Tiếng Việt | English

29/04/2017 - 16:14

Sức bật từ những chương trình đột phá, công trình trọng điểm

Trải qua các kỳ đại hội Đảng bộ tỉnh, phát huy trí tuệ tập thể, nhiều nghị quyết (NQ) đúng đắn, sát thực tế, phù hợp với điều kiện địa phương ra đời và đi vào cuộc sống, phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo sức bật đưa Long An phát triển nhanh, bền vững.

Những chương trình hiệu quả

Cùng với các chương trình đột phá theo Nghị quyết Đại hội IX Đảng bộ tỉnh (nhiệm kỳ 2010-2015), Chương trình huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông, điện, nước phục vụ phát triển công nghiệp tạo nên dấu ấn. Chương trình tạo chuyển biến rõ nét về hình thành hệ thống hạ tầng kỹ thuật thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp.

Long An đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển công nghiệp (trong ảnh: Đường dẫn vào Khu công nghiệp Long Hậu)

Theo Sở Giao thông Vận tải, trong nhiệm kỳ 2010-2015, về giao thông, tỉnh nâng cấp, đầu tư mới hoàn chỉnh 87,9km đường nhựa, bảo đảm vận chuyển, phục vụ sản xuất, giao thương; hàng loạt công trình được đưa vào sử dụng; nạo vét 46km đường thủy phục vụ thoát lũ;... Trong đó, phải kể đến những tuyến đường huyết mạch, kết nối các vùng trong tỉnh, thúc đẩy kinh tế phát triển: Đường tỉnh (ĐT) 827A (TP.Tân An đi huyện Châu Thành), ĐT835B (hướng Quốc lộ 1 từ xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức đi Cần Giuộc), ĐT830 (ngã tư Rạch Kiến, huyện Cần Đước đến ngã tư Chợ Trạm (giáp ranh giữa Cần Đước và Cần Giuộc) đi Cảng quốc tế Long An), đường Hải Sơn - Tân Đô - Tân Đức (huyện Đức Hòa),... tạo nên hệ thống giao thông cơ bản hoàn chỉnh. Đồng thời, việc mở rộng Cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp, xây cầu Hữu Nghị 1 và 2 nối Việt Nam - Campuchia, ĐT829 (nối huyện Tân Thạnh với huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang), ĐT837 (nối huyện Tân Thạnh với huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp),... hình thành nên mạng lưới giao thông liên hoàn trên phạm vi toàn tỉnh và khu vực. Không những vậy, tỉnh cải tạo, nâng cấp, đầu tư mới một số trạm, đường dây gắn với quy hoạch mạng lưới điện quốc gia phục vụ tốt sản xuất, sinh hoạt và có dự phòng cho các năm tiếp theo. Hệ thống cấp nước cơ bản đáp ứng nhu cầu trong giai đoạn hiện nay.

Hiện, toàn tỉnh có 16/28 khu công nghiệp đang hoạt động, tỷ lệ lấp đầy trên 67%. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có hơn 8.400 doanh nghiệp trong nước hoạt động; đầu tư nước ngoài 819 dự án,... Hiệu quả từ chương trình mang lại góp phần đưa Long An trở thành một địa phương năng động trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Từ chương trình nông thôn mới, nhiều tuyến đường nông thôn đầu tư xây dựng 

Chương trình đột phá đầu tư xây dựng và phát triển nông thôn mới (NTM) trong nhiệm kỳ 2010-2015 tạo nên sức lan tỏa, hình thành phong trào “Toàn tỉnh chung sức xây dựng NTM”. Đến nay, toàn tỉnh có 57/166 xã đạt chuẩn NTM. Để xây dựng thành công chương trình này, tỉnh tập trung mọi nguồn lực. Đó là việc thực hiện hiệu quả kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp với trọng tâm là đầu tư phát triển các cây trồng, vật nuôi chủ lực và có lợi thế của tỉnh: Lúa, thanh long, bắp, mè,... đồng thời, triển khai thực hiện một số mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Song song đó, việc đào tạo nghề cũng được chú trọng và bước đầu mang lại hiệu quả. Việc ứng dụng kiến thức vào sản xuất nông nghiệp giúp nông dân từng bước làm chủ quy trình, mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Đó cũng là nền tảng cho việc nâng cao đời sống kinh tế của người dân trong tỉnh nói chung và các xã đạt chuẩn NTM nói riêng. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn năm 2016 là 32,5 triệu đồng/người/năm (năm 2010 là 15,6 triệu đồng/người/năm); tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm 3,57%.

Một trong những minh chứng cụ thể cho sự thành công của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM chính là sự phát triển của huyện nông nghiệp Châu Thành. Giờ đây, về Châu Thành, đâu đâu cũng nhìn thấy những đổi thay tích cực. Đường bêtông, nước hợp vệ sinh dẫn về đến tận nhà dân.

Ông Nguyễn Văn Bền, ngụ ấp 1, xã Hòa Phú vui vẻ: “Từ khi có nước qua lắng lọc, người dân ở đây ai cũng vui. Nước trong và mát, lại mạnh nữa! Ủng hộ chính sách của Nhà nước, tôi tham gia hiến một phần đất để đặt bồn lắng lọc. Nhờ có chương trình xây dựng NTM, Hòa Phú được đầu tư nhiều về đường giao thông, điện, nước,...”.

Chủ tịch UBND huyện Châu Thành - Nguyễn Văn Thình cho biết, chính quyền và người dân đang tập trung toàn lực để xây dựng Châu Thành trở thành huyện NTM trong năm 2018. Đó là nỗ lực của toàn Đảng bộ và nhân dân trong huyện vì mục tiêu chung là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Những thay đổi đó là minh chứng cụ thể nhất cho sự đúng đắn từ những chương trình đột phá được NQ đại hội xác định.

Một đoạn công trình trọng điểm ĐT 819

Công trình hợp lòng dân

Được xem là tuyến đường đột phá cho sự phát triển, ĐT819 (đường cặp kênh 79) là một trong những công trình trọng điểm theo NQ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX. Đây là tuyến đường thủy - bộ song hành. Tuyến đường này góp phần quan trọng trong giao thương hàng hóa, nhất là nông sản; đồng thời, tạo thế trận phòng thủ vững chắc cho vùng Đồng Tháp Mười; bảo vệ biên giới 2 tỉnh Long An và Đồng Tháp.

Anh Nguyễn Văn Hải - tài xế xe tải chuyên chở hàng trên tuyến đường này phấn khởi: “Từ lúc tuyến đường này hình thành, tôi cũng như những tài xế khác khi chở hàng từ TP.HCM qua Long An về huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp có thể rút ngắn 50km so với lộ trình trước đây”. Riêng với huyện Tân Hưng, ĐT819 ra đời rút ngắn khoảng cách từ Tân Hưng về TP.Tân An khoảng 10km. Ngoài ra, tuyến đường này hình thành góp phần giảm tải cho ĐT831, Quốc lộ 62.

Từ điều kiện cơ sở vật chất được xây mới, Trường Cao đẳng Nghề Long An có cơ hội mở rộng, đa dạng hóa ngành nghề đào tạo (trong ảnh: Sinh viên Cao đẳng Nghề Long An tại xưởng thực hành)

Trường Cao đẳng Nghề Long An là công trình trọng điểm theo NQ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2005-2010), được đầu tư xây mới tại TP.Tân An, góp phần giải quyết nhu cầu dạy nghề, học nghề và những khó khăn về cơ sở vật chất mà trường gặp phải vào thời điểm đó. Với tổng diện tích 6,9ha (cả khu ký túc xá tại một địa điểm khác), trường gồm: Khu hành chính, khối lý thuyết, xưởng thực hành, phòng chăm sóc sức khỏe, ký túc xá, nhà xe,... Mới đây, trường được đầu tư bổ sung khối xưởng tiếp nhận thiết bị từ nguồn vốn ODA của Cộng hòa Liên bang Đức với tổng số vốn mua sắm thiết bị khoảng 50 tỉ đồng cho 3 lĩnh vực: Điện - điện tử, cơ điện tử và công nghệ cơ khí.

Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Long An - thầy Phạm Văn Thịnh kể: “Trước đây, trường có 3 cơ sở ở 3 địa điểm khác nhau tại TP.Tân An và chỉ giảng dạy 6 ngành nghề (Điện công nghiệp, Cơ khí chế tạo, Kỹ thuật tin học, Cơ khí động lực, Điện tử dân dụng, Kỹ thuật may) với số lượng khoảng 600 học sinh, sinh viên mỗi năm. Tuy nhiên, đến thời điểm này, trường đang giảng dạy hơn 1.200 học sinh, sinh viên mỗi năm với 12 ngành. Trường đang làm thủ tục mở thêm 6 ngành mới: May thời trang; Thiết kế thời trang; Sửa chữa thiết bị may; Vận hành, sửa chữa thiết bị lạnh; Kế toán, lao động tiền lương và bảo hiểm xã hội; Kế toán tin học, nhằm đa dạng hóa ngành nghề, đáp ứng yêu cầu ngày càng đa dạng của thị trường lao động hiện nay”.

Thầy Thịnh cho hay, từ điều kiện cơ sở vật chất được đầu tư, trường chủ động đào tạo gắn với doanh nghiệp, trang bị thêm máy móc, thiết bị với công nghệ hiện đại, đào tạo chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, thường xuyên cập nhật, đổi mới chương trình, giáo trình, từng bước mở rộng ngành nghề, tăng quy mô đào tạo. Nhờ đó, trường được lựa chọn đầu tư 5 nghề trọng điểm để đào tạo nguồn nhân lực đạt chuẩn ở cả 3 cấp độ: Quốc gia, khu vực ASEAN và quốc tế. Theo những cuộc khảo sát các năm gần đây, tỷ lệ học sinh, sinh viên của trường tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp ngày càng tăng. Năm 2016, có 97% học sinh, sinh viên trường tìm được việc làm sau tốt nghiệp. Con số đó nói lên hiệu quả thiết thực của công trình trọng điểm mà NQ Đại hội VIII Đảng bộ tỉnh đề ra.

Tàu cập cảng quốc tế Long AnTại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, Bí thư Tỉnh ủy - Phạm Văn Rạnh khẳng định, các chương trình đột phá, công trình trọng điểm của nhiệm kỳ đạt kết quả quan trọng. Kết cấu hạ tầng ngày càng hoàn thiện; bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới; đời sống người dân được cải thiện, văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ,... Phát huy lợi thế đó, nhiệm kỳ 2015-2020, Long An tiếp tục thực hiện 2 chương trình đột phá và 3 công trình trọng điểm. Sức bật từ các chương trình đột phá, công trình trọng điểm góp phần quan trọng xây dựng nền tảng để tỉnh nhà phát triển nhanh, bền vững./.

Thanh Nga - Phương Phương

Chia sẻ bài viết