Tiếng Việt | English

21/11/2017 - 03:30

Sáng ngời truyền thống Nhà giáo Việt Nam

Biết bao người “đưa đò” thầm lặng, từ thế hệ này sang thế hệ khác vẫn nối tiếp nhiệm vụ “trồng người”, phát huy truyền thống tốt đẹp của nhà giáo Việt Nam. Dù khác nhau về độ tuổi, những thế hệ nhà giáo ấy luôn hết lòng vì học sinh (HS) thân yêu.

Đong đầy tình thương

“Cô làm mẹ con nha!” - một cậu HS cá biệt nói với cô Mai Thị Thu (47 tuổi) - giáo viên (GV) môn Toán, Trường THCS Lê Đại Đường (xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ), như thế! Nghe vậy, cô Thu ngạc nhiên và tìm hiểu hoàn cảnh của học trò. Cậu học sinh này sống với bà nội vì ba mẹ ly dị, mỗi người đều có cuộc sống riêng với người mới. “Biết hoàn cảnh, tôi càng thương em hơn! Tôi hiểu, em khát khao tình thương, sự quan tâm của gia đình nên dành nhiều thời gian quan tâm, thường xuyên trò chuyện để em đỡ tủi thân. Bây giờ, nhiều năm trôi qua nhưng khi gặp lại, em vẫn gọi tôi là mẹ” - cô Thu kể.

Cô Mai Thị Thu luôn hết lòng vì học sinh

Chính sự yêu thương, gần gũi mà GV dành cho HS là sợi dây nối kết tình thầy - trò để khi “sang sông”, HS vẫn nhớ “người lái đò” năm cũ. Đó cũng là niềm vui lớn với nhà giáo. Và, cũng vì yêu thương nên khi gắn cuộc đời với “phấn trắng, bảng đen”, cô Thu và nhiều GV khác nguyện hết lòng vì HS. Mỗi khi trong lớp vắng một chỗ ngồi, cô Thu lại lo lắng, tìm hiểu nguyên nhân để vận động HS trở lại trường. Cô Thu kể tiếp: “Năm học vừa rồi, tôi đến nhà em Đoàn Thảo Nga, khi ấy đang học lớp 9, để vận động phụ huynh cho Nga trở lại lớp. Đến nơi, nhìn Nga khóc sướt mướt, tôi biết, em rất muốn cắp sách đến trường nhưng mẹ buộc phải nghỉ để đi làm kiếm tiền. Vừa giải thích, vừa năn nỉ, cuối cùng, mẹ Nga đồng ý cho em đi học lại. Hiện, em học lớp 10 và học rất tốt”.

Giúp HS tiếp tục con đường học tập là niềm hạnh phúc của GV. Vì vậy, với những HS có hoàn cảnh khó khăn dễ nghỉ học giữa chừng, cô Thu dành một ít tiền lương mua, tặng quần áo, tập nhằm động viên tinh thần để các em tiếp tục đến trường. Theo lời cô Thu: “Tình thương cho đi sẽ nhận lại”. Điều cho đi là tình thương và cô nhận về sự yêu mến của học trò. Cô Thu nói tiếp: “Khi trường tôi có một GV Toán nghỉ trị bệnh thời gian dài, tôi phải dạy thay và ngưng làm công tác chủ nhiệm lớp. Khi đó, HS lớp tôi chủ nhiệm rất buồn. Nhiều phụ huynh đến trường xin hiệu trưởng cho tôi tiếp tục chủ nhiệm lớp”. Bấy nhiêu đó cũng làm ấm lòng, là động lực để GV phấn đấu!

Còn cô Lưu Thị Hoài (39 tuổi) - GV Trường Tiểu học Tân Hiệp (huyện Thạnh Hóa), dù công tác tại xã vùng biên với nhiều khó khăn nhưng chưa bao giờ, cô Hoài nản lòng. Ngược lại, những vất vả, thiếu thốn ấy càng làm cô thêm yêu học trò và quyết tâm gieo chữ cho các em. Cô Hoài chia sẻ: “Thấm thoát mà gần 20 năm tôi về đây giảng dạy. Tình cảm thầy - trò ngày thêm gắn bó. Nếu so với khu vực thành thị, điều kiện học tập của HS nơi này còn nhiều khó khăn. Vì vậy, khi có HS yếu, tôi sẵn lòng phụ đạo buổi tối tại nhà mà không lấy tiền để các em học tốt hơn”. Thương cô, nhà có củ khoai, con vịt, con gà,... học trò lại mang đến biếu vào ngày 20/11. “Học trò mà! Hễ mình thương các em thì các em thương lại mình thôi!” - cô Hoài cười, nói.

Đó cũng là suy nghĩ của cô Hồ Thị Thanh Mỹ (55 tuổi) - GV dạy Toán, Trường THPT Chuyên Long An. Cô Mỹ tâm sự: “Còn vài tháng nữa, tôi nghỉ hưu, nhưng điều vui nhất trong khoảng thời gian gắn bó với nghề là được HS ghi nhận. Có thể nói, thành công của GV là sự yêu mến, tin tưởng của HS”. Vì thế, dù là GV lớn tuổi nhưng cô Mỹ luôn tôn trọng ý kiến, lắng nghe HS để các em cảm thấy thoải mái, gần gũi với GV.

Tình yêu thương của GV đối với HS vẫn đong đầy. Đó là truyền thống quý báu của nhà giáo Việt Nam.

Dạy chữ, rèn người

Một nhà hiền triết Ấn Độ từng nói: “... Giáo dục một người thầy giáo thì được một thế hệ”. Điều này có nghĩa, ngoài dạy kiến thức, GV phải dạy những bài học làm người cho HS. “Nhồi nhét kiến thức cho HS là cách dạy chưa khoa học” - cô Mỹ nói. Vì vậy, dù môn Toán khá cứng nhắc với những con số, phép tính, công thức nhưng trong mỗi bài giảng, cô Mỹ đều rèn cho HS nhiều kỹ năng qua các tiết học. Theo cô Mỹ: “Khi dạy, tôi để HS nói nhiều hơn GV. Có nghĩa, GV dạy HS những kiến thức cơ bản, trọng tâm trong sách giáo khoa, sau đó định hướng cho các em kiến thức mở rộng theo khả năng phù hợp. Từ đó, HS thoải mái trình bày ý tưởng. Qua đó, ngoài kiến thức được tiếp nhận, các em rèn được tính tư duy, khả năng diễn đạt,...”.

Khi dạy bằng phương pháp lấy HS làm trung tâm như vậy sẽ tạo hứng thú học tập. Muốn thế, GV phải có kỹ năng, tạo không khí thoải mái để HS thẳng thắn trình bày ý tưởng. “Đó là một nghệ thuật mà GV phải biết. Với tôi, HS như con trong nhà nên không bao giờ áp đặt. Có lần, tôi đưa ra một bài toán, HS vận dụng kiến thức môn Vật lý để giải nhưng vẫn cho đáp án đúng. Không bắt ép em phải làm theo công thức Toán mà ngược lại, tôi tôn trọng vì đó cũng là sáng tạo của HS” - cô Mỹ nói.

Thoải mái nhưng không dễ dãi. Khi HS làm bài chưa tốt, cô sẵn sàng cho điểm thấp. Theo cô Mỹ, điều này giúp các em hiểu đúng thực lực và biết chịu trách nhiệm với thái độ học tập của mình mà phấn đấu. Quan điểm của cô Mỹ là điểm số không thể đánh giá toàn diện HS mà chủ yếu, các em hiểu được những gì sau mỗi bài giảng. Vì vậy, cô luôn tích cực đổi mới phương pháp theo hướng có lợi cho HS. “Mấy tháng trước, tôi làm một chương trình online để quản lý HS giải bài tập và giải đáp thắc mắc của các em trong thời gian thầy, trò không lên lớp. Có những đêm, gần 0 giờ mà HS nhắn tôi cho thêm bài tập để giải. Thế rồi, tôi cũng ngồi soạn, tải lên hệ thống để các em làm. Chỉ cần HS vui thì mình cũng vui và không nghĩ đến vất vả!” - cô Mỹ tâm sự.

Với cô Mai Thị Thu - GV được đề nghị xét tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú năm nay, cũng hết lòng mang kiến thức đến với HS. Năm 1990, khi về dạy tại Trường Tiểu học Lạc Tấn, cô Thu bỡ ngỡ vì chuyên ngành học là dạy THCS. Không nản lòng, cô cố gắng học hỏi để giảng dạy phù hợp với HS. Năm 2003, khi chuyển sang dạy tại Trường THCS Lê Đại Đường, một phần kiến thức chuyên môn đã quên nhưng cô ôn lại để dạy tốt. Ngần ấy thời gian, vừa dạy, cô vừa đóng góp nhiều sáng kiến để giúp HS học tốt hơn: Một số biện pháp giúp HS hứng thú học môn Toán lớp 6; phát huy tính tích cực, chủ động của HS bằng phương pháp học nhóm,...

Còn cô Trần Thị Minh Thư (26 tuổi) - GV Trường THPT Chuyên Long An, dù là GV trẻ nhưng luôn chú trọng việc vừa dạy chữ, vừa dạy người. “Dạy chữ, rèn người là truyền thống của nhà giáo Việt Nam mà tôi phải phát huy. Vì vậy, sau mỗi bài học, tôi mong rằng, các em hiểu hơn về truyền thống lịch sử dân tộc để thêm yêu và tự hào về đất nước, con người Việt Nam. Có một lần, khi kể về tấm gương anh hùng Phan Đình Giót, La Văn Cầu, HS cảm động, rưng rưng nước mắt” - cô Thư chia sẻ.

Những lúc trống tiết dạy, cô Trần Thị Minh Thư bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi môn Lịch sử

Là GV dạy Lịch sử, để HS thích thú học tập, cô tích cực đổi mới phương pháp bằng những hình ảnh, câu chuyện kể về nhân vật lịch sử mà bản thân sưu tầm để đưa vào bài giảng như vậy. Ngoài ra, cô thường xuyên trau dồi kiến thức, tham khảo nhiều tài liệu để làm tốt công tác bồi dưỡng HS giỏi. Mỗi khi trống tiết dạy hoặc buổi chiều tối sau ngày lên lớp, cô miệt mài bồi dưỡng đội tuyển HS giỏi với hy vọng các em đoạt giải, góp phần tạo thương hiệu cho Trường THPT Chuyên Long An. “Nhưng ngoài những gì cố gắng, bản thân là GV trẻ nên phải học tập nhiều từ những thế hệ nhà giáo đi trước” - cô Thư cho biết.

Yêu thương và dạy dỗ HS nên người là trách nhiệm cao quý của người thầy. Đó cũng là truyền thống quý báu của nhà giáo Việt Nam mà từ thế hệ này sang thế hệ khác vẫn sáng ngời nét đẹp./.

Nguyễn Ngọc

Chia sẻ bài viết