Tiếng Việt | English

04/05/2017 - 15:07

Siết chặt việc kiểm soát và phòng tránh ngộ độc rượu

Một trong những nội dung của chủ đề Tháng hành động Vì an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2017 là “Kiểm soát rượu, phòng tránh ngộ độc rượu” nhằm giải quyết căn bản bức xúc nổi cộm hiện nay là sử dụng hóa chất hay cồn công nghiệp trong sản xuất rượu và giảm thiểu tình trạng lạm dụng rượu.

Phóng viên (PV) có cuộc trao đổi với Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Long An - bác sĩ chuyên khoa II Phạm Văn Luân về vấn đề này.
* PV: Tại sao thông điệp của Tháng hành động Vì ATTP năm 2017 là “Kiểm soát rượu, phòng tránh ngộ độc rượu”, thưa ông?

Ông Phạm Văn Luân:

Một nội dung của chủ đề Tháng hành động Vì ATTP năm 2017 là “Kiểm soát rượu, phòng tránh ngộ độc rượu” vì chúng ta ai cũng biết rằng, lạm dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác gây tác hại đến sức khỏe của người sử dụng, gia đình, cộng đồng, kinh tế và an ninh, trật tự xã hội.

Ảnh minh họa: Vũ Quang

Nhà nước không khuyến khích người tiêu dùng sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác. Mọi người có quyền được bảo vệ khỏi ảnh hưởng bởi tác hại của lạm dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác.

Việc kiểm soát toàn diện, đồng bộ đối với sản xuất, kinh doanh, sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác là phù hợp với yêu cầu phát triển KT-XH của đất nước và tập quán văn hóa truyền thống để phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia, đồ uống có cồn khác và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Nhân tháng hành động này, chúng ta tập trung đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, giáo dục, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của lạm dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác.

* PV: Xin ông cho biết, công tác quản lý về sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn tỉnh được thực hiện như thế nào?

Ông Phạm Văn Luân:

Đối với công tác quản lý về sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn tỉnh Long An được giao cho 2 ngành: Công Thương và Y tế. Ngành Công Thương quản lý việc cấp giấy phép theo Nghị định 94/2012/NĐ-CP ngày 12/11/2012 của Chính phủ về sản xuất, kinh doanh rượu; Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNN-BCT ngày 09/4/2014; Nghị định số 77/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực mua bán hàng hóa quốc tế, hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp, phân bón, kinh doanh khí, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.

Ngành Y tế thì quản lý công bố hợp quy/công bố phù hợp quy định ATTP theo Thông tư số 19/2012/TT-BYT ngày 09/11/2012 của Bộ Y tế hướng dẫn việc công bố hợp quy và phù hợp quy định ATTP; Tiêu chuẩn Việt Nam và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về rượu.

Đến nay, có 99 cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, bia trên địa bàn tỉnh được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; cấp 89 giấy cam kết bảo đảm ATTP. Có 79 cơ sở được công bố hợp quy và 197 sản phẩm được công bố.
* PV: Việc quản lý sản xuất, kinh doanh rượu được dựa trên những văn bản pháp lý nào, thưa ông?

Ông Phạm Văn Luân:

Đầu tiên đó là Quyết định 224/QĐ-TTg ngày 12/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020 với mục tiêu chung là phòng ngừa và giảm tác hại của lạm dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác đối với sức khỏe cộng đồng, trật tự, an toàn xã hội để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, góp phần phát triển KT-XH ổn định và bền vững.

Bên cạnh đó là Nghị định 94/2012/NĐ-CP ngày 12/11/2012 của Chính phủ về sản xuất, kinh doanh rượu quy định về sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu và cồn thực phẩm, bao gồm: Đầu tư, sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, mua bán và các hoạt động khác liên quan đến sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu và cồn thực phẩm.

Năm nay, UBND tỉnh chỉ đạo tất cả địa phương, nhất là ở tuyến cơ sở, phải quản lý được các đối tượng sản xuất và kinh doanh rượu thủ công vì những loại hình này trước đây không có đăng ký sản xuất cũng như công bố sản phẩm. Theo quy định, những loại rượu được bán, lưu thông trên thị trường phải có đăng ký sản xuất đủ điều kiện và phải được công bố theo quy chuẩn hoặc tiêu chuẩn. Các cơ sở sản xuất và kinh doanh rượu thủ công, rượu truyền thống ở nông thôn, đa số chưa thực hiện những yêu cầu trên.

Quản lý chặt chẽ việc cấp phép sản xuất rượu thủ công với mục đích kinh doanh để quản lý quy trình sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng, ATTP, nhãn hàng hóa và tăng cường kiểm soát đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh hộ gia đình, làng nghề, khu vực vùng sâu, vùng xa.

Do đó, năm nay, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương phải yêu cầu những cơ sở này đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời phải công bố chất lượng nhằm bảo đảm người tiêu dùng được sử dụng rượu an toàn. Đặc biệt, chúng ta quan tâm xử lý các trường hợp dùng những nguyên liệu sản xuất, chế biến rượu không an toàn. Ví dụ như dùng cồn công nghiệp pha chế rượu để bán. Đây là nguyên nhân dẫn đến rất nhiều vụ ngộ độc rượu trên cả nước.

* PV: Thưa ông, như vậy, những người nấu rượu thủ công, rượu truyền thống cần thực hiện những thủ tục nào để đăng ký với cơ quan nhà nước?

Ông Phạm Văn Luân:

Những hộ sản xuất rượu nhỏ, lẻ chỉ sản xuất vài lít rượu trong ngày bán cho hàng xóm thì không cần phải đăng ký kinh doanh. Theo Nghị định 94, đối với những cơ sở sản xuất rượu thủ công nhỏ, lẻ thì đến đăng ký chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP tại phòng Kinh tế Hạ tầng thuộc UBND huyện, thị xã, thành phố nơi tổ chức, cá nhân đặt cơ sở sản xuất rượu thủ công. Sau khi có giấy chứng nhận đủ điều kiện thì đi xin công bố hợp quy, công bố phù hợp tại Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh.

Đối với những hộ nấu rượu làm theo quy chuẩn thì công bố theo quy chuẩn, còn chưa có quy chuẩn thì đăng ký phù hợp. Hiện nay, chúng ta có những tiêu chuẩn để công bố các loại rượu.

* PV: Trong trường hợp những người nấu rượu thủ công, rượu truyền thống không đăng ký chứng nhận cơ sở đủ điều kiện thì có bị xử lý không, thưa ông?

Ông Phạm Văn Luân:

Theo Nghị định 06/2009/ND-CP ngày 22/01/2009 và Nghị định 76/2010/ND-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính việc sản xuất, kinh doanh rượu và thuốc lá. Những hàng hóa có quy chuẩn, tiêu chuẩn mà không đăng ký công bố cũng bị xử phạt tùy theo mức độ vi phạm.

* PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Theo kết quả điều tra diện rộng của Bộ Y tế, tính đến tháng 01-2016, Việt Nam tiêu thụ khoảng 3,4 tỉ lít bia (năm 2010 là 2,4 tỉ lít) và 70 triệu lít rượu có nhãn mác, chưa kể khoảng 200 triệu lít rượu tự nấu trong dân. Có đến 77,3% nam giới sử dụng rượu, bia, đây là con số cao nhất thế giới. Nếu tính trung bình, một nam giới trưởng thành uống khoảng 27,4 lít cồn nguyên chất. Kèm theo đó là số bệnh nhân nhập viện do ngộ độc rượu, bia cũng tăng dần qua các năm. Thống kê cho thấy, tại Long An, năm 2014 ghi nhận 181 trường hợp, năm 2015 có 226 trường hợp, năm 2016 tăng lên 270 trường hợp./.

Thanh Bình (thực hiện)

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích