Tiếng Việt | English

22/09/2017 - 03:05

Sáng ngời chất lính

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông Trần Văn Năm (còn gọi là Năm Gấu), ngụ ấp Nam, xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An từng 3 lần được tặng thưởng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”, 3 danh hiệu “Dũng sĩ quyết thắng”, 1 danh hiệu “Dũng sĩ diệt xe cơ giới” và nhiều huân, huy chương. Năm 2011, ông vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Khí phách anh hùng

Hẹn gặp ông vào một ngày cuối tháng 8/2017, tại trụ sở Hội Cựu chiến binh huyện Cần Giuộc - nơi ông đang công tác, đón chúng tôi là người đàn ông tuổi ngoài 70 nhưng vẫn giữ được nét tinh anh của một chiến sĩ trinh sát lão luyện năm nào.

Với tác phong nhanh nhẹn, trí nhớ cực kỳ minh mẫn và sự vui vẻ, gần gũi khi kể về quá trình chiến đấu của mình, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Năm luôn khiến người đối diện khâm phục, bởi cuộc chiến lùi sâu vào quá khứ hơn 4 thập kỷ nhưng ông vẫn nhớ rõ từng chi tiết. Với ông, tất cả mọi chuyện dường như chỉ mới xảy ra ngày hôm qua.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Năm tại nơi làm việc

Ông Năm kể, ông sinh ra và lớn lên ở xã Tân Hội, huyện Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) trong một gia đình nông dân nghèo. Nhà có 4 anh chị em nhưng không có ai được đi học, từ nhỏ phải đi làm thuê phụ giúp gia đình kiếm sống.

Năm 15 tuổi, được cán bộ cách mạng giác ngộ, hướng dẫn, ông tham gia vào du kích địa phương, làm nhiệm vụ nắm tình hình, báo cáo cho lực lượng vũ trang và vận động nhân dân đấu tranh chống càn quét.

Dù trong gia đình không có ai trực tiếp tham gia chiến đấu nhưng với truyền thống cách mạng của quê hương và hàng ngày chứng kiến những cảnh đế quốc Mỹ cùng bọn tay sai dồn dân lập ấp chiến lược, áp bức, bóc lột người dân hết sức dã man, chính những điều ấy hun đúc trong chàng trai trẻ lòng yêu nước mãnh liệt và ý chí căm thù giặc sâu sắc.

Anh dũng trong chiến đấu

Năm 1964, khi phong trào cách mạng miền Nam lên cao, nhân dân toàn miền sôi sục đứng lên đánh Mỹ, ông thoát ly gia đình, nhập ngũ vào lực lượng An ninh vũ trang bảo vệ Trung ương Cục miền Nam. Đến tháng 3/1967, ông nhận công tác tại Trung đội 5 (B5) Trinh sát, Đoàn 180.

Giai đoạn này, một trong những trận đánh mà ông nhớ nhất có lẽ là trận chiến đấu chống càn Giôn-xơn-xi-ty tại Trảng Hàng Gòn (nay là xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh). Với nhiệm vụ vừa trinh sát, vừa đánh địch, ông được phân công tiêu diệt bộ binh, hỗ trợ đồng đội đánh xe tăng và máy bay.

“Nhờ quen thuộc địa hình, địa vật, nhận thấy có thể đánh áp đảo quân địch, tôi tiến lại nơi gần nhất có thể rồi bất ngờ nổ súng tiêu diệt gọn 5 tên. Sau khi nghe tiếng súng, địch bỏ chạy tán loạn, quân ta rút lui về vị trí an toàn. Trong trận này, tôi cùng tiểu đội tiêu diệt 1 xe tăng M41, 3 xe tăng M113 và bắn rơi 1 máy bay trực thăng HU-1A” - ông Năm nhớ lại.

Một trận đánh khác cũng gay go, ác liệt không kém, mang về cho ông danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ” cấp 1 và 1 bằng khen là trận đánh tại Trảng Tranh (nay thuộc xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh).

Ngày 28/12/1967, qua trinh sát nắm tình hình, phát hiện một đội biệt kích Mỹ đang đóng tại Trảng Tranh để bảo vệ căn cứ Thiện Ngôn, ông xin ý kiến cấp trên và trực tiếp chỉ huy tiểu đội tập kích bất ngờ, diệt được gần 70 tên địch. Sau đó, ông cùng đồng chí tên Thanh tiếp cận đội hình địch, cài 2 trái mìn DH10, tiêu diệt gần như toàn bộ đại đội của địch (khoảng 120 tên).

Bí thư Huyện ủy Cần Giuộc - Nguyễn Văn Thiệp tặng hoa và quà cho Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Năm tại Lễ kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/2017)

Được biết, trong những năm tháng làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh tại Trung ương Cục miền Nam, ông cùng đồng đội tham gia hàng chục trận đánh tiêu diệt bọn biệt kích, thủy quân lục chiến, bộ binh của Mỹ - ngụy ở khu vực Trảng Hàng Gòn, Trảng Sến, Trảng Tranh, Tà Nốt, Tà Âm,...

“Nhiều trận quân ta chiến thắng oanh liệt trong thế trận hoàn toàn không cân sức, đập tan ý đồ tiêu diệt cơ quan đầu não cách mạng miền Nam của đế quốc Mỹ, bảo vệ tuyệt đối an toàn căn cứ và các đồng chí lãnh đạo Trung ương cục: Nguyễn Văn Linh, Phạm Hùng, Nguyễn Hữu Thọ” - ông Năm tự hào nói.

Còn sức khỏe là còn cống hiến

Đất nước hòa bình, ông cùng đồng đội chung sức bảo vệ quê hương. Năm 1979, ông lên đường làm nghĩa vụ quốc tế tại nước bạn Campuchia.

Ông Năm nhẩm tính: “Suốt 9 năm chiến đấu chống bọn phản động Pôn Pốt, tôi trực tiếp chỉ huy 15 trận đánh lớn, diệt 135 tên địch, bắn cháy 2 xe tăng M48, thu hơn 100 súng các loại. Đó là các trận đánh tại cua chữ V, gần Khâu Phai Lin tháng 02/1979; trận đánh 15 ngày đêm tại Mô Hơn-Si Pôn tháng 4/1982; trận đánh tại Cao My Lai tháng 9/1982; trận đánh tại Siêm Riệp năm 1983;...”.

Trải qua cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, ông trở về và được đơn vị cử đi học bổ túc văn hóa tại Trường Văn hóa Quân khu 7. Đến năm 1988, ông được tạo điều kiện để đoàn tụ gia đình và chuyển về làm Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Long An.

Năm 1999, ông nghỉ hưu theo chế độ với cấp hàm Đại tá. Trở về cuộc sống đời thường, phát huy phẩm chất người lính Cụ Hồ, ông cùng gia đình tích cực lao động, sản xuất, ổn định cuộc sống. Từ năm 2012, với vai trò Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Cần Giuộc, ông tiếp tục góp sức cho quê hương.

Tham gia cách mạng đến nay hơn 54 năm, ông Năm luôn giữ vững lập trường, khí phách của người chiến sĩ cách mạng, ngoan cường, gan dạ trong chiến đấu, tận tụy trong công tác. Dù ở cương vị nào, ông cũng nỗ lực hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ của Đảng và cấp trên giao.

Đặc biệt, trong 11 năm chiến đấu chống Mỹ - ngụy, ông trực tiếp tham gia 45 trận đánh, trong đó có những trận đánh lớn, cá nhân ông tiêu diệt được 35 tên lính Mỹ, 25 tên ngụy, bắn cháy 2 xe tăng. Những thành tích đó góp phần tô thắm thêm truyền thống của Tiểu đoàn 2, Đoàn 180, Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng./.

An Kỳ

Chia sẻ bài viết