Tiếng Việt | English

19/08/2015 - 08:41

Sợ “rút dây động rừng” sao chống được tham nhũng?

Chống tham nhũng không phải chuyện khó, chỉ cần lãnh đạo cấp cao có quyết tâm.

Cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập đối với người có chức vụ, quyền hạn và các biện pháp thu hồi tài sản bất minh là một trong những nội dung được dư luận quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ đang tổng kết 10 năm thực thi Luật Phòng chống tham nhũng.

Trong quá trình đóng góp ý kiến đối với Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), nhiều ý kiến đề nghị cần phải hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp nhằm đấu tranh có hiệu quả với hành vi tham nhũng, tạo cơ chế thu hồi tận gốc tài sản tham nhũng.

Hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp là yêu cầu cấp bách

Theo đánh giá của Tổ chức Hướng tới sự minh bạch (TT), yêu cầu hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp trong điều kiện thực tế ở Việt Nam hiện nay là cấp bách vì một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức giàu lên nhanh chóng, bất bình đẳng xã hội gia tăng. Chính phủ không thể kiểm soát được tài sản, thu nhập thực tế của cán bộ, công chức bằng các công cụ pháp lý mang tính phòng ngừa hiện nay như quy định về kê khai tài sản, công khai bản kê khai tài sản, giải trình nguồn gốc phần tài sản tăng thêm, việc xác minh tài sản, thu nhập… Vì vậy, tội phạm hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp không những đáp ứng các yêu cầu của Công ước Liên Hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC) mà còn nhằm mô tả chính xác và không bỏ lọt các dạng hành vi khách quan của các tội phạm về tham nhũng.

Theo Điều 20 Công ước Liên Hợp Quốc, trên cơ sở tuân thủ Hiến pháp và các nguyên tắc cơ bản của hệ thống pháp luật nước mình, mỗi quốc gia thành viên sẽ xem xét áp dụng các biện pháp lập pháp và các biện pháp cần thiết để quy định là tội phạm đối với hành vi làm giàu bất hợp pháp của công chức trong trường hợp công chức không giải thích được hợp lý lý do khối tài sản của mình tăng lên đáng kể so với thu nhập hợp pháp của công chức.


Cần phải hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp (Ảnh minh họa)

Bà Đào Nga – Giám đốc Tổ chức Hướng tới sự minh bạch (TT) cho rằng, dù Công ước LHQ không bắt buộc, nhưng hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp là một kinh nghiệm quốc tế tiêu biểu, phổ biến, hiệu quả ở các quốc gia đã thực hiện. Xuất phát từ đòi hỏi bức thiết của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, Việt Nam cũng cần phải hình sự hóa hành vi này để xử lý bằng các chế tài hình sự.

Tài sản cán bộ không phải là bí mật quốc gia, bí mật cá nhân

Đồng quan điểm với bà Nga, ông Nguyễn Minh Thuyết – Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng cho rằng phải gắn việc xử lý các tài sản bất chính với việc kê khai tài sản khi phát hiện khối tài sản bất chính; phải điều tra và nếu người có khối tài sản không chứng minh được thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

“Tuy nhiên, việc này phải phụ thuộc vào cơ quan chức năng, những người làm luật, có thực sự muốn đấu tranh chống tham nhũng hay không thì mới đưa nội dung đó vào luật. Ở nhà tôi, tôi không thể ra luật cấm hút thuốc lá vì tôi hút thuốc”, ông Thuyết nói.

Ông Thuyết nhấn mạnh: “Để chống tham nhũng có hiệu quả, vấn đề quan trọng nhất là quyết tâm từ lãnh đạo cao nhất. Chỉ cần lãnh đạo cấp cao có quyết tâm thì việc gì cũng có thể làm được, đây không phải là chuyện khó, chỉ khó khi chưa thực sự quyết tâm, và có sợ rút dây động rừng không thôi?”.

Kê khai tài sản cán bộ được xem là vấn đề mấu chốt để đấu tranh với tham nhũng. Tuy nhiên, theo ông Thuyết, nếu vấn đề này không được làm thực sự, chỉ làm hình thức, coi đó là bí mật quốc gia, bí mật cá nhân thì không thể xử lý đến cùng đối với với những trường hợp tham nhũng.

“Tham nhũng ngang với tội xâm lược, không thể giảm án”

Nêu quan điểm cá nhân về vấn đề có nên cho phép tội phạm tham nhũng nộp tiền khắc phục hậu quả để tránh được án tử hình như quy định hiện tại trong Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), ông Thuyết cho rằng đối với tội tham nhũng – loại tội phạm ngang với tội xâm lược thì không thể giảm án, đặc biệt trong khi nhiều loại tội khác vẫn giữ khung tử hình.

Ông Thuyết đặt câu hỏi: “So giữa tội phạm xâm phạm tình dục trẻ 13 tuổi nhận án tử hình, và tội phạm ăn cắp của Nhà nước, của nhân dân hàng chục, hàng trăm tỷ đồng, tội phạm nào phá hoại nhiều hơn?”.

Ông Thuyết nhấn mạnh: “Phải đặt ra vấn đề người tham nhũng không những phải nộp lại toàn bộ số tiền tham nhũng mà còn phải đền bù thiệt hại cho nền kinh tế hay cho những cơ quan, đơn vị bị ảnh hưởng do hành vi tham nhũng họ gây ra, và phải chịu một khoản tiền phạt hay án phạt tù, như thế mới đủ. Còn để cho họ nộp tiền khắc phục hậu quả tham nhũng để thoát án tử hình chẳng khác nào Nhà nước và tội phạm “cưa đôi” với nhau. Không có luật nào làm thế cả trừ phi muốn dung dưỡng tham nhũng”./.

Thanh Hà/VOV.VN

Chia sẻ bài viết