Tiếng Việt | English

22/05/2017 - 14:38

Sẽ rà soát, sắp xếp lại hệ thống các trường Sư phạm

Việc rà soát, quy hoạch chuẩn sư phạm theo hướng sắp xếp lại hệ thống, tập trung vào một số trường sư phạm quốc gia, trọng điểm để đầu tư.

Việc rà soát, quy hoạch chuẩn sư phạm theo hướng sắp xếp lại hệ thống, tập trung vào một số trường sư phạm quốc gia, trọng điểm để đầu tư. Còn các trường Cao đẳng sư phạm hay khoa sư phạm các nơi là vệ tinh để thực hiện đào tạo lại đội ngũ giáo viên các tỉnh. Đây là nhiệm vụ vô cùng lớn.

Đó là phát biểu của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ tại buổi làm việc với Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập vừa diễn ra mới đây.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, việc rà soát, quy hoạch chuẩn sư phạm theo hướng rà soát sắp xếp lại hệ thống, tập trung vào một số trường sư phạm quốc gia, trọng điểm để đầu tư (ảnh: Bộ GD-ĐT)
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã nêu lên một thực tế kéo dài khoảng 5 - 7 năm nay là các trường này gần như không được quan tâm đúng mức và đúng tính chất của trường sư phạm, dẫn đến trường phải tự xoay sở một cách yếu ớt.

Đầu vào trường sư phạm không được tốt; trong quá trình đào tạo, tổ chức cũng chưa được đầy đủ; khi ra trường, sinh viên vào được các trường phổ thông rất khó khăn, nên học sinh học sư phạm ít, chất lượng thấp; khi ra trường vào đúng ngành không nhiều, đây là một sự lãng phí.

Quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo là tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị, nguồn lực của ngành Giáo dục, không phải mục tiêu chính là giảm biên chế hay tiết kiệm tiền mà mục đích là nâng cao chất lượng giáo dục, trên sở cơ cấu lại, tổ chức lại những gì bất hợp lý; tháo gỡ những tắc nghẽn, thậm chí có nhiều việc không cần đến tiền.

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, đối với các trường đại học, việc quy hoạch không theo hướng hành chính, không quy hoạch theo tư nhân hay công lập mà theo hướng quy hoạch ngành, để làm sao hợp lý với yêu cầu của một đại học hay cụm đại học; thay bằng rải rác khắp nơi thì giờ theo các cụm, vùng mà ở đó tập trung nguồn lực để đào tạo tốt nhất.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng đề cập tới một số vấn đề được dư luận quan tâm như tự chủ ở trường phổ thông; tự chủ tài chính; tuyển dụng giáo viên…

Các trường sư phạm phải “vào cuộc” một cách chủ động

Tại cuộc họp với đại diện các trường sư phạm đặc thù (nghệ thuật, thể dục thể thao, kỹ thuật) nhằm triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông cũng vừa diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao vai trò của các trường sư phạm đặc thù trong quá trình đổi mới giáo dục phổ thông, điều này thể hiện qua sự chủ động đổi mới của các nhà trường trong thời gian qua.

“Lần đổi mới này cần tất cả các trường sư phạm phải vào cuộc một cách chủ động, mọi sự ngồi chờ hay hành động thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ sẽ dẫn đến thất bại. Bộ chỉ đưa ra đường hướng, chủ trương, còn các trường chủ động tham gia vào chương trình môn học, cá nhân các thầy cô phải tham gia sâu vào hoàn thiện mục tiêu, nội dung, phương pháp, các điều kiện đảm bảo về giáo viên, cơ sở vật chất cho chương trình” - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chủ trì cuộc họp với đại diện các trường sư phạm đặc thù (ảnh: Bộ GD-ĐT)
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lưu ý, trong điều kiện khó khăn, không thể làm chương trình một cách cứng nhắc mà phải theo hướng linh hoạt, đến đâu là có thể tạo được nền tảng về đức - trí - thể - mỹ, đến đâu là có thể phát triển năng khiếu một cách chuyên sâu cho học sinh cần phải được tính toán để triển khai một cách hiệu quả.

Cũng theo Bộ trưởng, sau khi có chương trình tổng thể, các trường cần chuẩn bị lực lượng xây dựng dự thảo chương trình môn học, căn cứ vào đó để đưa ra yêu cầu chuẩn giáo viên cho từng môn học. Thông qua khảo sát số lượng, chất lượng đội ngũ giáo viên hiện có so với chuẩn sẽ thấy được đội ngũ giáo viên đang ở đâu, thừa thiếu ra sao để xây dựng chương trình bồi dưỡng, đào tạo lại, đào tạo mới cho phù hợp.

“Dù thế nào đào tạo giáo viên cũng phải đi trước một bước, đây không chỉ đào tạo cho trước mắt mà còn cho lâu dài” - Bộ trưởng Nhạ nêu rõ.

Bộ trưởng giao Ban quản lý dự án Chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP) xem xét các dự án đang khởi động để điều chỉnh đưa các trường sư phạm đặc thù vào thành phần của dự án.

“Bên cạnh các dự án, đề án, các trường sư phạm cần nhận thức rõ đây là nhiệm vụ chuyên môn của mỗi nhà trường và là nhiệm vụ chính trị để từ đó nâng cao trách nhiệm, đồng tâm đồng sức cùng toàn ngành thực hiện thành công lần đổi mới này” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định./.

Bích Lan/VOV.VN
Theo Bộ GD-ĐT 

Chia sẻ bài viết