Tiếng Việt | English

15/11/2018 - 15:26

Siết chặt quản lý an toàn thực phẩm

An toàn thực phẩm (ATTP) là vấn đề nóng, liên quan trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Vì vậy, ngoài tăng cường tuyên truyền về ATTP, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh Long An cùng các cơ quan chức năng siết chặt công tác quản lý nhà nước về ATTP; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; tập trung thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm.

Tăng cường công tác thanh, kiểm tra về an toàn thực phẩm

Tăng cường công tác thanh, kiểm tra về an toàn thực phẩm

Siết chặt quản lý

Với nhu cầu sử dụng thực phẩm ngày càng cao của con người thì việc bảo đảm ATTP ngày càng được sự quan tâm của toàn xã hội. Bởi, ATTP là vấn đề liên quan trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Việc bảo đảm ATTP là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, góp phần cải thiện sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống. Chị Lê Thị Thúy (phường 4, TP.Tân An) bày tỏ: “Tôi luôn quan niệm “ăn không chỉ để no mà còn lo cho sức khỏe”. Vì vậy, sản phẩm sạch, an toàn là mối quan tâm hàng đầu của tôi mỗi khi lựa chọn thực phẩm cho gia đình”.

Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh - bác sĩ Phạm Văn Luân cho biết: “Công tác bảo đảm ATTP luôn là sự trăn trở và trách nhiệm lớn của các cấp, ngành đối với cộng đồng xã hội. Nhằm nâng cao công tác quản lý nhà nước về ATTP, Ban Chỉ đạo liên ngành về VSATTP được thành lập từ Trung ương đến địa phương. Năm 2018, Đoàn kiểm tra chuyên ngành và liên ngành về ATTP tỉnh tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể trường học, doanh nghiệp, công ty”.

Qua công tác kiểm tra 9 tháng năm 2018, nhìn chung các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được kiểm tra thực hiện theo các quy định của pháp luật về bảo đảm ATTP. Tuy nhiên, còn một số cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện hết hiệu lực hoặc chưa đăng ký cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP theo quy định; không thực hiện khám sức khỏe định kỳ hoặc sử dụng giấy xác nhận đủ sức khỏe quá thời hạn; chưa thực hiện xác nhận kiến thức ATTP cho người quản lý và nhân viên trực tiếp tiếp xúc với thực phẩm; không duy trì việc kiểm nghiệm sản phẩm định kỳ theo quy định. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống lưu mẫu chưa đúng quy định; sử dụng nguyên liệu dùng chế biến chưa có hóa đơn chứng từ để theo dõi nguồn gốc; quy trình chế biến thực phẩm không bảo đảm an toàn; sử dụng người lao động có mang trang phục bảo hộ theo quy định nhưng không đầy đủ;...

Các đoàn thanh tra, kiểm tra kịp thời phát hiện và nhắc nhở các cơ sở thực hiện việc khám sức khỏe định kỳ; xác nhận kiến thức ATTP cho chủ cơ sở và nhân viên trực tiếp tiếp xúc với thực phẩm; thực hiện đúng quy định về các điều kiện bảo đảm ATTP cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Đoàn cũng lập biên bản xử lý những trường hợp vi phạm về ATTP theo đúng quy định của pháp luật. Trong quá trình kiểm tra, đoàn kiểm tra kết hợp tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về ATTP đến các cơ sở. Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức của các cơ sở trong sản xuất, chế biến thực phẩm.

Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm

Nghị định số 115/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP có hiệu lực từ ngày 20/10/2018 quy định rõ các hành vi vi phạm, kể cả trong kinh doanh thức ăn đường phố và thay thế Nghị định số 178 ban hành năm 2013. Điều đặc biệt, Nghị định số 115 loại bỏ hình thức xử phạt cảnh cáo mà chỉ quy định hình thức phạt tiền. Mức xử phạt theo Nghị định này cao hơn nhiều so với hành vi tương đương trong Nghị định số 178, có hành vi tăng mức xử phạt gấp 2-3 lần, nhưng cũng có hành vi bị xử phạt tăng đến 10 lần.

Người tiêu dùng nên lựa chọn nơi phân phối sản phẩm có uy tín, thương hiệu

Người tiêu dùng nên lựa chọn nơi phân phối sản phẩm có uy tín, thương hiệu

Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính là 100 triệu đồng đối với cá nhân, 200 triệu đồng đối với tổ chức. Đồng thời, về nguyên tắc xử phạt, 1 cơ sở vi phạm nhiều hành vi sẽ bị xử phạt cùng lúc các hành vi vi phạm. Do đó, một cơ sở vi phạm ATTP thì có thể bị phạt số tiền cao hơn nhiều lần chứ không chỉ dừng lại mức tối đa 200 triệu đồng.

Ông Đặng Minh Hải - chủ hộ kinh doanh nước uống đóng chai nhãn hiệu Pure One (ấp Bình Tiền 2, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa), chia sẻ: “Là chủ cơ sở kinh doanh, tôi quan tâm đến chất lượng sản phẩm nhằm bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng. Tôi cũng thường xuyên tìm hiểu những quy định của pháp luật về ATTP để chấp hành đúng”.

Ngoài ra, Nghị định số 115 còn có các hình phạt bổ sung nghiêm khắc hơn như tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, đình chỉ hoạt động có thời hạn, buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm, buộc tiêu hủy thực phẩm, buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm,...

Bảo đảm ATTP cho cộng đồng là nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của toàn xã hội. Các cơ quan quản lý nhà nước về ATTP và chính quyền các cấp cần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn, lĩnh vực quản lý.

9 tháng năm 2018, Ban Chỉ đạo liên ngành tỉnh về VSATTP tích cực triển khai các hoạt động quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn và tăng cường chỉ đạo công tác hậu kiểm sau công bố sản phẩm theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP. Trong đó, ngành y tế thanh tra, kiểm tra 10.159 lượt cơ sở về công tác VSATTP, có 1.877 cơ sở vi phạm (90 cơ sở vi phạm bị xử lý với tổng số tiền phạt gần 295 triệu đồng). Ngoài ra, toàn tỉnh xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm với 20 người mắc, không có trường hợp tử vong.

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đẩy mạnh công tác truyền thông phổ biến văn bản quy phạm pháp luật, kiến thức về an toàn thực phẩm đến các cơ sở sản xuất

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đẩy mạnh công tác truyền thông phổ biến văn bản quy phạm pháp luật, kiến thức về an toàn thực phẩm đến các cơ sở sản xuất

Trong những tháng cuối năm 2018, Chi cục ATVSTP tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật, kiến thức về ATTP cho người quản lý, người sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng.

Chi cục ATVSTP tỉnh khuyến cáo, người tiêu dùng nên thận trọng khi chọn mua và sử dụng thực phẩm nhằm bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình. Đối với thực phẩm bao gói sẵn, người tiêu dùng cần lưu ý tên sản phẩm, ngày sản xuất, hạn sử dụng, thành phần cấu tạo, hướng dẫn sử dụng và hướng dẫn bảo quản.

Người tiêu dùng cũng nên lựa chọn cơ sở phân phối sản phẩm có uy tín, thương hiệu. Đối với cơ sở ăn uống thì nên lựa chọn nơi thoáng mát, bảo đảm điều kiện về ATTP. Khi phát hiện cơ sở kinh doanh thực phẩm kém chất lượng hoặc có nghi ngờ là hàng giả, hàng nhái,... thì người tiêu dùng nên chủ động báo các cơ quan quản lý nhà nước về ATVSTP./.

Ngọc Mận-Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích