Tiếng Việt | English

02/10/2017 - 11:31

Sinh động những mô hình học tập và làm theo Gương Bác

Những năm qua, thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW, ngày 07-11-2006; Chỉ thị 03-CT/TW, ngày 14/5/2011; Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị, việc học tập và làm theo gương Bác tại Long An được triển khai sâu rộng trong hệ thống chính trị và toàn xã hội. Qua đó, nhiều địa phương, đơn vị, cá nhân có những cách làm hay, tạo chuyển biến rõ rệt trong nhận thức, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Kỳ 1: Từ những câu chuyện kể về Bác

Mấy năm trở lại đây, ngày chào cờ vào thứ hai, tuần đầu tiên của tháng trở nên thú vị hơn bởi những câu chuyện kể về Bác. Đó là một trong những mô hình học tập và làm theo gương Bác được các đơn vị, địa phương trong tỉnh thực hiện.

\

Chào cờ truyền thanh trực tiếp kể chuyện về Bác tại huyện Bến Lức


Bài học từ những câu chuyện kể

Năm 2012, Bến Lức là địa phương đầu tiên trong tỉnh thực hiện “Truyền thanh trực tiếp kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong buổi sinh hoạt chào cờ tuần đầu tiên của tháng”. Mô hình này được Tỉnh ủy đánh giá cao và huyện tiếp tục duy trì.

Cứ sáng thứ hai tuần đầu của tháng, cán bộ, công chức, viên chức các phòng, ban tập trung tại sân Huyện ủy để chào cờ. Sau nghi thức chào cờ, tất cả được nghe một mẩu chuyện kể về Bác và được phát thanh trực tiếp đến 15 xã, thị trấn trên địa bàn, huyện. Mỗi tháng, Ban Tuyên giáo chọn một mẩu chuyện về Bác liên quan đến chủ điểm tuyên truyền, chọn một người có chất giọng tốt và hướng dẫn cách kể câu chuyện. Sau mỗi câu chuyện kể, Thường trực Huyện ủy đều nêu lên ý nghĩa và có kết luận chỉ đạo. Cách làm này giúp cán bộ, đảng viên và người dân hiểu thêm về Bác, đồng thời nhận thức hơn về chỉ đạo, định hướng của Thường trực Huyện ủy.

Với chất giọng truyền cảm, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mai Thị Non, thị trấn Bến Lức - Nguyễn Thị Thanh Nga là một trong số ít người vinh dự nhiều lần kể chuyện về Bác dưới cờ. Cô chia sẻ: “Khi được phân công kể chuyện, tôi tìm đọc kỹ những quyển sách viết về Bác. Trong quá trình kể, tôi có bổ sung, chọn lọc một số câu nói hay, câu ca dao về cuộc đời Bác cho thật phù hợp với nội dung để câu chuyện thêm sinh động. Bản thân là đảng viên lại đảm nhận công việc quản lý, tôi thấy mình cần học theo Bác nhiều điều để phục vụ tốt hơn công việc, được đồng nghiệp và phụ huynh tin yêu hơn”.

Theo Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Bến Lức - Phạm Văn Lèo, việc làm này tác động tích cực, đưa việc học tập và làm theo gương Bác đi vào chiều sâu, không chỉ lan tỏa trong đảng viên mà còn tác động đến người dân qua hệ thống truyền thanh đến tận các xóm, ấp. Việc học và làm theo gương Bác chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động trong toàn Đảng bộ và nhân dân thông qua việc làm cụ thể gắn với việc khắc phục những khuyết điểm, hạn chế trong lề lối làm việc, củng cố, xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII).

“Bác luôn ở rất gần”

Từ mô hình của Bến Lức, các địa phương khác bắt đầu nhân rộng kể chuyện về Bác. Có đơn vị kể trực tiếp dưới cờ, có nơi kể trong buổi sinh hoạt chi bộ hoặc những lần sinh hoạt tư tưởng chính trị. Qua mỗi câu chuyện, người kể đều tự rút ra những bài học kinh nghiệm gắn với cơ quan, địa phương công tác; những mặt tồn tại, hạn chế để sửa chữa và khắc phục.


Chào cờ đầu tuần và sinh hoạt chính trị tại huyện Tân Hưng

Tại huyện Tân Hưng, Ban Thường vụ Huyện ủy xây dựng mô hình “Chào cờ và sinh hoạt chính trị tư tưởng đầu tuần”. Đến nay, 100% tổ chức cơ sở Đảng đều thực hiện tốt việc chào cờ sáng thứ hai đầu tuần, sau đó, các lãnh đạo hội ý để triển khai những văn bản quan trọng của Đảng và Nhà nước ban hành trong tuần, thông tin tình hình thời sự nổi bật của thế giới và trong nước cũng như triển khai kế hoạch làm việc của cơ quan để cán bộ, đảng viên thực hiện trong một tuần làm việc. Từ câu chuyện học Bác về tinh thần tiết kiệm, huyện xây dựng thêm mô hình “Tiết kiệm, góp sức cùng nhân dân xây dựng nông thôn mới”.

Một trong những địa phương có nhiều mô hình làm theo gương Bác tại Tân Hưng là xã Hưng Điền B. Theo Đảng ủy xã, hàng năm, Đảng ủy lựa chọn những vấn đề bức xúc, nổi cộm trên lĩnh vực tư tưởng, đạo đức, KT-XH để tập trung giải quyết,... Những câu chuyện về Bác có nhiều tác động đến cán bộ, đảng viên, nhân dân, từ đó xuất hiện nhiều mô hình làm theo hiệu quả. Đó là việc vận động người dân xây dựng đê bao lửng kết hợp trạm bơm điện, bảo đảm đủ nước tưới tiêu, bảo vệ ruộng lúa khi nước lũ tràn về.

Ngoài ra, khối chính quyền, đoàn thể xây dựng mô hình “Tất cả cán bộ, đảng viên, công chức khối cơ quan tập trung vào việc chuyên môn giải quyết hồ sơ, thủ tục cho nhân dân trên lĩnh vực cải cách hành chính ở bộ phận một cửa, một cửa liên thông” mang lại hiệu quả thiết thực, giảm phiền hà, tạo được niềm tin của nhân dân.

Hội Nông dân Việt Nam xã với mô hình nuôi bò vỗ béo, thâm canh, tăng vụ. Mô hình góp vốn xoay vòng, hũ gạo tình thương của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xã,... giúp hội viên, người dân cải thiện đời sống. Đoàn Thanh niên thực hiện “Đường quê xanh, sạch, đẹp”, UBMTTQ Việt Nam xã vận động người dân thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh,...

Anh Tuấn Anh, ngụ ấp Gò Pháo, nói: “Những câu chuyện về Bác giúp tôi cảm nhận Người luôn ở rất gần. Học và làm theo Bác, bản thân là thanh niên, tôi nguyện ra sức phấn đấu phát triển kinh tế gia đình, xây dựng quê hương”.

Từ những câu chuyện ý nghĩa về Bác giúp cán bộ, đảng viên có ý thức thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Mỗi địa phương, đơn vị, mỗi cách làm sáng tạo cùng thi đua học tập và làm theo gương Bác./.

Thanh Nga (còn tiếp)

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích