, sản xuất - chế biến và xuất khẩu đến tận tay người tiêu dùng, Nafoods không ngừng đầu tư vào nghiên cứu phát triển các ứng dụng khoa học, công nghệ cao vào nông nghiệp và chính thức trở thành doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao vào năm 2017. Vì vậy, thời gian tới, doanh nghiệp sẽ hướng đến việc liên kết trong sản xuất thanh long Long An để xuất khẩu sang thị trường các nước khó tính trên thế giới; đồng thời phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp xanh và bền vững”.

Sản xuất thanh long ứng dụng công nghệ cao đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á, châu Phi (Bộ Công Thương) - Tô Ngọc Sơn thông tin: “Hiện nay, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông sản quan trọng của Việt Nam. Năm 2017, xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 7,68 tỉ USD, chiếm 29,5% tổng xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam ra thế giới. 10 tháng năm 2018, giá trị nêu trên đạt 6,05 tỉ USD (giảm 3,29% so cùng kỳ năm 2017), dự kiến đạt 7,3 tỉ USD trong cả năm 2018”. 

“Để tiếp cận thị trường hiện nay, nhất là thị trường các nước khó tính, các doanh nghiệp xuất khẩu phải hiểu biết các quy định, tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm và thực tế kiểm dịch tại các nước. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp cung cấp được sản phẩm ổn định chất lượng. Đặc biệt, doanh nghiệp cần hiểu được nhu cầu của khách hàng về sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ, có chứng chỉ chất lượng, từ đó đưa ra định vị phù hợp với những sản phẩm mang tính ngôi sao, phục vụ các phân khúc khách hàng phù hợp” - ông Sơn cho biết thêm.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng cho biết: “Để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, tỉnh chú trọng xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ thanh long theo hướng VietGAP, hữu cơ,...; chỉ đạo triển khai tập huấn nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán canh tác, sản xuất của nông dân để phát triển nông nghiệp ƯDCNC và bảo đảm các tiêu chí từ khâu chọn giống, quy trình canh tác, chăm sóc, phân bón, chống dịch bệnh đến bảo quản sau thu hoạch, quy trình quản lý, xây dựng thương hiệu,... Sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP đáp ứng việc nâng giá trị sản phẩm thanh long và xuất khẩu sang thị trường các nước khó tính. Mặt khác, góp phần cải thiện môi trường sản xuất; giảm tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, hạn chế sự phát sinh, gây hại của các loại sâu, bệnh cho cây trồng; tăng uy tín và chất lượng đối với sản phẩm thanh long”./.

Hiện nay, toàn tỉnh có 10.595ha thanh long, đạt 105% kế hoạch (10.100ha), bằng 116,4% so cùng kỳ, trong đó có khoảng 8.242ha cho trái, tập trung chủ yếu ở huyện Châu Thành. Giá thanh long tăng so với tháng trước: Thanh long ruột trắng có giá từ 12.000-40.000 đồng/kg, tăng 2.000-25.000 đồng/kg; thanh long ruột đỏ có giá từ 20.000-60.000 đồng/kg, tăng 30.000 đồng/kg.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết