Tiếng Việt | English

19/07/2017 - 10:14

Siết chặt quản lý khai thác tài nguyên, khoáng sản

Việc quản lý khai thác tài nguyên, khoáng sản (TN-KS) trên địa bàn tỉnh Long An thời gian qua còn lỏng lẻo. Nhiều địa phương để xảy ra tình trạng khai thác lậu, sai mục tiêu, mục đích so với chủ trương được cấp phép. Vì vậy, các cấp, các ngành cần siết chặt công tác quản lý khai thác nhằm bảo vệ TN-KS, bảo đảm đúng mục tiêu, định hướng phát triển KT-XH của địa phương.

“Vô tư” khai thác lậu

Chạy theo lợi nhuận, một số đơn vị, cá nhân “vô tư” khai thác lậu KS khi chưa được cơ quan thẩm quyền cấp phép. Hoạt động này diễn ra thời gian dài, đến khi người dân bức xúc, phản ánh, kiến nghị nhiều lần, các đơn vị chức năng mới vào cuộc chấn chỉnh, xử lý. Đáng nói, sau khi bị xử lý, các đơn vị vi phạm lại được cấp phép và “đường đường chính chính” khai thác. Tại huyện Thạnh Hóa, DNTN Xây dựng Thu Ngân từng khai thác KS lậu tại ấp 1, xã Thạnh An, khối lượng trung bình 800m3/ngày, bị cơ quan chức năng quyết định xử phạt hành chính với 2 hình thức (xử phạt chính và xử phạt bổ sung) với tổng số tiền 180 triệu đồng. Sau đó, huyện Thạnh Hóa có tờ trình xin chủ trương vừa khai thác, vừa lập thủ tục khai thác đất san lấp trên địa bàn xã Thạnh An. Hiển nhiên, DNTN Xây dựng Thu Ngân được chấp thuận cho phép khai thác đất trong thời gian lập thủ tục.

Cần tăng cường quản lý khai thác hầm đất nhằm sử dụng hiệu quả nguồn khoáng sản

Ông Trần Văn H., ngụ ấp 1, xã Thạnh An, bức xúc: “Khai thác rầm rộ, xe chở đất ra vào thường xuyên nhưng không hề thấy đơn vị chức năng xử lý. Chúng tôi phản ánh thì cơ quan chức năng xuống kiểm tra, xử lý, ngưng được một thời gian và bây giờ tiếp tục khai thác. Chúng tôi băn khoăn vì các xe chở đất quá tải trọng lưu thông làm hư đường, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Mong cơ quan chức năng sớm có biện pháp khắc phục tình trạng trên”.

Không chỉ “nóng” về ô nhiễm môi trường, tình trạng khai thác đất sét làm gạch, ngói lậu tại huyện Đức Hòa là vấn đề nhức nhối của địa phương. Tuy ngành chức năng có nhiều biện pháp nhưng tình trạng trên vẫn tiếp diễn. Ngoài khai thác đất san lấp, phục vụ phát triển KT-XH địa phương, một số đơn vị được cấp phép vận chuyển ra khỏi địa bàn để tiêu thụ, chủ yếu bán tại tỉnh Tây Ninh và TP.HCM. Theo chủ một đơn vị được cấp phép khai thác đất trên địa bàn huyện Đức Hòa: “Tình trạng khai thác lậu vẫn diễn ra hàng ngày, phải có “chiêu” tránh cơ quan chức năng kiểm tra. Chẳng hạn như độ sâu thiết kế trên giấy phép khác một trời - một vực so với thực tế”.

Long An: Nhiều nơi còn khai thác, san lấp mặt bằng trái phép

Long An: Nhiều nơi còn khai thác, san lấp mặt bằng trái phép 

Cập Nhật 16-04-2017

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Long An cho biết: Trong mùa khô này, Sở TN&MT và các sở, ngành, địa phương liên quan kiểm tra 39 đơn vị về tình hình khai thác, san lấp mặt bằng...

Theo đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Đức Hòa, huyện cấp phép khai thác đất sét cho 16 đơn vị tại 3 xã: Lộc Giang, An Ninh Đông và Tân Mỹ với tổng diện tích trên 250ha. Việc quản lý luôn được huyện thực hiện nghiêm túc. Tuy nhiên, thời gian qua vẫn xảy ra tình trạng khai thác trái phép, vận chuyển bán ra ngoài. Đến giữa tháng 7/2017, huyện ra quyết định xử phạt 2 trường hợp vi phạm hành chính về việc khai thác KS không phép, tịch thu tang vật với tổng số tiền trên 120 triệu đồng. Ngoài ra, huyện phối hợp Sở TN&MT làm việc với các đơn vị được cấp phép về việc chấn chỉnh khai thác, vận chuyển KS ra khỏi địa bàn tỉnh.

Đối với nguồn TN nước, phòng khảo sát, thống kê toàn bộ và phối hợp Sở TN&MT tiến hành đóng bít các giếng khoan (theo lộ trình) khi Nhà máy Nước Hòa Khánh Tây đi vào hoạt động. Ngoài ra, phòng luôn có kế hoạch tham mưu UBND huyện các biện pháp chấn chỉnh, xử lý và kế hoạch bảo vệ TN-KS chưa khai thác nhằm bảo đảm sử dụng hợp lý, hiệu quả - đại diện Phòng TN&MT huyện Đức Hòa chia sẻ thêm.

Tăng cường kiểm tra, giám sát

Trước thực trạng trên, nhiều địa phương triển khai các giải pháp nhằm siết chặt quản lý khai thác TN-KS đúng mục tiêu, định hướng. Tại thị xã Kiến Tường, địa phương chủ động rà soát lại tất cả các hầm đất khai thác trước đây, kiểm tra giấy phép của các chủ hầm và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm. Việc bảo vệ TN nước cũng được thực hiện theo lộ trình.

Chủ tịch UBND thị xã Kiến Tường - Nguyễn Văn Vũ cho biết: “Hiện, trên địa bàn có 67 hầm đất, trong đó, 59 hầm khai thác không phép (chủ yếu do trước đây, người dân tự khai thác phục vụ các công trình giao thông). Thị xã thành lập đoàn kiểm tra, vận động những hộ dân này tự nguyện trả lại và giao UBND các phường, xã quản lý. Vấn đề sử dụng nước, thị xã chỉ cấp phép, tham mưu cấp phép cho các địa phương không có trạm cấp nước tập trung, đóng bít các giếng khoan trước đây khi trạm cấp nước tập trung đi vào hoạt động”.

6 tháng đầu năm 2017, thị xã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực KS đối với 2 trường hợp chưa lập thủ tục cấp phép khai thác với số tiền 30 triệu đồng, buộc khắc phục hậu quả. Chúng tôi tiếp tục kiểm tra, giám sát để việc khai thác TN-KS trên địa bàn đạt kết quả - ông Vũ thông tin.

Phó Giám đốc Sở TN&MT - Nguyễn Tân Thuấn cho biết: “Công tác quản lý khai thác TN-KS trên địa bàn tỉnh thời gian qua luôn được quan tâm. Sở nhiều lần làm việc với các ngành, địa phương liên quan để phối hợp công tác. Tuy nhiên, tình trạng khai thác trái phép, vận chuyển KS ra khỏi địa bàn vẫn diễn ra. Sở chỉ đạo các phòng TN&MT phối hợp các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý triệt để tình trạng trên.

Khuyến khích sử dụng nguồn nước mặt từ các hầm đất để giảm việc khai thác nước ngầmHướng tới, đối với các đơn vị được cấp phép, sở tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung mục tiêu hoặc nơi chế biến KS cụ thể và dự kiến hoàn thành trong tháng 7/2017. Sau khi điều chỉnh nội dung giấy phép, nếu các đơn vị khai thác tiếp tục không chấp hành, sở báo cáo, kiến nghị UBND tỉnh xử lý đối với từng trường hợp cụ thể. Về lâu dài, chúng tôi không tham mưu UBND tỉnh cấp phép khai thác KS đối với các đơn vị có mục tiêu sử dụng hoặc nơi chế biến KS không rõ ràng hoặc không có địa chỉ tiêu thụ cụ thể. Sở tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương tự rà soát, dự báo nhu cầu sử dụng KS của từng ngành, từng địa phương theo giai đoạn 10 năm của kỳ quy hoạch sử dụng đất. Từ đó, xác định khối lượng KS cần sử dụng làm cơ sở để UBND tỉnh có hướng giải quyết phù hợp”.

Bên cạnh đó, sở phối hợp các địa phương rà soát lại quy hoạch nước ngầm, không cấp phép khai thác tại những điểm có trạm cấp nước tập trung. Sau khi Nhà máy Nước Hòa Khánh Tây (huyện Đức Hòa) đi vào hoạt động, chúng tôi có kế hoạch đóng bít các giếng trong khu vực, đưa về dự trữ. Đồng thời, UBND tỉnh khuyến khích các tổ chức, cá nhân khai thác nguồn nước mặt từ các hầm đất đưa vào phục vụ sinh hoạt và sản xuất nhằm bảo vệ nguồn nước ngầm - ông Thuấn thông tin thêm.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 3 loại KS chính: Đất san lấp, đất sét và cát sỏi lòng sông được phân bố trên phạm vi toàn tỉnh. UBND tỉnh cấp phép khai thác đối với KS đất san lấp, đất sét thuộc địa bàn các huyện: Đức Hòa, Đức Huệ, Thủ Thừa, Thạnh Hóa, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng và thị xã Kiến Tường. Riêng đối với cát sỏi lòng sông, UBND tỉnh không cấp phép khai thác từ năm 2005 đến nay theo nội dung Văn bản số 5354/UBND-NN, ngày 23/12/2005. 

6 tháng đầu năm 2017, Sở TN&MT tham mưu cấp 6 giấy phép thăm dò, 4 giấy phép khai thác KS, bàn giao 8 bãi vật liệu Phước Hòa cho các tổ chức tiếp nhận đáp ứng đầy đủ tiêu chí, thành phần hồ sơ và năng lực tài chính; lũy kế đóng bít 98/277 giếng các doanh nghiệp tại 10 khu, cụm công nghiệp có đấu nối và cấp nước ổn định từ Nhà máy Nước Hòa Khánh Tây; đóng mỏ 99/126 hầm đất do UBND tỉnh cấp phép, còn lại 7 hầm (đất sét) đang khai thác, 17 hầm đang lập thủ tục đóng mỏ, 3 hầm chưa khai thác; đóng mỏ 130/371 hầm không phép. Bên cạnh đó, sở tham mưu UBND tỉnh ban hành 4 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực KS đối với 2 tổ chức, 2 cá nhân với tổng số tiền xử phạt gần 500 triệu đồng, tịch thu gần 600m3 tang vật là KS, 1 máy đào là phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính./.

 Lực Nguyễn

Chia sẻ bài viết