Tiếng Việt | English

20/10/2015 - 13:32

Sẽ sớm xuất hiện nhiều hàng “Made in Vietnam” sau hiệp định TPP

May mặc Việt Nam sẽ khởi sắc nhờ TPP? (Nguồn: wsj.com)

Hoạt động sản xuất hàng may mặc và giày dép của Việt Nam sẽ có nhiều khởi sắc nếu Mỹ và các quốc gia khác thông qua hiệp định TPP.

Theo The Wall Street Journal, nhiều công ty may mặc nổi tiếng thế giới lớn như Nike đã xây dựng các nhà máy sản xuất lớn tại Long An, để tận dụng nguồn lao động trẻ, dồi dào với mức lương chỉ bằng khoảng một nửa so với Trung Quốc.

Nằm về phía nam thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đông dân nhất Việt Nam, Long An hiện có hơn một chục khu công nghiệp, và vẫn đang trên đà thu hút các doanh nghiệp nước ngoài. Tính tới tháng 5 vừa qua, tỉnh đã thu hút được 3,67 tỷ USD giá trị vốn đầu tư nước ngoài, 40% trong số đó là đầu tư vào lĩnh vực dệt may.

Các nhà kinh tế cho biết, sự tăng trưởng này còn có thể đạt tốc độ lớn hơn nếu Mỹ và 11 quốc gia khác thông qua Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), một thỏa thuận thương mại mang tính bước ngoặt mới được hoàn tất đàm phán trong tháng 10.

Hiệp định này sẽ xóa bỏ nhiều hàng rào thuế quan giữa các nước thành viên, mang lại lợi ích cho những quốc gia đang phát triển như Việt Nam hay Malaysia- nơi tăng trưởng chủ yếu phụ thuộc vào xuất khẩu.

Frank Smigelski, Phó chủ tịch tập đoàn Avery Dennison Corp. có trụ sở tại Glendale, California (Mỹ), một trong những nhà sản xuất nhãn mác quần áo lớn nhất thế giới cho biết nếu được thông qua, hiệp định TPP sẽ là “một cơ hội tuyệt vời.”

Tháng 7 vừa qua, tập đoàn Avery Dennison đã mở một nhà máy rộng hơn 27.000 mét vuông ở Long An và bắt đầu hoạt động gắn nhãn mác cho các sản phẩm của hãng thời trang Uniqlo danh tiếng Nhật Bản cũng như hãng sản xuất quần áo thể thao ngoài trời North Face.

“TPP sẽ khuyến khích nhiều nhà sản xuất hàng dệt may tăng cường mở nhà máy tại đây. Càng nhiều nhà máy mở ra, chúng tôi càng được lợi,” ông Smigelski cho biết.

Chi phí tăng vọt cùng sự thiếu hụt nhân công tại Trung Quốc đang khiến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Năm ngoái, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đạt 12,4 tỷ USD, tăng gần 25% so với năm 2009.

Một trong những nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam là tập đoàn Samsung Electronics của Hàn Quốc. Samsung hiện đang lên kế hoạch tăng gấp đôi vốn đầu tư hiện tại (4,5 tỷ USD) vào các nhà máy sản xuất các thiết bị điện tử tại Việt Nam.

Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Peterson, một cơ quan có trụ sở tại Washington (Mỹ) cho hay, nếu TPP được thông qua, nền kinh tế Việt Nam sẽ được hưởng lợi lớn nhất qua cơ hội tiếp cận các thị trường rộng lớn hơn như Mỹ hay Nhật Bản.

Chính phủ Việt Nam cũng ước tính rằng TPP sẽ giúp tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam tăng 33,5 tỷ USD trong vòng 10 năm tới, tức là gần 20% so với GDP hiện tại. Giá trị xuất khẩu hàng dệt may và giày dép có thể tăng vọt lên 165 tỷ USD (tương đương 46%) tính đến năm 2025 khi các hàng rào thuế quan dần được giảm xuống còn bằng 0.

Công ty tư vấn PricewaterhouseCoopers nhận định từ nay đến năm 2050, cùng với Nigeria, Việt Nam có thể trở thành một trong hai nền kinh tế phát triển nhanh nhất nếu các hàng rào thương mại tiếp tục được gỡ bỏ.

Tại Long An, nhà máy của Avery Dennison đang chuẩn bị đón hàng loạt đơn hàng. Tuy nhiên, thành công của Avery Dennison cùng nhiều công ty khác trong ngành may mặc tại Việt Nam phụ thuộc nhiều vào những chi tiết cuối cùng được thông qua trong hiệp định.

Nhiều nhà phân tích kỳ vọng hiệp định sẽ yêu cầu mọi thứ, từ sợi vải đến thành phẩm cuối cùng phải có xuất xứ từ các quốc gia tham gia hiệp định để đủ điều kiện không áp thuế.

Quy định này có thể sẽ gây khó khăn, vì Việt Nam chủ yếu nhập vải sợi nguyên liệu thô từ Trung Quốc và các quốc gia không tham gia hiệp định. Tuy nhiên xét về lâu dài, quy định chặt chẽ về xuất xứ hàng hóa có thể sẽ thúc đẩy hoạt động sản xuất hàng may mặc tại Việt Nam hơn nữa khi các nhà sản xuất vải sợi buộc phải mở nhà máy tại đây.

Avery Dennison cũng đánh giá, tay nghề của lực lượng lao động Việt Nam ngày càng tiến bộ theo từng năm, và hoàn toàn có thể tham gia sản xuất những sản phẩm phức tạp hơn.

“Những gì khiến Trung Quốc mất 30 năm thì chỉ khiến Việt Nam mất 10 năm để thực hiện. Đó là lý do mà ngày càng nhiều công ty đang đặt cược vào Việt Nam,” ông Smigelski cho biết./. 

Mai Nguyễn/Vietnam+

Chia sẻ bài viết