Tiếng Việt | English

27/07/2020 - 10:01

Sáng mãi ngọn lửa tri ân

Đến tháng 7, Long An nói riêng, cả nước nói chung lại tổ chức rất nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho gia đình chính sách, người có công nhằm thể hiện tấm lòng tri ân của thế hệ hôm nay đối với những người đã hy sinh xương máu cho nền hòa bình, độc lập của dân tộc.

Nhiều hoạt động tri ân

Trong suốt 73 năm qua, Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7) được xem là dịp thể hiện tấm lòng tri ân của thế hệ hôm nay đối với các vị anh hùng liệt sĩ, Mẹ Việt Nam Anh hùng, các gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Theo đó, Long An nói riêng, cả nước nói chung có rất nhiều hoạt động tri ân như: Phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng”; tổ chức đoàn thăm, tặng quà gia đình chính sách, người có công cách mạng; viếng nghĩa trang liệt sĩ (NTLS); thắp nến tri ân; giỗ liệt sĩ;...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Tấn Hòa thăm thương binh nặng đang điều dưỡng ở Trung tâm Điều dưỡng Thương binh và Người có công Long Đất

Hiện nay, tỉnh quản lý chi trả chế độ trợ cấp hàng tháng cho gần 22.000 đối tượng người có công với cách mạng, với số tiền trợ cấp hàng năm trên 300 tỉ đồng.

Một trong những hoạt động tỉnh duy trì nhiều năm qua mỗi dịp lễ, tết là tổ chức đoàn cán bộ đi thăm, tặng quà thương binh nặng quê Long An đang điều dưỡng ở Trung tâm Điều dưỡng Thương binh và Người có công Long Đất (thị trấn Long Đất, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu); gia đình chính sách, người có công và nhân dân xã Thừa Đức, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre (nơi từng nuôi giấu những thương, bệnh binh tỉnh Long An); Làng thương binh nặng (xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa). Dù đoàn cán bộ tỉnh phải đi hàng trăm kilômét, mất nhiều thời gian mới gặp được 3 thương binh nặng của Long An đang điều trị ở Trung tâm Điều dưỡng Thương binh và Người có công Long Đất nhưng khi nhìn thấy nụ cười, niềm vui của các thương binh nặng nơi đây thì tất cả vất vả đều tan biến hết.

Mấy năm trở lại đây, sức khỏe của thương binh Trần Khắc Hải không tốt, vậy mà nghe có đoàn cán bộ tỉnh đến thăm, ông lại tươi tỉnh hẳn lên. Thương binh Trần Khắc Hải nghẹn ngào nói: “Cảm ơn các cháu đã luôn nhớ đến các thương binh nặng nơi đây. Hành động, việc làm ý nghĩa của các cháu giúp chúng tôi cảm thấy ấm lòng và thật hạnh phúc”.

Rời Trung tâm Điều dưỡng Thương binh và Người có công Long Đất, điều đọng lại trong lòng các thành viên của đoàn cán bộ tỉnh là hình ảnh các thương binh nặng đang kiên cường chống lại vết thương năm nào đang tái phát và nụ cười hạnh phúc, cái bắt tay mừng rỡ của những người lính Cụ Hồ nơi đây.

Còn những ngày tháng 7, tại các NTLS trên địa bàn tỉnh, hàng ngày, những dòng người trên mọi miền đất nước về đây thắp nén tâm nhang thành kính dâng lên các anh hùng liệt sĩ. NTLS là một trong những biểu tượng đời đời ghi nhớ, biết ơn và tôn vinh những chiến sĩ đã hy sinh vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Bởi, các nghĩa trang không chỉ là nơi an nghỉ của liệt sĩ mà còn là công trình văn hóa - lịch sử mang đậm giá trị nhân văn, ghi nhận công đức của các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, cuộc sống bình yên của nhân dân.

Với ý nghĩa trên, hàng năm, UBND tỉnh đều phân bổ kinh phí nâng cấp, cải tạo, sửa chữa các NTLS và xây dựng nhà bia ghi tên liệt sĩ. Cụ thể, năm 2020, UBND tỉnh phân bổ 13 tỉ đồng nâng cấp, cải tạo NTLS huyện Vĩnh Hưng 7 tỉ đồng; nâng cấp, sửa chữa NTLS liên huyện Tân Thạnh - Thạnh Hóa 1 tỉ đồng; nâng cấp, sửa chữa NTLS huyện Cần Đước 1 tỉ đồng,...

Ông Hồ Văn Thương (quản trang NTLS huyện Vĩnh Hưng) cho biết: “Ngày Thương binh - Liệt sĩ có rất nhiều khách trong và ngoài tỉnh đến thắp nhang lên các phần mộ. Vì vậy, Ban Quản trang tất bật lau dọn các ngôi mộ, chăm sóc cây kiểng để các gia đình liệt sĩ cảm thấy ấm lòng và an tâm để người thân mình nằm lại nơi đây”.

Nâng cao chất lượng cuộc sống

Huyện Đức Huệ được xem là cái nôi của cách mạng trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc. Sau ngày đất nước thống nhất, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây ngoài ra sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp còn chú trọng thực hiện tốt công tác Đền ơn đáp nghĩa.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Cảnh thăm hỏi, động viên thương binh Trần Khắc Hải

Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đức Huệ - Trần Quốc Bảo cho biết: “Nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống người có công cao hơn hoặc bằng mức sống trung bình người dân nơi cư trú, năm 2018, huyện thực hiện mô hình Thực hành tiết kiệm, chăm lo gia đình chính sách khó khăn. Theo đó, mức đóng góp quy định hàng tháng: Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang: 20.000 đồng; đảng viên nông thôn 10.000 đồng; cán bộ, đảng viên hưu trí đóng góp trên tinh thần tự nguyện. Qua thời gian vận động, đến cuối tháng 5-2020, mô hình tiết kiệm được gần 360 triệu đồng. Số tiền này dùng hỗ trợ vốn, nhà ở, con giống cho 25 gia đình chính sách thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Sau thời gian thực hiện, đến nay 25 gia đình chính sách, người có công thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo đều thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống”.

Bà Phan Thị Nhị (thị trấn Đông Thạnh, huyện Đức Huệ, con liệt sĩ Phan Văn Thoại) thuộc diện hộ nghèo neo đơn, sống nhờ vào số tiền bán vé số hàng ngày, trong khi đó lại thường xuyên bệnh tật. Chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn của gia đình bà, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện hỗ trợ 30 triệu đồng sửa chữa nhà và làm vốn chăn nuôi. Giờ đây, bà Nhị có được căn nhà khang trang, cuộc sống ổn định và đã thoát nghèo. Bà Nhị trải lòng: “Có nằm mơ tôi cũng không dám nghĩ mình sẽ có tiền sửa sang lại căn nhà, thu nhập ổn định như hôm nay. Sự giúp đỡ của các cấp, các ngành là nguồn động viên tinh thần to lớn giúp tôi vượt qua khó khăn trong cuộc sống”.

Năm 2020 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng: Năm cuối của nhiệm kỳ; năm tiến hành tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Nhằm lập thành tích chào mừng đại hội đảng các cấp, tỉnh vận động xã hội hóa xây 168 căn và sửa chữa 517 căn nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng và người thờ cúng Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng khó khăn về nhà ở. Đến nay, các căn nhà cơ bản hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người có công và gia đình chính sách.

Bà Võ Thị Dựng, ngụ xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, cho biết: “Từ nay, gia đình tôi đã có căn nhà khang trang thờ cúng mẹ, không còn chịu cảnh mưa, nắng. Nhận được tiền hỗ trợ 60 triệu đồng, gia đình tôi mừng lắm, cố gắng thi công thật sớm để dọn vào ở. Gia đình tôi mang ơn và hy vọng tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các cấp, các ngành trong thời gian tới”.

Chăm lo gia đình chính sách, người có công là việc làm thiết thực, thể hiện lòng tri ân đối với những người đã cống hiến, hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc, nhất là trong dịp tháng 7 này, góp phần giúp ngọn lửa tri ân mãi mãi được thắp sáng./.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục mở rộng các mô hình xã hội hóa chăm sóc người có công, đồng thời động viên sự vươn lên của bản thân, gia đình chính sách tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng trong thời kỳ đổi mới; tiếp tục tu bổ, nâng cấp các nghĩa trang liệt sĩ, nhà bia ghi công liệt sĩ; tổ chức thực hiện tốt Nghị định số 31/2013/NĐ-CP, ngày 09/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và Nghị định số 56/2013/NĐ.CP, ngày 22/5/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng”; tiếp tục phối hợp UBMTTQ Việt Nam tỉnh vận động đóng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa; kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong công tác thực hiện chính sách và đền ơn đáp nghĩa”.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Hồng Mai

 

Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, đồng thời hưởng ứng phát động của UBND tỉnh, Ngân hàng Sài Gòn tài trợ 1,2 tỉ đồng xây 20 căn nhà tình nghĩa cho người thờ cúng Mẹ Việt Nam Anh hùng khó khăn về nhà ở, mỗi căn trị giá 60 triệu đồng. Đây là một trong những chuỗi hoạt động tri ân của SCB dành cho gia đình chính sách, người có công thời gian qua”.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Sài Gòn - Đinh Văn Thành

Kim Ngọc

Chia sẻ bài viết