Tiếng Việt | English

26/05/2017 - 12:09

Sinh vật cảnh và đời sống

Thành tố sinh vật cảnh (SVC) từ thiên nhiên thăng hoa thành một bộ môn nghệ thuật làm đẹp cho đời. Theo GS.Viện sĩ Nguyễn Duy Quý - Phó Chủ tịch Hội SVC Việt Nam, số thực vật thượng đẳng ở Việt Nam có khoảng 267 họ, 1.850 chi và 7.004 loài.

Thú chơi mang tính nghệ thuật

Trải qua hàng ngàn năm, nhân dân ta có truyền thống yêu quý và thưởng ngoạn vẻ đẹp của thiên nhiên. Từ trước Công nguyên, người Việt Nam biết chiêm ngưỡng vẻ đẹp cỏ cây, hoa lá và trồng cây trong chậu. Đó là giai đoạn manh nha của thú thưởng ngoạn SVC.

Cây Trôm Khánh Hậu - Cây Di sản Việt Nam (người thứ 2, từ phải qua là Chủ tịch Hội Sinh vật tỉnh - Nguyễn Văn Lộc, trao lại quyết định công nhận Cây Di sản Việt Nam cho UBND TP.Tân An)

Từ thế kỷ XI, dưới các triều đại phong kiến tự chủ, SVC phát triển dần và tính văn hóa nghệ thuật ngày càng cao mang ý nghĩa “tải đạo” để răn đời và di dưỡng tinh thần.

Ngày nay, đời sống kinh tế luôn được cải thiện và nâng cao, người dân càng tìm đến vẻ đẹp của thiên nhiên/SVC nhằm làm giàu đời sống tinh thần. Nhiều địa phương còn lấy SVC làm một tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, góp phần cho cuộc sống xanh và mỹ quan nông thôn.

Như thế, SVC chỉ có thể làm đẹp thiên nhiên, yêu quý và bảo vệ thiên nhiên, vì - như Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: “Con người là một bộ phận của thiên nhiên, phải sống hài hòa với thiên nhiên, dựa vào thiên nhiên, biết làm chủ thiên nhiên để làm cho thiên nhiên là một nguồn sống của mình...”.

Trên tinh thần đó, Hội SVC Long An làm hồ sơ đăng ký và được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam xét, ra quyết định (số 408/QĐ-HMTg, ngày 04/10/2016, do TS.Nguyễn Ngọc Sinh - Chủ tịch hội, ký) công nhận cây Trôm mõ (Sterculia foetida L.) tại chùa Diêu Quang, phường Khánh Hậu, TP.Tân An, là Cây Di sản Việt Nam.

Khởi sắc một sân chơi văn hóa

Được thành lập vào năm 2010, nhưng do những khó khăn, vướng mắc ban đầu nên phải đến sau Đại hội SVC tỉnh lần II (2015-2020), phong trào SVC tỉnh nhà mới thực sự có bước đi mạnh mẽ hơn; giữa Tỉnh hội và chi hội SVC các huyện, thị xã, thành phố có mối liên hệ gắn kết, trách nhiệm hơn.

Tại Tỉnh hội, lần lượt thành lập các chi hội SVC chuyên ngành: Bonsai, Hoa sứ, Chim cảnh, Cá cảnh, Gà cảnh,...; thành lập 2 hợp tác xã (HTX): HTX Thủ công mỹ nghệ Tân An và HTX Bảo tồn và Phát triển giống gà tre Chấn Phong. Các câu lạc bộ SVC huyện, thị xã, thành phố trước đây lần lượt tổ chức đại hội thành lập chi hội SVC, tạo sân chơi cho người yêu thích SVC.

Ngoài ra, để giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, trao đổi nghề chơi SVC nhằm nâng cao tính nghệ thuật và tay nghề, Hội SVC tỉnh kết nghĩa với hội SVC các tỉnh bạn: Cà Mau, An Giang, Đồng Tháp, Tây Ninh, Bến Tre, Gò Công (tỉnh Tiền Giang) và Câu lạc bộ Bonsai Tinh hoa Trường Đại học Khoa học tự nhiên (TP.HCM).

Thời gian qua, Hội SVC Long An cử nhiều lượt đơn vị tham gia các cuộc hội chợ, hội thi trưng bày - triển lãm SVC khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và đều được trao giải thưởng cao. Chi hội SVC huyện Cần Đước nhiều lần tham dự các hội thi SVC ở TP.HCM và đều có tác phẩm đoạt huy chương vàng, bạc,...

Chi hội SVC của một số huyện thường mở hội thi trưng bày, triển lãm SVC vào dịp chào mừng các ngày lễ lớn trong năm và Tết Cổ truyền để phục vụ công chúng. Chi hội SVC huyện Châu Thành “quán xuyến” mọi việc làm đẹp lễ hội (kết hoa đăng ghe diễu hành trên sông, trang trí xe hoa diễu hành trên đường, trang trí cổng chào, chưng nghi,...) trong Lễ hội Làm chay diễn ra vào giữa tháng Giêng âm lịch hàng năm.

Còn nhớ Hội chợ Công nghiệp - Thương mại, Hội thi trưng bày - triển lãm SVC tỉnh Long An lần I (năm 2016), mặc dù mùa mưa đến chậm, nước tưới khó khăn nhưng các đơn vị trong và ngoài tỉnh (20 đơn vị) tham gia rất nhiệt tình, số lượng sản phẩm, tác phẩm gỗ lũa, đá cảnh, đá phong thủy, kiểng khô, kiểng bonsai (các loại), tiểu cảnh, gỗ mỹ nghệ, hoa vải, hoa sứ, hoa phong lan,... đưa đến tham dự vừa đa dạng, vừa phong phú, thu hút hàng vạn lượt người xem.

Hy vọng, Hội chợ Công nghiệp - Thương mại và SVC tỉnh lần II (ngày 26/5/2017) đón nhận nhiều hơn, đa dạng hơn sản phẩm, tác phẩm chất lượng để cùng khởi sắc “trăm hoa đua nở” trong tình yêu thiên nhiên, đưa phong trào SVC thiết thực góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu./.

Quang Hảo

Chia sẻ bài viết