Tiếng Việt | English

16/09/2018 - 14:02

Siêu bão Mangkhut đổ bộ: Yêu cầu khẩn của Phó Thủ tướng

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng sáng nay đi kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó bão số 6 (bão Mangkhut) tại tỉnh Quảng Ninh sáng nay.

“Diễn biến của cơn bão này hết sức phức tạp, cường độ bão rất mạnh duy trì trong thời gian dài, hướng di chuyển, khu vực dự kiến đổ bộ của bão khó đoán định, các trung tâm dự báo quốc tế cũng liên tục thay đổi dự báo cấp bão và khu vực bão sẽ đổ bộ, do đó cần theo dõi chặt thông tin để kịp thời ứng phó hiệu quả”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh thị sát, đôn đốc, động viên lực lượng ứng phó Bão số 6. Ảnh VGP

Theo dự báo mới nhất, vùng tâm bão có khả năng đổ bộ vào khu vực đất liền phía Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Tuy nhiên, tại khu vực Bắc Vịnh Bắc Bộ vẫn có gió mạnh cấp 7 đến cấp 8, giật cấp 9-10 gây nguy hiểm cho tàu thuyền hoạt động trên biển; vùng ven biển phía Bắc tỉnh Quảng Ninh vẫn có thể có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.

“Hoàn lưu bão vẫn có thể sẽ gây mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, ngập úng tại các tỉnh miền núi phía Bắc, nhất là khu vực Đông Bắc. Vì vậy, chúng ta không được chủ quan, cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ để chủ động phòng tránh, có các biện pháp ứng phó kịp thời, phù hợp với diễn biến của bão, mưa lũ”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh phải triển khai hiệu quả các giải pháp đảm bảo an toàn cho khách du lịch, các cơ sở hạ tầng sản xuất, các công trình đang xây dựng.

 Gấp rút gia cố đê điều ứng phó bão số 6. Ảnh: VGP

Ông yêu cầu tỉnh khẩn trương rà soát lại toàn bộ hệ thống đê, trong đó đặc biệt chú ý các đoạn đê xung yếu để có giải pháp gia cố, đề phòng rủi ro có thể xảy ra.

“Tuyệt đối không được chủ quan, theo dõi chặt diễn biến của cơn bão để chủ động triển khai các giải pháp ứng phó, giảm thiểu thiệt hại về tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước do mưa lũ gây ra” - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.

Học sinh nghỉ học

Để tránh bão Mangkhut, Sở GD-ĐT Quảng Ninh yêu cầu các Phòng GD-ĐT, đơn vị trực thuộc sở cho học sinh, trẻ mầm non trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên trên toàn tỉnh nghỉ học trong ngày mai.

Sở yêu cầu toàn ngành phải hoãn thực hiện các hoạt động theo kế hoạch như tập huấn, bồi dưỡng, hội nghị, hội thảo… trừ cuộc họp phòng, chống bão. Các ngày tiếp theo, trưởng phòng GD&ĐT, thủ trưởng đơn vị trực thuộc Sở chủ động xem xét giải quyết cho học sinh nghỉ học, hoãn các hoạt động hội họp...

Các cơ sở giáo dục khẩn trương thực hiện ngay các phương án đảm bảo an toàn tài sản, cơ sở vật chất của đơn vị.

Cấm biển, dừng sản xuất

Thường trực Phòng chống thiên tai tỉnh Quảng Ninh đề nghị Sở Giao thông vận tải, Cảng vụ đường thủy nội địa, UBND các địa phương tạm ngừng cấp phép cho các phương tiện thủy ra khơi. Thời gian tạm ngừng bắt đầu từ 10h hôm nay.

Khẩn trương tiến hành kiểm đếm tàu thuyền để kịp thời thông báo và yêu cầu di chuyển ra khỏi vùng có bão, neo đậu chắc chắn tại nơi tránh trú bão đảm bảo an toàn trước khi bão đổ bộ. 
Kiểm tra, củng cố các tầng bãi thải, khai trường, đê đập chắn đất đá, hệ thống thoát nước đảm bảo thoát nước, ngăn ngừa nguy cơ sạt lở.

Kiểm tra, gia cố đập hồ chứa, củng cố hệ thống thoát nước để hạn chế tối đa nước mặt chảy vào hồ. Đặc biệt, các đơn vị dừng sản xuất tại những khu vực không đảm bảo an toàn, tổ chức trực ban tại chỗ 24/24h.

Khẩn trương sơ tán dân

Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị đã yêu cầu các địa phương, đơn vị tập trung triển khai phòng, chống bão. Thực hiện cấm biển từ 5h hôm nay, khẩn trương kêu gọi tàu, thuyền vào nơi tránh trú an toàn.

Theo dự báo, bão số 6 có khả năng ảnh hưởng đến tỉnh Nam Định từ 17 - 18/9. Do đó, các địa phương, nhất là các huyện ven biển khẩn trương sơ tán, di dời người dân tại các chòi canh ngao, lồng bè nuôi thủy sản, bãi tắm ven biển vào nơi an toàn trước 17h hôm nay.

Các địa phương thực hiện nghiêm túc việc tuần tra, canh gác bảo vệ đê sông, đê biển, lưu ý các vị trí đê, kè xung yếu, đang thi công sửa chữa; chủ động các biện pháp phòng, chống úng ngập bảo vệ diện tích lúa mùa và vùng nuôi trồng thủy hải sản...

Cấm cầu

Cụ thể, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng yêu cầu tổ chức rà soát, theo dõi, kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển khẩn trương di chuyển về nơi trú tránh an toàn.

Gia cố, neo giữ lồng bè nuôi trồng thủy sản; kiên quyết không để người trên các tàu thuyền, lồng bè trước khi bão đổ bộ.

Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố căn cứ diễn biến của bão chủ động xác định thời điểm thông báo cấm biển và tạm dừng các hoạt động vận tải đường thủy nội địa, vui chơi giải trí tại các khu du lịch biển. Tạm dừng hoạt động giao thông trên cầu Tân Vũ Lạch Huyện và các cầu có tĩnh không lớn qua sông trong thời gian bão đổ bộ.

Chuẩn bị sẵn sàng để thực hiện phương án sơ tán, di dời dân cư tại các khu vực nguy hiểm. Tổ chức kiểm tra và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn đê điều, an toàn phòng chống lụt bão tại công trình đang thi công.

Triển khai các phương án bảo vệ sản xuất nông nghiệp. Thực hiện chằng chống, gia cố nhà cửa, trụ sở, trường học, bệnh viện, kho tàng, các công trình công cộng, đặc biệt đối với công trình cột, tháp cao./.

Thái An/Vietnamnet.vn (tổng hợp)

Chia sẻ bài viết