Tiếng Việt | English

21/10/2019 - 09:25

Sư cô Bảo Tâm - người nặng lòng với những hoàn cảnh khó khăn

Với tâm tu “tốt đời, đẹp đạo, nhân từ và có lòng vị tha”, gần 10 năm nay, sư cô Bảo Tâm ở chùa Vĩnh Phong (thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa) luôn cố gắng “vươn đôi tay” để “đỡ lấy” những mảnh đời khó khăn.

Sư cô Bảo Tâm (thứ 3, từ phải qua) luôn đi tặng quà trực tiếp, không qua trung gian

Sư cô Bảo Tâm (thứ 3, từ phải qua) luôn đi tặng quà trực tiếp, không qua trung gian
Kết nối những tấm lòng thiện nguyện

Khi chứng kiến nỗi cực khổ, vất vả của những mảnh đời khó khăn, sư cô Bảo Tâm không khỏi trăn trở, xót xa. Cảm thấy mình phải có trách nhiệm chia sẻ phần nào khó khăn ấy để cuộc đời họ tươi sáng hơn, từ đó hành trình trên con đường thiện nguyện của sư cô Bảo Tâm cũng bắt đầu, đến nay ngót nghét gần 10 năm.

Sư cô Bảo Tâm chia sẻ: “Tôi còn nhớ năm đó là năm 2011, tôi gặp một người ăn xin bị khuyết tật 2 chân lếch trên đường để nhận từng đồng tiền lẻ của mọi người. Hình ảnh đó cứ ám ảnh trong đầu làm tôi không khỏi xót xa cho những người khuyết tật thiếu may mắn. Sau thời gian trăn trở, tôi quyết định biến suy nghĩ thành hành động thiết thực. Vậy là, tôi tiến hành vận động mạnh thường quân mua xe lăn tặng những người khuyết tật và từ từ mở rộng đối tượng giúp đỡ”.

Không ngoại lệ với những người khác, sư cô Bảo Tâm bắt đầu hành trình thiện nguyện cũng gian nan, vất vả với việc tìm nguồn kinh phí, mạnh thường quân. Theo đó, sư cô Bảo Tâm bắt đầu vận động từ những người quen biết, phật tử. Những đối tượng được sư cô Bảo Tâm hỗ trợ là những người thật sự khó khăn và được xác minh rõ ràng. “Làm từ thiện phải đúng mục đích, đến với người cần mình và họ xứng đáng được giúp đỡ. Tôi tuyệt đối không để xảy ra trường hợp tư lợi cá nhân trong việc làm từ thiện. Đó cũng là cách tôi tạo uy tín và giữ chân những nhà hảo tâm trong hoạt động thiện nguyện của mình” - sư cô Bảo Tâm nhấn mạnh.

Từ những nhà hảo tâm ban đầu cùng việc làm từ thiện “đúng nơi, đúng chỗ”, sư cô Bảo Tâm tạo được uy tín và dễ dàng kết nối những tấm lòng thiện nguyện khác cùng chung tay giúp đỡ những mảnh đời khó khăn. Có những người sư cô tìm đến để vận động, có những người tự tìm đến với sư cô, đặc biệt là các đoàn từ thiện lớn. Và đến nay, tất cả mạnh thường quân ấy vẫn đồng hành cùng sư cô trong việc thiện nguyện.

Những người được sư cô Bảo Tâm giúp đỡ là người nghèo, già neo đơn, bệnh tật, nạn nhân chất độc da cam, học sinh nghèo,… Trong đó, những phần quà là nhu yếu phẩm; xe lăn; tiền mặt để xây nhà tình thương, mổ tim, mổ mắt và chữa các bệnh khác; học bổng hàng năm cho học sinh nghèo. Theo đó, sư cô Bảo Tâm vận động và hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn khoảng 1 tỉ đồng/năm.

Đồng cảm với những mảnh đời

Để duy trì công tác thiện nguyện, người làm thiện nguyện phải có trái tim nhân hậu và biết đồng cảm với những mảnh đời khó khăn. Và, sư cô Bảo Tâm là người như vậy! Mỗi hoàn cảnh đến với sư cô là một trường hợp, phận đời riêng theo cách cảm nhận của sư cô. 

Sư cô Bảo Tâm kể: “Có những trường hợp vì sĩ diện mà không muốn người nhà nhận sự giúp đỡ của chúng tôi. Vậy là, tôi đến nhà giải thích cặn kẽ đúng, sai, mặt hại, mặt lợi nên họ cũng thấu hiểu và vui vẻ nhận sự giúp đỡ, nhờ vậy cuộc sống đỡ vất vả hơn. Cũng có người có thái độ nhận quà chưa tốt, còn nói lời thô tục, tôi cũng khuyên và nhắn nhủ những điều hay lẽ phải, từ đó tính cách của họ trong cuộc sống hàng ngày thay đổi theo hướng tích cực. Để làm được điều đó, chúng ta phải có sự đồng cảm với những mảnh đời để hiểu những câu chuyện riêng của họ và đứng trên lập trường, lợi ích của họ mà giải quyết các vấn đề”.

Ngoài những mảnh đời ấy, sư cô Bảo Tâm còn góp phần thay đổi số phận nhiều học sinh bằng những suất học bổng kịp thời, góp phần giúp chính quyền địa phương ngăn dòng bỏ học.

“Nhiều năm nay, sư cô Bảo Tâm là chỗ dựa vững chắc cho người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là nạn nhân chất độc da cam, người nghi phơi nhiễm chất độc hóa học. Ngoài xác minh rõ ràng các trường hợp trao tặng quà, sư cô Bảo Tâm còn đến tận nơi để trao tặng, không qua trung gian. Càng đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều mảnh đời, sư cô Bảo Tâm lại càng dành thời gian và hướng về họ nhiều hơn” - Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Thủ Thừa - Trần Thị Láng chia sẻ.

Với tấm lòng thiện nguyện ấy, sư cô Bảo Tâm được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen năm 2017; UBND tỉnh tặng 4 bằng khen trong năm 2018 và 2019./.

Ngọc Thạch

Chia sẻ bài viết