Tiếng Việt | English

18/05/2019 - 19:40

Sau Đồng Tháp, đến lượt trái xoài vùng núi An Giang "tràn" vào thị trường Mỹ

An Giang là địa phương thứ 2 trong cả nước có lô hàng xoài chất lượng hảo hạng được phép xuất khẩu sang thị trường Mỹ sau tỉnh Đồng Tháp.

Ngày 18/5, tại TP Long Xuyên, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) tỉnh An Giang phối hợp với Công ty TNHH XNK trái cây Chánh Thu tổ chức lễ công bố xuất khẩu lô xoài đầu tiên của tỉnh này sang Mỹ.

Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết đến thời điểm hiện tại tỉnh này đã chuyển hàng chục ngàn ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu và cây ăn trái cho phù hợp với tái cơ cấu nông nghiệp ở địa phương. Trong đó, An Giang dành riêng khoảng 10.000 ha để trồng các loại xoài có giá trị kinh tế cao để hướng đến xuất khẩu ở các thị trường khó tính. Bởi từ trước đến nay xoài ở An Giang chủ yếu xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc nên giá cả luôn bấp bênh, gây khó khăn cho ngành nông nghiệp trong định hướng phát triển đối với mặt hàng này. Do đó, việc có doanh nghiệp đứng ra hợp tác với nông dân trồng xoài theo tiêu chuẩn quốc tế để xuất khẩu được vào thị trường khó tính nhất như Mỹ được xem bước ngoặc mới giúp đầu ra ổn định và người trồng xoài cũng có thu nhập cao hơn.

Lãnh đạo UBND tỉnh và Sở NN-PTNT tỉnh An Giang giới thiệu cho các đại biểu về các loại xoài của địa phương.

Lãnh đạo UBND tỉnh và Sở NN-PTNT tỉnh An Giang giới thiệu cho các đại biểu về các loại xoài của địa phương.

"Để được thị trường này chấp nhận thì đáp ứng những yêu cầu như nhà vườn phải có diện tích ít nhất là 10 ha và được định vị trên hệ thống toàn cầu để dễ dàng trong việc truy xuất nguồn gốc. Do đó, người trồng xoài phải tham gia vào HTX, sử dụng cùng 1 loại giống đã được chuẩn hóa. Về phía doanh nghiệp phải đảm bảo nghiêm ngặt các quy trình từ khâu bảo quản cho đến vận chuyển xuất khẩu, nhất là không vướng các loại chất cấm do nhà nhập khẩu đưa ra. Đây là tín hiệu vui không chỉ cho nông dân An Giang mà cho cả ĐBSCL trong việc tiêu thụ xoài. Theo tôi được biết thì sắp tới đây Ngân hàng Thế giới sẽ hỗ trợ nông dân về chuyển đổi cây trồng bền vững theo 5 tiêu chí để đưa vào các thị trường khó tính. Lô xoài này là kết quả của sự kiên trì trong suốt 2 năm qua của nông dân cũng ngành nông nghiệp", ông Thư chia sẻ.

Thêm 1 tấn xoài cát Hòa Lộc của nông dân vùng núi huyện Tri Tôn được đưa đi xuất khẩu sang thị trường Mỹ trong buổi sáng 18/5

Thêm 1 tấn xoài cát Hòa Lộc của nông dân vùng núi huyện Tri Tôn được đưa đi xuất khẩu sang thị trường Mỹ trong buổi sáng 18/5

Bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Giám đốc Công ty TNHH XNK trái cây Chánh Thu, cho hay Chánh Thu đây là doanh nghiệp đầu tiên được phép xuất khẩu một số loại xoài Việt Nam sang thị trường Mỹ. Đây là kết quả cho sự kiên trì của doanh nghiệp đàm phán và thực hành quy trình sản xuất theo đúng với cam kết với nhà nhập khẩu. Chỉ trong vòng 1 tháng qua, doanh nghiệp này đã lần lượt xuất khẩu sang thị trường khó tính này được hơn 40 tấn xoài các loại, trong đó An Giang có 12,8 tấn xoài chủ yếu là xoài tượng xanh, xoài keo. Đến sáng hôm nay (18/5), 1 tấn xoài cát Hòa Lộc của HTX dịch vụ nông nghiệp tại huyện miền núi Tri Tôn của tỉnh An Giang tiếp tục xuất khẩu sang Mỹ. Bà Thu mong muốn sẽ được sự hỗ trợ tích cực hơn nữa từ các bộ ngành, địa phương cùng với sự phù hợp của các HTX để giúp cho ngành hàng này phát triển bền vững trong thời gian tới.

GS-TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam kiêm Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, cho biết đây là sự thành công của ngành nông nghiệp vì giúp tăng giá trị xuất khẩu đối với mặt hàng này. Mặc dù An Giang không phải là tỉnh có truyền thống trồng xoài so với các địa phương khác nhưng nay cho ra sản phẩm danh tiếng về chất lượng chỉ trong vòng 4 năm trở lại đây và được cả nước biết đến. Với việc được thị trường khó tính nhất như Mỹ chấp nhận thì đồng nghĩa xoài Việt Nam đã đáp ứng mọi yêu cầu của thị trường thế giới. Tuy nhiên, ngành chuyên môn cần tiếp tục hỗ trợ nông dân về khoa học kỹ thuật, cơ sở hạ tầng với sự quyết tâm cải thiện công nghệ trong khâu bảo quản, chế biến, vận chuyển của doanh nghiệp trước khi đưa xoài ra thị trường xuất khẩu.

"Chúng ta phải tạo được thương hiệu bằng việc khẳng định về chất lượng cũng những thực hiện đầy đủ các điều kiện khắt khe về kiểm dịch. Bên cạnh đó, nông dân và doanh nghiệp phải làm sao giảm được chi phí sản xuất để tăng sức cạnh tranh cho dù thị trường xoài còn rất rộng mở mà Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 3%", GS-TS Nguyễn Hồng Sơn khuyến cáo./.

Theo nld.com.vn

Chia sẻ bài viết