Tiếng Việt | English

06/07/2020 - 09:55

Sự thật về nhân quyền ở Việt Nam

Ngày 11-3-2020, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố “Báo cáo nhân quyền quốc gia năm 2019” gồm 7 phần, trong đó có nội dung đề cập đến tình hình Việt Nam, đưa ra những chỉ trích bịa đặt, vô căn cứ về tình hình vi phạm nhân quyền tại Việt Nam. Đáng chú ý, báo cáo này cho rằng, vấn đề nghiêm trọng nhất ở Việt Nam là hạn chế các quyền tự do, bao gồm tự do biểu đạt, tự do báo chí, tự do Internet và tự do tôn giáo. Đây là luận điệu vu cáo, hoàn toàn đi trái với sự thật với cách nhìn “không trúng và không đúng”.

Hiện nay, số người Việt Nam sử dụng mạng xã hội Facebook lên đến hơn 60 triệu người (Ảnh minh họa)

Ở Việt Nam, trong khu vực và trên toàn thế giới ai cũng đều biết vấn đề bảo vệ quyền con người là một trong những vấn đề trọng tâm trong Hiến pháp năm 2013 của nước ta, trong chính sách phát triển KT-XH cũng như trong thực tiễn đời sống ở nước ta. Chẳng hạn về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, Việt Nam là quốc gia có nhiều tôn giáo và nhiều loại hình tín ngưỡng, với 16 tôn giáo và 13,2 triệu tín đồ tôn giáo. Quyền tự do tôn giáo chính đáng được nhà nước bảo hộ, các tín đồ tôn giáo được thực hiện các nghi lễ tôn giáo, thực hành các hoạt động tôn giáo theo quy định của pháp luật. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 8.500 lễ hội tôn giáo được tổ chức.

Tính từ năm 2014 đến nay, Việt Nam có 3 lần tổ chức thành công Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc. Mỗi lần như vậy đều có sự tham gia của hàng ngàn chức sắc, lãnh đạo các giáo hội, nhà nghiên cứu, học giả, hàng vạn tín đồ phật tử đến từ nhiều quốc gia trên thế giới đến tham dự. Nước ta cũng có Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc hơn để người dân thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mình.

Song song đó, nước ta đã ban hành nhiều văn bản luật: Luật Báo chí sửa đổi (2016), Luật Tiếp cận thông tin (2013); Luật An ninh mạng (2018) và Việt Nam cũng có số lượng người sử dụng Internet, mạng xã hội, Facebook cao nhất thế giới (hơn 60 triệu người),… Mới đây, trước nạn dịch bệnh Covid-19 lây lan, diễn biến khó lường, Chính phủ Việt Nam quyết định đưa máy bay đến vùng tâm dịch Vũ Hán (Trung Quốc) để đón công dân về nước, rồi lại quyết định cấp kinh phí bảo đảm ăn uống cho người bị cách ly (trong đó có cả người nước ngoài); tổ chức khám, chữa bệnh miễn phí cho các trường hợp không may nhiễm bệnh. Các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, văn nghệ sĩ, Đoàn Thanh niên, doanh nhân, học sinh, sinh viên, quần chúng nhân dân,… tích cực quyên góp tiền, vật chất góp sức với Chính phủ chống dịch, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”… Ấy vậy mà, một lần nữa sự thật lại bị xuyên tạc, bóp méo!

Những dẫn chứng nêu trên cũng đủ cho thấy, cáo buộc mà Bộ Ngoại giao Mỹ nêu trong báo cáo nhân quyền năm 2019 rằng, Việt Nam hạn chế quyền tự do ngôn luận, báo chí, Internet là hoàn toàn vô căn cứ và phi lý, không phản ánh đúng hiện thực sinh động tại Việt Nam.

Điều cần nói rõ ở đây là báo cáo nhân quyền Việt Nam năm 2019 của Bộ Ngoại giao Mỹ không chỉ vi phạm quy định về cấm can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác (đã được đề cập trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc) mà còn gián tiếp tạo cái cớ để các thế lực cơ hội chính trị, thù địch với Việt Nam, các tổ chức phản động tìm cách cản trở bước phát triển chung của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.

Võ Thanh Nghị

Cán bộ hưu trí, phường 4, TP.Tân An

Chia sẻ bài viết