Tiếng Việt | English

10/11/2017 - 09:03

Sống sao cho xứng đáng!

Tính đến nay, toàn tỉnh có 5.128 mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước ‘‘Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH)’’, trong đó, 259 mẹ còn sống. Trong đợt phong, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước ‘‘Bà mẹ VNAH’’ lần thứ 8 theo Nghị định 56, ngày 22/5/2013 của Chính phủ, Long An có 202 mẹ. Trong đó, có 7 mẹ được phong tặng, 195 mẹ được truy tặng. Tỉnh tổ chức trang trọng, ý nghĩa lễ phong, truy tặng danh hiệu “Bà mẹ VNAH” đợt 8 tại 4 cụm: Châu Thành, Cần Giuộc, Đức Hòa và Tân Thạnh. Đây chính là sự tri ân của thế hệ hôm nay đối với những hy sinh, mất mát quá đỗi lớn lao của những người Mẹ VNAH…

Chiến tranh lùi xa hơn 42 năm, đất nước, quê hương khoác lên mình diện mạo mới; hòa bình, hạnh phúc, no ấm và phát triển hiện diện ở mọi nơi, trong từng ngõ, từng nhà. Thế nhưng, trong nỗi lòng của các Mẹ VNAH vẫn đau đáu nỗi nhớ người thân, đó là người chồng, người con vĩnh viễn ra đi vì độc lập, tự do của đất nước, dân tộc. Màu xanh quê hương hồi sinh sau khói lửa chiến tranh nhưng có những người ra đi thời trai trẻ, mãi mãi không về. Các anh để lại nỗi vấn vương, thương nhớ trong lòng những người mẹ, người vợ thân yêu. Để ngày đêm, dù vui với niềm vui giải phóng, sống cảnh thanh bình, nhưng trong sâu thẳm trái tim, nỗi nhớ, niềm thương về những người thân anh dũng hy sinh vẫn không vơi.

Hôm nay, nhận được danh hiệu vinh dự Nhà nước ‘‘Bà mẹ VNAH’’, nhiều mẹ đã vĩnh viễn ra đi. Dù vậy, gia đình các mẹ cũng cảm thấy mãn nguyện trước những ghi nhận, tôn vinh của Nhà nước. Nơi cõi vĩnh hằng, các mẹ chắc cũng ấm lòng trước sự tri ân của các thế hệ hôm nay. Thắp nén hương cho các mẹ đã ra đi cùng các anh hùng liệt sĩ vì nước quên thân, thế hệ con, cháu hôm nay xin nguyện với lòng tiếp nối truyền thống oai hùng, bất khuất ra sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp và quyết tâm bảo vệ những thành quả cách mạng mà tiền nhân hy sinh biết bao xương máu giữ gìn.

Với những Mẹ VNAH đang còn sống thì các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, nhất là thế hệ trẻ cần quan tâm chăm lo, phụng dưỡng; thường xuyên đến thăm, chăm sóc, động viên. Từng cơ quan, tổ chức nên đăng ký nhận chăm sóc các Mẹ VNAH; qua đó, giáo dục đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, truyền thống cách mạng cho cán bộ, công chức, viên chức. Các trường học tổ chức Về nguồn, vừa thăm hỏi, giúp đỡ, vừa nghe các mẹ kể chuyện về lịch sử quê hương, đó là hình thức giáo dục lòng yêu nước, đạo đức cho học sinh sinh động, thiết thực nhất.

Các thế hệ hôm nay và mai sau phải luôn sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh to lớn của các Mẹ VNAH và những người con ưu tú của quê hương hy sinh vì nghĩa cả!

Kim Quy

Chia sẻ bài viết