Tiếng Việt | English

24/12/2016 - 15:06

Sự nguy hiểm của chứng mất ngủ

Mất ngủ hay khó ngủ là một dạng rối loạn giấc ngủ, người bệnh rất khó đi vào giấc ngủ, giấc ngủ chập chờn khó duy trì hoặc ngủ dậy vẫn cảm thấy mệt. Khoảng 33% dân số bị chứng mất ngủ, 15% bị ngầy ngật trong ban ngày, 18% không thoả mãn với giấc ngủ, 30% mất ngủ có liên hệ bệnh tâm thần.


Ảnh: Suckhoexanh

Tình trạng mất ngủ đang ngày càng gia tăng làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của rất nhiều người. Do đó, nếu mất ngủ kéo dài sẽ gây ra nhiều tác hại nguy hiểm cho sức khỏe như:

1-Mất tập trung

Nếu giấc ngủ thường xuyên bị gián đoạn, bộ não có rất ít thời gian cho trạng thái nghỉ ngơi. Từ đó, làm cho người bệnh cảm thấy chậm chạp, khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ. Những người có giấc ngủ sâu sẽ có cảm giác tốt hơn về nhận thức và cảm nhận tốt hơn về hạnh phúc, từ đó tâm trạng cũng được cải thiện đáng kể.

2-Giảm hiệu suất công việc

Thiếu ngủ có thể làm giảm hiệu suất công việc. Theo một số nghiên cứu về giấc ngủ, thấy rằng giấc ngủ trưa tuy ngắn nhưng có thể làm cho tâm trạng và hiệu suất công việc tăng lên. Một giấc ngủ trưa hợp lý là khoảng từ 20-30 phút sẽ giúp giảm cảm giác buồn ngủ, lấy lại tinh thần sảng khoái, hồi phục năng lượng nhanh và có thể giúp tỉnh táo để bắt tay vào công việc ngay.

3-Gây tăng cân

Thiếu ngủ không chỉ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe mà còn chính là thủ phạm gây ra thừa cân. Khi thiếu ngủ, cơ thể sẽ mệt mỏi, căng thẳng và các cơ quan trong cơ thể không thực hiện hết chức năng cho nên không tiêu hao năng lượng dẫn đến tăng tích tụ mỡ dưới da, vì khi thiếu ngủ, vùng kích thích thèm ăn của não bộ hoạt động rất mạnh nên cơ thể luôn muốn ăn những món ăn nhiều năng lượng hơn.

4-Tăng huyết áp

Khi không ngủ được thì càng lo lắng và càng lo lắng lại càng khó ngủ. Từ đó, sẽ gây căng thẳng và yếu tố căng thẳng càng ngày càng gia tăng theo mức độ khó ngủ nên dẫn đến gia tăng huyết áp.

5-Gây trầm cảm

Người mất ngủ nhiều quá thường sợ đêm đến, ban ngày họ cũng không ngủ trưa được. Đây là nguyên nhân làm xuất hiện thêm nhiều cơn lo âu. Vì vậy, người bệnh luôn bị ám ảnh vì mất ngủ và những ám ảnh này càng làm cho mất ngủ. Lâu dần sẽ xuất hiện trầm cảm, rối loạn lo âu như dễ chán nản, giảm hứng thú làm việc, không còn nhiều thiết tha với cuộc sống…

6-Suy giảm trí nhớ

Thiếu ngủ là nguyên nhân dẫn tới suy giảm hoạt động của não bộ, vì khi ngủ đủ giấc sẽ phục hồi lại sức lực, còn bị thiếu ngủ sẽ dẫn đến giảm trí nhớ, khó tập trung chú ý, giảm khả năng lao động và giảm tính tích cực trong cuộc sống.

7-Ảnh hưởng đến làn da

Khi thiếu ngủ sẽ làm cho cơ thể không sản sinh ra hormon sinh trưởng mà lần lượt tạo ra một loại hormon căng thẳng làm phá vỡ collagen trong cơ thể và loại hormon căng thẳng này làm tăng tình trạng viêm và làm làn da hình thành nếp nhăn sớm. Thiếu ngủ ảnh hưởng tới chức năng bảo vệ da tự nhiên, làm khô da và làm tăng độ nhạy cảm trên da. Từ đó, làm cho khả năng tự bảo vệ rất kém, nhất là khi phải tiếp xúc với hóa chất độc hại và ô nhiễm môi trường.

8-Gây rối loạn tâm lý

Thiếu ngủ, bộ não sẽ có những phản ứng tiêu cực, dẫn đến tình trạng rối loạn lo âu, cáu gắt, uể oải, mệt mỏi,… Đồng thời sinh ra nhiều vấn đề về sức khỏe tâm thần như trầm cảm, tự kỷ.

9-Gây bệnh tim mạch

Thiếu ngủ là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh về tim mạch. Bởi vì khi thiếu ngủ thì hệ thần kinh giao cảm hoạt động nhiều hơn, mạch máu co lại, huyết áp tăng, tạo áp lực thêm cho trái tim. Hơn nữa, khi ngủ ít, cơ thể cần nhiều insulin hơn để duy trì mức độ đường huyết bình thường, do đó có tác động xấu tới mạch máu và tim.


Ảnh: Vietgiaitri

Theo số liệu thống kê, hiện tại có khoảng 20% dân số bị mất ngủ nhưng nếu như trước đây mất ngủ chỉ xảy ra ở người lớn tuổi, thì hiện nay có cả người trẻ cũng mắc phải chứng bệnh này. Khi mất ngủ kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần và công việc.

Có nhiều nguyên nhân gây mất ngủ, có thể chỉ là những lo âu hay căng thẳng nào đó trong đời sống hàng ngày chưa được giải quyết ổn thỏa hay những hành vi cá nhân như hút thuốc lá, uống cà phê nhiều, thay đổi múi giờ khi đi xa, làm việc ca đêm, ăn quá nhiều trước khi đi ngủ; hoặc những bệnh lý thực thể đều có thể gây mất ngủ. Do đó, để không bị mất ngủ ngoài việc dùng thuốc, cần thực hiện một số biện pháp nhằm điều chỉnh nguyên nhân gây mất ngủ để góp phần mang lại giấc ngủ ngon.

1-Tạo thói quen đi ngủ đúng giờ

Đây là cách tốt nhất để mang lại giấc ngủ ngon vì khi có thói quen ngủ sớm sẽ giúp cho cơ thể thích nghi và quen với việc ngủ đúng giờ. Các nhà khoa học khuyên không nên ngủ sau 11h đêm vì đây là thời điểm cơ thể thải độc, tái tạo năng lượng tốt nhất.

2-Tăng cường tập luyện thể thao

Khi vận động, luyện tập thể dục thể thao vừa có tác dụng thúc đẩy quá trình trao đổi chất, lưu thông máu huyết vừa giúp tinh thần được thoải mái, vui vẻ từ đó giúp đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn. Những bài tập như yoga, ngồi thiền, bơi lội, aerobic, đi bộ, đạp xe, dưỡng sinh… vào buổi sáng và buổi chiều mỗi ngày là thích hợp nhất.

3-Thực hiện chế độ ăn uống khoa học

Giấc ngủ cũng bị ảnh hưởng bởi thức ăn sử dụng hàng ngày, bởi vì không thể ngủ khi dạ dày vẫn phải làm việc liên tục để tiêu hóa thức ăn, do đó không nên ăn no hoặc uống quá nhiều nước trước khi ngủ. Bên cạnh đó, cần hạn chế các loại đồ uống như cà phê, trà, vì đây là thức uống chứa nhiều chất kích thích sẽ tác động lên hệ thần kinh, nên rất có hại cho sức khỏe và giấc ngủ.

4-Tránh lạm dụng thuốc ngủ

Khi quá căng thẳng hay gặp những sang chấn tinh thần quá mạnh thường hay sử dụng thuốc ngủ. Mặc dù uống thuốc ngủ có thể giúp cho dễ đi vào giấc ngủ nhưng về lâu về dài thì đây là điều không nên, bởi vì khi sử dụng nó sẽ gây ra các tác hại như ảnh hưởng đến dạ dày, hệ thống thần kinh, phụ thuộc vào thuốc làm cho người bệnh bị rơi vào giấc ngủ chập chờn, mộng mị, cơ thể mỏi mệt khi thức dậy vào sáng hôm sau, đầu óc dần dần không còn minh mẫn, trí nhớ giảm sút...

Để có thể tạm biệt chứng mất ngủ, khó ngủ về đêm, tìm lại giấc ngủ ngon cho cơ thể thì người bệnh cần song song với việc khắc phục những nguyên nhân, luyện tập vận động thể lực là việc làm vô cùng cần thiết, đồng thời tránh sử dụng thức ăn, nước uống có nhiều chất kích thích và nhất là không nên mang những băn khoăn, lo lắng vào giấc ngủ./.

Bs Hồ Văn Cưng

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích