Tiếng Việt | English

05/11/2016 - 16:21

Soạn giả Kha Tuấn: Cảm xúc về một địa danh

Kha Tuấn là một trong những soạn giả có tên tuổi ở khu vực Đồng bằng sông Cửu long từ nhiều năm qua. Anh có hơn 10 năm liên danh với soạn giả NSƯT Hữu Lộc cho ra mắt công chúng khoảng 10 kịch bản cải lương trên sân khấu Long An và một số tỉnh trong khu vực. Riêng anh viết hơn 50 bài vọng cổ được phát trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng có lẽ, bài Xoài Đôi là một trong những bài vọng cổ quen thuộc nhất với công chúng.

Cảm xúc từ quê hương

Xã Long Trạch, huyện Cần Đước là quê nhà của soạn giả Kha Tuấn. Địa danh Xoài Đôi trở nên thân thuộc với anh. Anh được các lão làng kể lại, chỗ ngã tư đó ngày xưa có 2 cây xoài cổ thụ. Đến thế hệ của anh thì chỉ còn là địa danh. Thời chiến tranh, Xoài Đôi chịu những trận càn của giặc. Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, nơi đây đầy những hố bom, cỏ cây xơ xác, ruộng đồng ngập mặn,... Tuổi học trò của Kha Tuấn gắn liền với ngã tư Xoài Đôi bởi hàng ngày, anh đều đi học ngang đây và Xoài Đôi còn là nơi hẹn hò của anh và cô bạn gái cùng trường.

Rồi anh cầm bút sáng tác những bài vọng cổ, chập cải lương cho phong trào văn nghệ quần chúng của huyện, của tỉnh và trở thành soạn giả cải lương chuyên nghiệp. Mãi đến 20 năm sau, cứ mỗi lần đi qua ngã tư Xoài Đôi thì hình ảnh của ngày xưa bất chợt hiện về trong anh. Con đường làng gồ ghề, lồi lõm ngày xưa, bây giờ trải đá bằng phẳng, cây cỏ xác xơ ngày nào quanh đây được thay bằng vườn cây ăn trái, ruộng lúa màu mỡ,... Rồi ở làng quê ấy, có cô gái đi lấy chồng xa xứ, người mẹ già phải thay cô gánh rau màu ra chợ. Cảm xúc ấy cứ thôi thúc anh, thế là bài vọng cổ Xoài Đôi của soạn giả Kha Tuấn ra đời vào năm 2000.

Nỗi nhớ Xoài Đôi

Nghệ thuật văn chương thông thường bắt nguồn từ sự cảm hứng ở cuộc sống đời thường, nếu tưởng tượng, suy diễn thì trở thành nghệ thuật phi hiện thực. Bài vọng cổ Xoài Đôi của Kha Tuấn rất đời thường, ngay việc chọn cái tựa cũng rất thật và dễ nhớ.

Cấu trúc bài vọng cổ này rất thuần túy, chỉ 4 câu vọng cổ và 2 đoạn văn nói lối, nhưng đáng chú ý là cốt lõi nội dung, tác giả tạo ra một kịch tính trong bài vọng cổ, kết nối giữa quá khứ với hiện tại, giữa một thôn nữ và người mẹ. Hình tượng một bà mẹ quê tảo tần, ngày ngày gánh rau ra chợ. Khi con lớn khôn theo chồng xa xứ, mẹ tiếp tục gánh rau thay con,...

Qua hình ảnh ấy, tác giả muốn nhắc nhở những ai ở xa quê, dù hoàn cảnh nào cũng đừng bao giờ quên cội nguồn: “Thì em ơi, xin em đừng quên ngã tư Xoài Đôi, tuổi thơ chúng mình ở đó. Là quê hương của má, là cơn gió ru ta yên ả mỗi trưa hè”. Tác giả dàn trải ca từ bằng giọng văn trong sáng và bình dị, không dùng đại từ nhân xưng “Mẹ” mà dùng bằng từ “Má” rất Nam bộ,...

“... Đám cưới của em đàng trai ở xa, lễ rước dâu không có,
Má buồn tủi chỉ đưa con ra tới chợ Xoài Đôi”.
“Hai mươi năm xa quê em đi lấy chồng xứ lạ,
Ngã tư quê mình vẫn gọi Xoài Đôi...”.

Tác giả cũng khá tinh tế trong thủ pháp xây dựng hình tượng nhân vật, trong một tác phẩm có hình thức và dung lượng giới hạn. Những chi tiết rất đời thường nhưng giàu hình ảnh: Cây điệp già, gánh rau chiều, nón nửa vành,... Rồi lại đan xen những hình ảnh ẩn dụ: Cây điệp già vẫn nguyên dáng nghiêng nghiêng trầm mặc... Ly rượu mừng mà tràn đầy nước mắt, trước sân nhà màu nắng rưng rưng... Vẫn đằm thắm trong tôi thi vị mối tình đầu, dẫu tình yêu ấy chỉ còn là nỗi nhớ!...

Có lẽ, bài vọng cổ này với những tố chất nêu trên, là tính hấp dẫn đối với người ca, dễ nhập tâm và thể hiện tình cảm của tác giả cũng như người ca. Chính vì thế mà nhiều thí sinh chọn bài này để dự thi và giọng ca trẻ Quốc Kiệt - diễn viên Nhà hát Trần Hữu Trang ca bài này trên sóng phát thanh của Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM, tạo được cảm tình với thính giả./.

Soạn giả Kha Tuấn tên thật là Nguyễn Văn Giới, SN 1953, tại xã Long Trạch, huyện Cần Đước. Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, anh sáng tác vọng cổ, chập cải lương cho phong trào văn nghệ quần chúng ở địa phương. Nổi bật lúc này là chập cải lương Về quê mới và bút danh Kha Tuấn xuất hiện từ đó. Anh bắt đầu sáng tác chuyên nghiệp từ năm 1985, kịch bản đầu tay là Chỗ đứng. Đến nay, anh cho ra đời nhiều kịch bản, tác phẩm đầu tiên được dựng trên sân khấu Đoàn Cải lương Long An là Hãy yêu nhau thật lòng, được soạn giả Hữu Lộc chỉnh lý. 10 năm liền liên danh với Hữu Lộc, “Kha Tuấn - Hữu Lộc” có khoảng 10 kịch bản, trong đó, nhiều tác phẩm đoạt giải thưởng cao.

Ngoài các giải thưởng sáng tác, bằng khen, giấy khen các cấp, anh còn được Nhà nước tặng Huy chương Vì sự nghiệp sân khấu Việt Nam, Huy chương Vì sự nghiệp văn học-nghệ thuật Việt Nam,... Năm 2016, anh hoàn tất cảnh cuối của kịch bản cải lương Quê xa, đồng thời, chỉnh lý vở Nàng Thơm.

Đỗ Dũng

Chia sẻ bài viết