Tiếng Việt | English

28/07/2017 - 01:30

Sống cho cuộc đời đơm hoa

Trở về cuộc sống thời bình với cơ thể không còn lành lặn, nhưng họ lại là những anh hùng chiến thắng mọi hoàn cảnh, vượt qua bao khó khăn của cuộc sống, vững vàng trên mặt trận mới với ước mong sống cho cuộc đời đơm hoa.

Dựng xây quê hương

Sinh ra và lớn lên trên vùng đất Tân Ninh, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An ngày ngày chứng kiến cảnh đất nước bị tàn phá bởi giặc thù, năm 1972, khi vừa tròn 17 tuổi, cậu bé Trần Văn Bé xin phép cha mẹ rồi tự nguyện tham gia cách mạng, nhiệm vụ lúc ấy là phụ trách ngành Y tế phục vụ đội quân du kích. Đến đầu năm 1974, Trần Văn Bé thoát ly về tỉnh Kiến Tường hoạt động với nhiệm vụ y tá.

Ông Trần Văn Bé chăn nuôi heo

Chẳng may, trên đường đi công tác ở Kiến Tường, bị mìn nổ, khiến ông bị thương ở đầu và chân. Lúc đó, ông cố gắng về lán trại dã chiến, tự băng bó vết thương cho mình và đồng đội.

Ông Bé kể: “Chiến trường ở Kiến Tường vô cùng ác liệt, máy bay địch rà tìm bộ đội liên tục cả ngày lẫn đêm. Lúc tôi và đồng đội bị thương không thể trở về đơn vị ngay, những người khỏe chặt cây tràm khiêng đồng đội bị thương. Lúc máy bay quần thảo thì mọi người phải ngồi tụm lại, lấy cây tràm che lên đầu để tránh bị phát hiện. Quần thảo cả ngày, để tránh máy bay địch phát hiện, gần 24 giờ sau, tôi và đồng đội mới ra được kênh Bảy Thước (thuộc huyện Tân Thạnh) để trở về đơn vị chạy chữa vết thương. Chiến tranh để lại nỗi đau quá lớn cho gia đình, cha và 2 anh hy sinh, tôi và người anh còn lại cũng là thương binh”.

Sau ngày hòa bình, thống nhất đất nước, ông về xã Tân Ninh tiếp tục nhận nhiệm vụ xây dựng lại trạm y tế để phục vụ nhân dân. Sau đó, ông kinh qua nhiều nhiệm vụ khác tại xã Tân Ninh.

Ở nhiệm vụ nào, ông Trần Văn Bé cũng hoàn thành và luôn nêu cao tinh thần “đảng viên đi trước”, là nòng cốt trong các hoạt động ở địa phương như vận động người dân thực hiện 19 tiêu chí nông thôn mới.

Đặc biệt, ông nghĩ, nếu mình làm tốt công tác xã hội mà kinh tế gia đình không ổn định cũng không thể có uy tín với hàng xóm. Vậy là, ngoài tham gia công tác xã hội, ông Bé còn chuyên tâm trồng lúa, nuôi heo, nuôi cá để ổn định kinh tế gia đình.

Là thương binh hạng 4/4, cơ thể không còn lành lặn, đối mặt với nhiều khó khăn khi đất nước vừa hòa bình, độc lập, với 2ha đất do cha mẹ cho, ông bắt tay vào lao động, sản xuất. Ông nghĩ, trước mắt, mình phải làm đủ để nuôi vợ con. Đất không phụ lòng người, ruộng lúa của ông Bé năm nào cũng được mùa do áp dụng đúng kỹ thuật được các cơ quan chức năng hướng dẫn. Từ 2ha đất ban đầu, hàng năm làm lúa có lãi, phần dành để nuôi con ăn học, phần còn lại, ông tích góp, mua thêm ruộng. Giờ đây, các con của ông đều trưởng thành, có việc làm ổn định và có cơ sở làm ăn riêng.

Hiện nay, ông Bé là thành viên tích cực trong Tổ hợp tác Bơm dề sạ vệt tại ấp Kinh Tè, xã Tân Ninh. Tổ có 32 hộ sản xuất với 150ha.

“Nhờ hợp tác nhau trong sản xuất và chia sẻ kinh nghiệm, hầu hết thành viên trong tổ đều sản xuất lúa có lãi ở mức bình quân 25 triệu đồng/ha/vụ. Riêng tôi, với diện tích đất của gia đình, sau khi trừ chi phí sản xuất, mỗi năm lãi khoảng 150 triệu đồng” - ông Bé nói.

Hưởng ứng phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm đường giao thông nông thôn, ông Bé là thành viên tích cực trong việc vận động người dân ấp Kinh Tè hiến đất, góp tiền xây dựng các tuyến đường. Ngoài ra, ông còn phát động người dân góp tiền xây dựng 2 cây cầu bắc qua Kinh Tè, trị giá 370 triệu đồng.
Hiện nay, ông Trần Văn Bé là Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong xã Tân Ninh, đảng viên 41 năm tuổi Đảng.

Anh Nguyễn Hữu An chuẩn bị chở thức ăn gia súc cho khách hàng

"Cha mẹ sinh cho mình cuộc đời, vợ không quản ngại khó khăn cùng chung tay xây dựng gia đình hạnh phúc và sự nghiệp, chính quyền địa phương hết lòng hỗ trợ, vì vậy, tôi phải quyết tâm sống sao cho xứng đáng, gương mẫu để cuộc đời đơm hoa".

Anh Nguyễn Hữu An

Tích cực lao động, sản xuất

Nhìn cơ ngơi nhà cửa rồi đến công việc mà anh Nguyễn Hữu An (ấp Nhơn Thuận, xã Nhơn Thạnh Trung, TP.Tân An, tỉnh Long An) làm hàng ngày, ít ai nghĩ anh là thương binh hạng 3/4, vĩnh viễn mất đi 1 chân trái trên chiến trường ở nước bạn Campuchia.

Anh An kể, tháng 8/1984, lúc ấy, anh chỉ vừa bước qua tuổi 22, tham gia chiến đấu trên nước bạn Campuchia. Trong một chuyến hành quân, anh không may đạp phải mìn. Cũng từ đó, anh mất đi chân trái, được trở về nước điều trị vết thương.

Năm 1985, xuất ngũ, về nhà, anh quyết tâm học nghề mộc để có cuộc sống ổn định. Năm 1997, anh bàn với vợ mở tiệm tạp hóa và bán cả thức ăn gia súc, gia cầm.

Hàng tháng, anh bán ra bình quân từ 40-60 tấn thức ăn và đảm nhận giao hàng đến từng nhà cho người mua. Ngoài bán thức ăn gia súc, anh An còn hỗ trợ vốn cho người chăn nuôi từ lúc bắt heo con, bao thức ăn đến khi heo xuất chuồng mới lấy lại vốn.

Với hình thức này, anh đang hỗ trợ trên 40 hộ chăn nuôi heo. Ngoài ra, anh An còn mở trang trại chăn nuôi heo với bình quân mỗi lứa 250 con heo thịt. Anh còn là cựu chiến binh gương mẫu, mạnh thường quân sẵn lòng với các phong trào do địa phương phát động.

Anh An chia sẻ: “Cuộc đời tôi chẳng may bị mất một phần thân thể vì cuộc chiến, nhưng vẫn may mắn hơn biết bao anh em khác vĩnh viễn nằm lại nơi nước bạn và chưa tìm được mộ phần. Cha mẹ sinh cho mình cuộc đời, vợ không quản ngại khó khăn cùng chung tay xây dựng gia đình hạnh phúc và sự nghiệp, chính quyền địa phương hết lòng hỗ trợ, vì vậy, tôi phải quyết tâm sống sao cho xứng đáng, gương mẫu để cuộc đời đơm hoa”./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết