Tiếng Việt | English

28/02/2017 - 13:43

Sáu định hướng quan trọng về viễn thông, công nghệ thông tin

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn chia sẻ về các định hướng quan trọng của ngành công nghệ thông tin, viễn thông trong thời gian tới. (Ảnh: Vietnam+)

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đã chia sẻ những định hướng quan trọng để tạo đột phá đưa Việt Nam lên tầm cao mới trước cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, năm 2017 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, do đó đơn vị này sẽ có những chiến lược cụ thể nhằm thúc đẩy lĩnh vực viễn thông – công nghệ thông tin phát triển.

Thứ nhất sẽ tập trung tăng cường công tác phát triển, đào tạo nhân lực viễn thông, công nghệ thông tin từ nay tới năm 2020.

Theo người đứng đầu ngành thông tin và truyền thông, để đón bắt được cơ hội đột phá từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đơn vị này sẽ tập trung mọi nguồn lực để hỗ trợ, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chuyên ngành điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin và an toàn thông tin. Đây là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu với mục tiêu không chỉ tập trung vào số lượng mà còn đảm bảo được chất lượng chuyên môn, và đặc biệt, nhân lực phải có các kỹ năng mềm cần thiết và khả năng ngoại ngữ tốt để có thể hội nhập sâu hơn với thị trường công nghệ toàn cầu.

Để làm được việc này, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đẩy mạnh phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, gắn kết chặt chẽ giữa hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học với hoạt động và nhu cầu của các doanh nghiệp.

Thứ hai, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp cùng với các ban, bộ, ngành của Chính phủ hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin.

Ngoài ra, cơ quan này cũng sẽ nghiên cứu phương án hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp thông qua công tác truyền thông để nâng cao hình ảnh, thương hiệu doanh nghiệp, tạo sự thuận lợi trong việc kêu gọi, thu hút vốn đầu tư từ các tổ chức trong nước và quốc tế.

Thay bằng việc đưa ra khẩu hiệu chung chung, Bộ sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp triển khai cụ thể, có không gian sáng tạo với cơ chế linh hoạt và ngân sách đầu tư thích hợp để ứng dụng các sáng kiến vào thực tế quản lý, phát triển sản phẩm, dịch vụ kinh doanh cũng như khởi tạo những sản phẩm có tính đột phá, đặc biệt các sản phẩm có tính mở với phạm vi ứng dụng trên toàn cầu.

Định hướng quan trọng thứ ba chính là việc triển khai mạng 4G và phát triển dịch vụ giá trị gia tăng.

Ông Tuấn cho rằng, việc triển khai mạng 4G sẽ tạo nên một nền tảng kết nối dữ liệu tốc độ cao, tạo cơ sở cho sự phát triển mạnh mẽ các dịch vụ nội dung. Trong năm 2017, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đôn đốc các nhà mạng đẩy nhanh tiến độ xây dựng mạng lưới để cung cấp 4G, đảm bảo cơ sở hạ tầng tốt cho việc phát triển các dịch vụ nội dung trên nền tảng này.

Dây chuyền sản xuất điện thoại của Viettel. (Nguồn: Vietnam+)

Về vấn đề dịch vụ nội dung, ông Tuấn nhận định chưa có nhiều đột phá, các dịch vụ giá trị gia tăng chưa sáng tạo để đáp ứng các nhu cầu thiết thực trong cuộc sống. Việc hội tụ đa dịch vụ trên một đường truyền dẫn của các nhà mạng cũng được triển khai thực hiện nhưng thị trường vẫn thiếu vắng các loại hình dịch vụ phù hợp với khu vực nông thôn và đại đa số các hộ dân…

"Trong dài hạn, tôi hy vọng các nhà mạng sẽ đẩy nhanh tốc độ để nghiên cứu, phát triển làm chủ được các nền tảng khoa học, công nghệ, tiến tới việc cung cấp các dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin trọn gói, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin không chỉ cho các cơ quan của Chính phủ mà còn cho các doanh nghiệp," ông Tuấn nói.

Cùng lúc phát triển dịch vụ, người đứng đầu ngành thông tin và truyền thông nhấn mạnh việc đưa công nghệ, viễn thông của Việt Nam ra toàn cầu. Muốn vậy, cần phải đẩy mạnh các sản phẩm, dịch vụ có tính sáng tạo, đặc trưng của Việt Nam để đón đầu xu thế ủa cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4.

Thứ tư là phát triển Chính phủ điện tử và nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước.

Ông Tuấn cho hay, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xây dựng các chính sách để phát triển đồng bộ hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông trong nước, đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước. Ngay trong năm 2017, cơ quan này quyết tâm phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai các giải pháp đồng bộ để nâng vị trí của Việt Nam về Chính phủ điện tử trong bảng xếp hạng của Liên Hợp Quốc…

"Chúng tôi sẽ có những giải pháp đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin tại các bộ, ngành, địa phương theo Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020 và Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 về Chính phủ điện tử; tổ chức đánh giá và công bố xếp hạng mức độ ứng dụng công nghệ và cung cấp dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước…," ông Tuấn nhấn mạnh.

Định hướng thứ năm mà Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đưa ra là việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về giao dịch điện tử. Theo ông, ở Việt Nam hiện nay, sự phát triển của các loại hình giao dịch điện tử vẫn gặp nhiều khó khăn, hạn chế đặc biệt là vấn đề xác thực, bảo mật trong giao dịch điện tử.

Để có thể giải quyết được vấn đề này, công tác chứng thực điện tử đóng một vai trò vô cùng quan trọng để thúc đẩy sự phát triển các hoạt động về giao dịch điện tử. Trong năm 2017, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiến hành sửa đổi Nghị định số 26/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số để tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho hoạt động này.

Dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử tại Khu công nghiệp Điềm Thụy. (Ảnh: TTXVN)

Thứ sáu là việc tăng cường đảm bảo an toàn thông tin. Đây là một trong lĩnh vực luôn được quan tâm bởi tính quyết định của vấn đề đối với sự phát triển bền vững của ngành viễn thông, công nghệ thông tin.

Ông Tuấn khẳng định, trong năm 2017, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm nhằm củng cố và tạo sức bật cho các công tác đảm bảo an toàn thông tin. Công tác đào tạo nâng cao nhận thức, kỹ năng, tổ chức diễn tập nâng cao khả năng chủ động phản ứng với sự cố, hỗ trợ rà soát các điểm yếu an toàn thông tin trong các hệ thống thông tin hay đầu tư giải pháp trọng điểm về phát hiện và phòng chống các nguy cơ tấn công sẽ được tiếp tục quan tâm và triển khai mạnh mẽ.

"Từ những bài học về an toàn thông tin tại các nước tiên tiến hàng đầu trên thế giới thì việc chỉ tập trung đầu tư các giải pháp công nghệ là chưa đủ mà phải đẩy mạnh đầu tư các yếu tố con người như nâng cao nhận thức, kỹ năng và tầm nhìn quản lý an toàn thông tin. Lực lượng nhân lực an toàn thông tin phải mạnh thì mới có thể vận hành hiệu quả các hệ thống kỹ thuật hiện đại và từng bước cải thiện hình ảnh của Việt Nam trên bản đồ an toàn thông tin thế giới,” ông Tuấn chốt lại./.

Theo PV/TTXVN

Chia sẻ bài viết