Tiếng Việt | English

21/05/2019 - 12:49

Siết chặt quản lý về an toàn thực phẩm

Thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc vừa gây hoang mang dư luận, vừa là nỗi lo của người dân vì trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe. Chính vì thế, việc tăng cường giám sát, hậu kiểm về an toàn thực phẩm (ATTP) được ngành chức năng và các địa phương quan tâm nhằm phát hiện và kịp thời xử lý các vụ việc vi phạm, ngăn chặn thực phẩm không bảo đảm chất lượng lưu thông trên thị trường.

Lo ngại về thực phẩm không an toàn

Thực phẩm an toàn là nhu cầu thiết yếu và chính đáng của mọi người dân. Vấn đề ATTP được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đặc biệt quan tâm, cả hệ thống chính trị vào cuộc. Tuy nhiên, thời gian qua, tình trạng vi phạm pháp luật về ATTP còn xảy ra khá phổ biến như sử dụng chất cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Một lượng lớn thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thực phẩm nhập lậu, thực phẩm giả, kém chất lượng vẫn lưu thông trên thị trường.

Thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc gây hoang mang dư luận là nỗi lo của người dân

Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là ngộ độc thực phẩm xảy ra tại một số bếp ăn tập thể. Nguyên nhân chính là người sản xuất, kinh doanh vì lợi nhuận mà không quan tâm đến sức khỏe người tiêu dùng, chưa nâng cao nhận thức trong việc bảo đảm ATTP. Năm 2018, trên địa bàn tỉnh Long An xảy ra 3 vụ (53 người) ngộ độc thực phẩm. Tỷ lệ bị ngộ độc thực phẩm được ghi nhận là 3,36/100.000 dân. Qua kiểm tra, giám sát, lấy mẫu kiểm nghiệm (do ngành y tế thực hiện), tỷ lệ mẫu thực phẩm không đạt chiếm khoảng 42,9% trên tổng số mẫu kiểm.

Chị Nguyễn Thị Mai Lan (phường 3, TP.Tân An, tỉnh Long An) bày tỏ: “ATTP hiện nay là vấn đề được nhiều người quan tâm. Là người nội trợ, tôi luôn chú trọng đến việc lựa chọn, chế biến thực phẩm an toàn. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra khiến tôi không khỏi lo lắng. Vì vậy, tôi mong các ngành chức năng siết chặt quản lý, kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm về ATTP”.

Công tác thanh, kiểm tra về an toàn thực phẩm  được thực hiện đồng bộ từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện, xã

Công tác thanh, kiểm tra về an toàn thực phẩm  được thực hiện đồng bộ từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện, xã

Khi Đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP tỉnh đến thanh tra, kiểm tra đột xuất những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh, phóng viên ghi nhận một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm các điều kiện về ATTP theo quy định. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở sản xuất, mua bán bánh mì, chả lụa, nem nướng (ấp 1+3, xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ) chỉ đạt điều kiện ATTP loại B. Điều kiện vệ sinh khu vực sản xuất, chế biến, bảo quản của cơ sở này chưa bảo đảm như cống thoát nước thải lộ thiên gây ô nhiễm, thực phẩm chế biến để ngổn ngang dưới sàn. Người trực tiếp tiếp xúc với thực phẩm không có trang phục bảo hộ. Nhiều chất phụ gia không rõ nguồn gốc bị tịch thu và tiêu hủy tại chỗ. Ngoài ra, một số cơ sở khác đóng cửa, đoàn không liên lạc được với chủ cơ sở nên nhiều lần đến nhưng không thể kiểm tra.

Siết chặt quản lý

Ngoài các hoạt động thường xuyên nhằm bảo đảm ATTP, Ban Chỉ đạo liên ngành tỉnh về vệ sinh ATTP tổ chức phát động Tháng hành động Vì ATTP (từ ngày 15/4 đến 15/5/2019) với chủ đề “Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” nhằm tăng cường tuyên truyền, thông tin chính xác, kịp thời, toàn diện, có trách nhiệm, trung thực các vấn đề liên quan đến ATTP; đề cao vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về ATTP; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra bảo đảm vệ sinh, ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhất là thực phẩm đóng gói sẵn.

Tháng hành động Vì ATTP còn là đợt cao điểm nhằm tăng cường vai trò giám sát của các cơ quan quản lý, tổ chức chính trị - xã hội và người tiêu dùng đối với việc thực thi pháp luật về ATTP của cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Qua đó, giảm thiểu ngộ độc thực phẩm do sử dụng thực phẩm không an toàn, kém chất lượng. Thay mặt Ban Chỉ đạo liên ngành tỉnh về vệ sinh ATTP, Giám đốc Sở Y tế - bác sĩ Huỳnh Minh Phúc yêu cầu các cấp, các ngành cần xem việc bảo đảm ATTP là công việc thường xuyên, liên tục, không chỉ đến khi xảy ra ngộ độc thực phẩm mới triển khai nhiệm vụ.

Công tác thanh, kiểm tra về an toàn thực phẩm  được thực hiện đồng bộ từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện, xã

“Trong Tháng hành động Vì ATTP, Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh về vệ sinh ATTP tiến hành thanh tra, kiểm tra 41 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Qua đó, đoàn kịp thời phát hiện 14 cơ sở vi phạm các quy định về bảo đảm ATTP. Nội dung vi phạm chủ yếu: Không thực hiện đúng quy định của pháp luật về kiểm thực 3 bước; khu vực chế biến, kinh doanh, bảo quản có côn trùng, động vật nguy hại xâm nhập; cống, rãnh thoát nước thải bị ứ đọng, không được đậy kín; sử dụng nguyên liệu quá hạn sử dụng; không có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật;... Đối với các trường hợp vi phạm, đoàn kiểm tra tiến hành lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính theo đúng quy định của pháp luật” - Chánh Thanh tra Sở Y tế - Lý Quang Xuân cho biết.

Cũng như các địa phương khác trong tỉnh, huyện Cần Đước tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ATTP. Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Đước - Nguyễn Văn Bảy cho biết: “Để Tháng hành động Vì ATTP đạt hiệu quả thiết thực, UBND huyện yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh có hành vi vi phạm các quy định về ATTP; hạn chế nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm và dịch bệnh truyền qua đường thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng;... Hoạt động này phải được duy trì thường xuyên, liên tục không chỉ trong tháng cao điểm, dịp lễ, tết”.

Công tác truyền thông bảo đảm ATTP cũng được triển khai tích cực từ huyện đến cơ sở. Hoạt động thanh tra, kiểm tra về bảo đảm ATTP được tăng cường và duy trì thường xuyên. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của chủ các cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm, củng cố niềm tin của người tiêu dùng. Anh Nguyễn Thành Nam - chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (ấp 5, xã Long Hòa, huyện Cần Đước), chia sẻ: “Tôi đặc biệt chú trọng đến việc bảo đảm ATTP. Trong quá trình kinh doanh, tôi luôn chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm ATTP, khám sức khỏe định kỳ, ký cam kết bảo đảm ATTP,...”.

Tình trạng vi phạm về ATTP hiện nay vẫn xảy ra, gây lo lắng, bức xúc trong dư luận xã hội. Những vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên cả nước nói chung và ở tỉnh nói riêng trở thành nỗi lo ngại của người dân. Thiết nghĩ, để đưa thực phẩm sạch, an toàn đến người tiêu dùng, các cơ quan quản lý nhà nước về ATTP cần có biện pháp xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm, đồng thời tăng cường, nâng cao hiệu quả thanh tra, kiểm tra, giám sát về ATTP. Người tiêu dùng cần quan tâm hơn đến chất lượng thực phẩm, chỉ sử dụng thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, mạnh dạn tẩy chay những cơ sở sản xuất, kinh doanh không bảo đảm ATTP./.

Năm 2018, công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm được thực hiện đồng bộ từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện, xã. Tuyến tỉnh có 106 đoàn chuyên ngành và liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh tổ chức thanh tra, kiểm tra và hậu kiểm 1.876 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong đó có 306 cơ sở vi phạm bị xử lý với tổng số tiền phạt trên 1,7 tỉ đồng.

Quang Nguyên - Thùy Minh

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích