Tiếng Việt | English

18/07/2017 - 12:38

Sạt lở ở kênh Nước Mặn tiếp tục “tấn công” nhà dân

Kênh Nước Mặn được con người đào nên. Từ dòng kênh nhỏ, trải qua thời gian, giờ đây, con kênh này trở thành dòng sông rộng, là tuyến giao thông đường thủy quan trọng. Tuy nhiên, tình trang sạt lở tiếp tục xảy ra làm ảnh hưởng đến đời sống người dân sống bên bờ kênh.

Từ tuyến kênh do con người đào

Kênh Nước Mặn chảy qua địa bàn 2 xã Long Hựu Tây và Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Con kênh này do con người đào cách đây hơn 100 năm với chiều rộng chỉ khoảng 15m. Trải qua thời gian, hiện kênh Nước Mặn trở thành một con sông lớn, rộng khoảng 160m. Kênh Nước Mặn giờ là tuyến giao thông huyết mạch, mỗi ngày có cả ngàn lượt sà lan, xuồng, tàu chở hàng hóa từ các tỉnh miền Tây lên TP.HCM và ngược lại.

Một đoạn sạt lở ở ấp Long Hưng, xã Long Hựu Tây

Cùng với việc lòng kênh ngày càng mở rộng cũng đồng nghĩa với việc sạt lở. Điều đáng lo ngại là tình trạng sạt lở vẫn tiếp tục diễn ra, đe dọa cuộc sống người dân 2 bên bờ.

Nhà dân lại “lọt kênh”

Theo người dân phản ánh, mấy năm qua, 2 bên bờ kênh Nước Mặn có mấy căn nhà bị sạt lở rồi rớt xuống kênh. Gần đây nhất là vào đêm 11/7/2017, căn nhà của ông Trà Văn Khôi ở ấp Long Hưng, xã Long Hựu Tây bị đổ sập xuống kênh, ước thiệt hại trên 65 triệu đồng. Chính quyền địa phương và hàng xóm kịp thời thăm hỏi, hỗ trợ kinh phí giúp ông khắc phục hậu quả.

“Lúc đó khoảng 23 giờ, cả 4 người trong gia đình đang ngủ thì bỗng thức giấc vì nghe tiếng sột soạt, tiếng đất đá rơi xuống nước phía sau nhà. Vừa tung mùng chạy ra ngoài cũng là lúc căn nhà rớt xuống sông” - ông Khôi nhớ lại. Trò chuyện cùng chúng tôi, ông rất lo lắng vì hoàn cảnh gia đình nghèo, khó khăn, không có đất đai nên hiện chưa biết di dời đi đâu, nếu ở lại nền đất cũ thì cũng không được vì phần đất nền còn lại rất nhỏ và đang bị sạt lở, không thể dựng nhà ở.

Ngoài gia đình ông Khôi, mấy năm gần đây, ở ấp Long Hưng cũng có vài ngôi nhà “chung số phận” như nhà ông Phạm Văn Sạch, nhà bà Trà Thị Rạnh,... Chủ tịch UBND xã Long Hựu Tây - Trương Thị Lệ Chi cho biết: “Riêng ở khu vực ấp Long Hưng, đoạn nằm bên kênh Nước Mặn những năm gần đây có 12 căn nhà bị sạt lở “tấn công” nhưng vì điều kiện kinh tế khó khăn nên chưa chuyển đi mà phải lùi nhà vào phần đất còn bên trong nếu tiếp tục bị sạt lở, những hộ này cũng không còn đất để lùi vào trong”. Cũng theo bà Chi, qua thống kê, hiện xã có khoảng 20 hộ dân sinh sống dọc theo kênh Nước Mặn đang có nguy cơ tiếp tục bị sạt lở.

Còn bên kia ấp Chợ, xã Long Hựu Đông, những năm qua, có một số nhà phải chuyển đến nơi khác vì sạt lở “tấn công”. Hiện, còn vài hộ đang cầm cự dựng nhà tạm sinh sống ngay trên mặt nước kênh.

Chủ tịch UBND xã Long Hựu Đông - Nguyễn Văn Khắc cho biết: “Trên địa bàn xã, dọc theo kênh Nước Mặn, vẫn còn trên 100 ngôi nhà cách bờ 3-5m. Nhằm đối phó với sạt lở, người dân mua đá, đóng cọc cừ kè dọc bờ kênh, thế nhưng, đó chỉ là giải pháp tạm thời. Những ngôi nhà này vẫn có nguy cơ bị sạt lở. Ngoài ra, một khu vực khác ở ấp Chợ đoạn qua sông Rạch Cát cũng đang xảy ra sạt lở khá nghiêm trọng. Hiện, đoạn này đang có 6 ngôi nhà có nguy cơ bị lọt sông”.

Căn nhà của ông Trà Văn Khôi bị sạt lở và nửa căn nhà sụp xuống kênh

Trước tình trạng trên, người dân, chính quyền địa phương mong được Nhà nước đầu tư xây dựng bờ kè. Được biết, từ năm 2012, dự án xây dựng bờ kè kênh Nước Mặn được Chính phủ bàn tính và dự kiến thực hiện nhưng đến giờ, mọi việc vẫn còn dự tính!

Những năm qua, tình trạng sạt lở vẫn diễn ra tại một số địa điểm trên địa bàn tỉnh. Trong đó, nghiêm trọng là tại khu vực sông Cần Giuộc thuộc ấp 4, xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc. Chỉ trong ngày 29/5/2017, nơi đây có 5 căn nhà bị sụt lún do sạt lở và có nguy cơ bị đổ sập bất cứ lúc nào. Hiện, ở khu vực này còn hơn 50 nhà dân đang đối mặt với nguy cơ bị ảnh hưởng bởi sạt lở cao.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết