Tiếng Việt | English

30/04/2017 - 16:42

Sống lại những ký ức hào hùng

Năm nào cũng vậy, càng gần đến ngày 30/4 lịch sử, ký ức về cuộc kháng chiến gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng để giành độc lập, tự do cho dân tộc lại trỗi dậy mạnh mẽ và sống động hơn bao giờ hết trong lòng mỗi chúng ta, nhất là những người lính Cụ Hồ năm xưa.

1. Trong cái nắng oi nồng của những ngày giữa tháng 4, xuôi về vùng hạ, chúng tôi tìm gặp Anh hùng Lực lượng vũ trang - Trung úy Nguyễn Văn Thiệt. Căn nhà của ông khá nhỏ nằm nép sâu trong con hẻm ở ấp 3, xã Long An, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. 74 tuổi nhưng tác phong của ông còn rất nhanh nhẹn, giọng nói sang sảng, khỏe khoắn. Khi chúng tôi hỏi về kỷ niệm trong những năm chiến đấu, ký ức của một thời kề vai, sát cánh cùng đồng đội chợt ùa về, ông bồi hồi kể lại.

Ông Nguyễn Văn Thiệt gìn giữ những huy hiệu, những tấm huy chương rất cẩn thận và xem đó như là báu vật của mìnhTháng 3/1960, hưởng ứng phong trào Đồng Khởi đang lan khắp miền Nam, ông cùng nhiều thanh niên khác trong xã tham gia du kích, làm nhiệm vụ phá các ấp chiến lược trên địa bàn. Đến năm 1964, ông thoát ly gia đình nhập ngũ tại Tiểu đoàn 1 Long An. Dù chưa có nhiều kinh nghiệm chiến đấu nhưng với sức trẻ và lòng căm thù giặc, ông luôn lập được nhiều chiến công.

Những năm 1966-1968, đơn vị ông làm nhiệm vụ đánh đồn, chống càn ở Đức Hòa, Đức Huệ, Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ,... Ông Thiệt cho biết, dù hàng ngày phải đối mặt với mưa bom, bão đạn của kẻ thù nhưng ông và đồng đội không hề nao núng hay sợ hãi bởi tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” luôn rực cháy. Tháng 9-1968, trong đợt chống càn tại xã Phước Lâm, huyện Cần Giuộc, ông bị thương rất nặng. Sau đó, ông bị giặc bắt, tra tấn dã man nhưng không hề khai báo nên chúng đày ông ra nhà tù Phú Quốc cho đến khi trao trả tù binh năm 1973.

Năm 1974, ông trở về công tác tại đơn vị cũ. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ngày 29/4/1975, sau khi chiếm xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, đơn vị ông được giao nhiệm vụ trấn giữ khu vực Thủ Thiêm đến Bến Nhà Rồng. Giờ đây, mỗi khi nghĩ về khoảnh khắc lịch sử 30/4 năm ấy, ông Thiệt không khỏi xúc động xen lẫn niềm tự hào.

Trở về với cuộc sống đời thường, ông tiếp tục công tác ở cơ sở với vai trò Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Long An từ năm 1990 cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2014. Trong vai trò mới, ông luôn quan tâm chăm lo quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, tạo điều kiện để họ phát triển kinh tế, giúp nhau thoát nghèo bền vững. Bên cạnh đó, những năm qua, ông còn vận động hội viên, nhân dân tham gia hiến đất, góp tiền xây cầu, làm đường, góp phần thay đổi bộ mặt quê hương.

2. Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi nhất, kết thúc 21 năm trường kỳ chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Vào ngày này, trong lòng mỗi người Việt Nam đều trào dâng niềm vui sướng, tự hào khó tả khi thoát kiếp nô lệ, trở thành công dân của một nước độc lập, tự do. Riêng đối với ông Dương Văn Thanh, ngụ ấp Kinh Văn Phòng, xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An, ngày 30/4 năm ấy càng thêm ý nghĩa và không thể nào quên bởi đây cũng là ngày ông thành hôn với người vợ hiện tại của mình.

Nhớ lại những kỷ niệm thời chiến đấu, ông Dương Văn Thanh không khỏi bồi hồiTiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang được bao quanh bởi vườn cây trái xanh mát, hiền hòa, giọng người lính già đầy xúc động khi nhắc đến quãng đời binh nghiệp của mình. Năm 1960, chàng trai trẻ Dương Văn Thanh bắt đầu tham gia du kích khi vừa tròn 20 tuổi. Năm 1963, ông vào bộ đội, chiến đấu tại Tiểu đoàn 504 Kiến Tường. 2 năm sau, với vai trò bộ đội chủ lực của Tiểu đoàn 261 - Giron (Quân khu 8), ông cùng đơn vị tham gia nhiều trận đánh khắp các tỉnh Gò Công, Mỹ Tho, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang,... ghi dấu trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Quân khu và toàn miền Nam.

Ông Thanh nhẩm tính, trong gần 20 năm binh nghiệp, ông tham gia hàng chục trận đánh lớn, nhỏ. Nhưng trận đánh mà ông không bao giờ quên chính là trận ở Cầu Mống, Bến Tre năm 1967. “Trong trận đánh đó, tuy toàn bộ quân địch bị tiêu diệt nhưng lực lượng của ta cũng tiêu hao gần 1/3 quân số, trong đó có một người tên Bé là đồng đội thân thiết nhất với tôi hy sinh” - ông Thanh bùi ngùi. Cũng vào năm này, ông bị thương rất nặng trong trận đánh ở Cái Bè, Tiền Giang, khiến 1 mắt bị giảm thị lực cùng nhiều mảnh đạn nằm trong đầu. Sau khi bình phục, ông được chuyển về làm ở bộ phận hậu cần, tiếp tục hỗ trợ đồng đội chiến đấu cho đến ngày miền Nam giải phóng.

Hòa bình lập lại, trở về Long An, ông được giao nhiệm vụ Trưởng phòng Giao thông huyện Mộc Hóa, đến năm 1982 thì nghỉ hưu do mất sức. Lúc bấy giờ, nhà nghèo, không có nhiều ruộng đất, cuộc sống vô cùng khó khăn, vợ chồng ông phải khai hoang thêm mới đủ nuôi cả gia đình 8 miệng ăn. Trải qua bao vất vả, giờ đây, các con ông đều khôn lớn, có gia đình ổn định, trở thành những người có ích cho xã hội, ông cũng cảm thấy an lòng.

Thấm thoát 42 năm trôi qua, những người lính Cụ Hồ năm xưa dù tuổi cao, sức yếu do di chứng của chiến tranh để lại nhưng họ vẫn tiếp tục lao động, sản xuất, tích cực đóng góp cho xã hội, xứng đáng là tấm gương sáng cho con cháu noi theo./.

An Kỳ

Chia sẻ bài viết