Tiếng Việt | English

27/04/2018 - 10:51

Sức bật sau 43 năm giải phóng

Với tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao và vận dụng linh hoạt, sáng tạo những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn đấu tranh của dân tộc vào công cuộc đổi mới, Đảng bộ, chính quyền, dân và quân Long An gặt hái nhiều thành quả quan trọng, góp phần tô thắm thêm truyền thống 8 chữ vàng “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”.

Hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư tạo sự chuyển biến tích cực về diện mạo cho các địa phương

Nỗ lực vượt khó

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, do hậu quả chiến tranh, cùng với các địa phương khác, sản xuất và đời sống của người dân Long An gặp rất nhiều khó khăn. Từ năm 1980, chủ trương đột phá vào khâu cải tiến phân phối, lưu thông, thực hiện cơ chế “một giá” tạo bước đột phá thật sự, Long An trở thành một trong những địa phương đi đầu trong việc xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế phát triển, bình ổn giá thị trường.

Cùng với đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, năm 1983, Tỉnh ủy tiếp tục đề ra chủ trương mang ý nghĩa lịch sử, đó là tiến quân khai phá vùng Đồng Tháp Mười, mở tuyến đường 49 (nay là Quốc lộ 62), khuyến khích người dân từ các nơi đến đây lập nghiệp.

Với việc đầu tư kết cấu hạ tầng, cải tạo đất, tạo nguồn nước ngọt, giờ đây, nông dân không chỉ sản xuất được 2 vụ lúa/năm mà năng suất cũng tăng lên 8-9 tấn/ha, có nơi đạt gần 10 tấn/ha. Từ vùng đất hoang hóa, nhiễm phèn nặng ngày nào, Đồng Tháp Mười trở thành vùng trọng điểm sản xuất lương thực của tỉnh và cả khu vực.

Ông Đinh Văn Tàu (SN 1965), ngụ ấp Sậy Giăng, xã Bình Thạnh, huyện Mộc Hóa, phấn khởi cho biết: "Những năm đầu sau giải phóng, nơi này, đường sá, điện, nước sinh hoạt cái gì cũng thiếu nên dân cư thưa thớt lắm! Bên cạnh đó, việc sản xuất không thuận lợi do đất bị nhiễm phèn nặng. Mỗi năm chỉ sản xuất được một vụ lúa nhưng năng suất thấp, thu nhập của người dân vô cùng bấp bênh. Trải qua hơn 3 thập niên khai phá, nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, bộ mặt nông thôn không ngừng được cải thiện, đời sống người dân nâng lên cả về vật chất lẫn tinh thần".

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng

Không chỉ bứt phá mạnh mẽ trong nông nghiệp, sau 32 năm đổi mới, lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ của tỉnh cũng có nhiều khởi sắc. Từ năm 1996, Long An bước đầu đẩy mạnh quy hoạch phân vùng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu hút nguồn vốn đầu tư kể cả của nước ngoài, đồng thời khởi công xây dựng các khu, cụm công nghiệp.

Với việc thực hiện hiệu quả Chương trình Huy động các nguồn lực đầu tư phát triển vùng kinh tế trọng điểm - 1 trong 4 chương trình trọng điểm mang tính đột phá của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII, góp phần đưa Long An gia nhập Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vào tháng 6/2003.

Mạng lưới giao thông không ngừng phát triển, góp phần tháo gỡ những“nút thắt” trong liên kết vùng giữa Long An, TP.HCM và các tỉnh lân cận trong khu vực phía Nam Ảnh: MHD

Kế thừa kết quả 4 chương trình trọng điểm sau 10 năm thực hiện, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX và X tiếp tục triển khai các chương trình đột phá, công trình trọng điểm. Trong đó, Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp (với 3 cây, 1 con chủ lực là lúa, rau, thanh long, bò thịt) và Chương trình Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hiện thực hóa 3 vùng quy hoạch chiến lược của tỉnh, tạo diện mạo mới và động lực mạnh mẽ thúc đẩy địa phương phát triển.

Từ một tỉnh thuần nông, đến nay, Long An trở thành một trong những tỉnh, thành có nền công nghiệp tăng trưởng khá trong khu vực. Toàn tỉnh hiện có 16 khu công nghiệp và 17 cụm công nghiệp đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy trung bình trên 78%.

Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh năm 2017 đứng vị trí thứ 4/63 tỉnh, thành cả nước, thuộc nhóm Tốt; chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI) đứng vị trí 11, thuộc nhóm thứ nhất. Chỉ số sản xuất công nghiệp trong quí I-2018 tăng 15,1% so cùng kỳ; giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) 45.300 tỉ đồng, đạt 21,3% kế hoạch, tăng 16,1% so cùng kỳ.

Nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp, Long An đang đầu tư xây dựng 14 tuyến đường giao thông huyết mạch đồng bộ kết nối đến các khu, cụm công nghiệp, các tuyến giao thông của TP.HCM và kết nối đến Cảng Quốc tế Long An.

Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế khi việc vận chuyển hàng hóa bằng đường biển tại Cảng Quốc tế Long An không chỉ giúp giảm tải cho các cụm cảng của TP.HCM mà còn giúp giảm chi phí và thời gian vận chuyển, nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa của Long An và cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Văn hóa - xã hội phát triển khá toàn diện

“Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh (nhiệm kỳ 2015-2020), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Long An không ngừng nỗ lực, phấn đấu, nắm bắt tốt thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, đạt một số kết quả quan trọng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP hàng năm đạt từ 9% trở lên (năm 2016 đạt 9%, năm 2017 đạt 9,53%).

Thu ngân sách tăng theo từng năm (năm 2016 thu trên 10.000 tỉ đồng, năm 2017 thu trên 12.000 tỉ đồng). Sản lượng lương thực hàng năm trên 2,6 triệu tấn, trong đó, lúa chất lượng cao trên 1,2 triệu tấn” - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh thông tin.

Sản lượng lương thực hàng năm trên 2,6 triệu tấn, trong đó, lúa chất lượng cao trên 1,2 triệu tấn

Cùng với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội của tỉnh tiếp tục có những chuyển biến tích cực, đáp ứng yêu cầu nâng cao dân trí, chăm sóc sức khỏe nhân dân, hưởng thụ văn hóa và bảo đảm an sinh xã hội. Toàn tỉnh hiện có 66/166 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 39,75% số xã.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,92% (11.852 hộ/405.432 hộ dân), hộ cận nghèo giảm còn 3,7% (14.987 hộ dân). Thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt 61 triệu đồng/năm. Hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn, hiệu lực, hiệu quả hoạt động ngày càng nâng lên, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ chính trị đề ra.

Bà Trần Thị Đẹp (SN 1947), ngụ ấp Đông Nhất, xã Tân Chánh, huyện Cần Đước, chia sẻ: “Nếu như trước đây, đường sá nhỏ, hẹp, sình lầy thì nay, đường về trung tâm xã được trải nhựa khang trang, các tuyến đường liên xóm, ấp được mở rộng, tráng bêtông, tạo thuận lợi trong đi lại, vận chuyển hàng hóa. Bên cạnh đó, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa ấp,... cũng được đầu tư xây dựng đạt chuẩn. Đặc biệt, việc sử dụng nước từ các kênh, mương không còn nữa vì các ấp đều có hệ thống cung cấp nước hợp vệ sinh. Tất cả kết quả đó có được là nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới, người dân ai cũng phấn khởi”.

Từng bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh nhưng nhờ biết phát huy nguồn lực tại chỗ và tranh thủ sự hỗ trợ từ Trung ương, Đảng bộ, chính quyền, dân và quân Long An từng bước vượt qua khó khăn, tạo nên sức bật mới đưa tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững./.

An Kỳ

Chia sẻ bài viết