Tiếng Việt | English

16/05/2018 - 01:45

Sức sống nhạc Trịnh

Đắm chìm vào tình ca Trịnh Công Sơn, người nghe như tìm thấy chính mình trong đó. Bởi, bao nhiêu đắng cay, ngọt ngào, vui, buồn của kiếp người, của cuộc sống, Trịnh đều gửi hết vào ý nhạc. Nghe nhạc Trịnh không phải để buồn mà để được an ủi, vỗ về, chia sẻ, có thêm niềm tin yêu.

Tự sự với Trịnh Công Sơn

17 năm, nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh rời “cõi tạm” nhưng những “đứa con tinh thần” của ông vẫn được hàng triệu trái tim yêu nhạc đón nhận. Cảm nhận sức sống nhạc Trịnh vẫn mãnh liệt, nhà thơ Trần Đăng Khoa viết: “Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ có nhiều người hâm mộ nhất. Đi đến đâu, tôi cũng thấy người ta hát ca khúc của anh. Nhạc Trịnh không chỉ ngự trị khắp mọi xó xỉnh của xứ Việt này mà còn len lỏi đến tận những ngóc ngách sâu thẳm nhất trong cõi tinh thần của người Việt ở hải ngoại. Dường như ở đâu, Trịnh Công Sơn cũng có người yêu mến”.

Nhạc Trịnh không “kén” người nghe. Người lớn tuổi, trung niên, thanh niên, giàu, nghèo, địa vị cao hay thấp đều thuộc, say mê nghe và hát nhạc Trịnh. Yêu nhạc Trịnh từ thuở sinh viên, mỗi lần nghe những giai điệu trữ tình, lãng mạn ấy, chị Nguyễn Thị Thu Hà - nhân viên Ngân hàng Nam Á, TP.HCM, như cảm nhận một phần cuộc sống mà mình từng “chạm” phải và trải qua. “30 tuổi đời chưa phải là già nhưng cũng trải qua nhiều thăng, trầm trong cuộc sống. Vì vậy, mỗi lần nghe nhạc Trịnh, tôi cảm nhận phảng phất trong đó lời tự sự của mình. Khi cuộc sống có biến cố, tìm đến nhạc Trịnh là tìm đến cõi riêng cho mình. Cuộc sống bây giờ tất bật, bon chen nên rất cần những phút giây lắng lòng như vậy!” - chị Hà chia sẻ.

17 năm, nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh rời “cõi tạm” nhưng những “đứa con tinh thần” của ông vẫn được hàng triệu trái tim yêu nhạc đón nhận. Ảnh: Internet

Nhạc Trịnh tuy không kén người nghe nhưng càng trưởng thành, đi qua đủ cung bậc cảm xúc hỷ, nộ, ái, ố trong cuộc đời thì càng “ngấm” mỗi khi thưởng thức. Còn tuổi nào cho em là một câu chuyện cảm xúc từ thuở đôi mươi đến khi tóc đã hai màu. Người nghe cảm thấy man mác, cảm hoài,... bởi những câu hát trữ tình, lãng mạn: Tuổi nào nhìn lá vàng úa chiều nay. Tuổi nào ngồi hát mây bay ngang trời. Tay măng trôi trên vùng tóc dài. Bao nhiêu cơn mơ vừa tuổi này. Tuổi nào ngơ ngác tìm tiếng gió heo may. Đó là những mơ mộng của tuổi trẻ thoáng qua mau, lúc tuổi xế chiều lại nuối tiếc, hoài niệm: Tuổi nào vừa thoáng buồn áo gầy vai. Tuổi nào ghi dấu chân chim qua trời... Ôi buồn! Tuổi nào ngồi khóc tình đã nghìn thu. Tuổi nào mơ kết mây trong sương mù. Xin chân em qua từng phiến ngà. Xin mây xe thêm màu áo lụa. Tuổi nào thôi hết từng tháng năm mong chờ...

Đôi khi, nghe nhạc Trịnh còn để tìm thấy chính mình trong nhiều khúc hát. “Không còn ai. Đường về ôi quá dài. Những đêm xa người. Chén rượu cay. Một đời tôi uống hoài. Trả lại từng tin vui. Cho nhân gian chờ đợi”. Dù bất cứ điều gì, sự chờ đợi luôn khắc khoải, thấp thỏm, hy vọng; có khi là nuối tiếc, hoài nghi... Và, đời người, có lẽ ai cũng một lần chờ đợi, để rồi khi nghe Phôi pha của Trịnh, những cảm xúc ấy lại đến.

Đậm triết lý

Ngoài tính tự sự, sẽ thiếu sót khi nói đến nhạc Trịnh mà không nhắc chất triết lý. Nhiều người yêu nhạc Trịnh cho rằng, triết lý trong nhạc Trịnh mang hơi hướng Triết học, đậm chất thiền với những ca từ: Cát bụi, cõi tạm, hư vô, đường trần,... Suy cho cùng, triết lý trong nhạc Trịnh mang tính nhân văn, hướng con người đến những giá trị chân - thiện - mỹ, thêm tin yêu cuộc sống.
“Bất cứ bài hát nào của Trịnh cũng mang tính triết lý nhẹ nhàng, đặc biệt, triết lý Phật giáo khá sâu sắc. Câu kết trong bài Mưa hồng  - “cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ” như một lời nhắn gửi: Cuộc đời ngắn ngủi lắm, phải sống yêu thương, tử tế với nhau để yêu thương nối dài yêu thương” - chị Thu Hà bộc bạch.

Còn chị Trần Thị Hiếu - giảng viên trường Đại học Đồng Nai (TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) trải lòng: “Ca từ trong nhạc Trịnh rất hay vì trong nhạc có thơ, có họa và mang vẻ đẹp của triết lý, sự chiêm nghiệm, cao thượng, bao dung. Khi nghe nhạc Trịnh, tôi thấy mình đi đến tận cùng của nỗi đau. Và những nỗi buồn của mình thật nhỏ bé nên lại yêu đời và yêu người. Cuộc đời vẫn đẹp dù còn nhiều khắc nghiệt!”.

“Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng. Nắng vàng phai như một nỗi đời riêng. Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng” - bài hát Tôi ơi đừng tuyệt vọng như lời nhắn nhủ, năn nỉ, vỗ về chính mình. Dù có những lúc, cuộc đời không đãi ngộ chúng ta nhưng nó vẫn đẹp vô cùng, niềm tuyệt vọng nào rồi cũng có lối thoát như Trịnh viết: “Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh. Có đường xa và nắng chiều quạnh quẽ. Có hồn ai đang nhè nhẹ sầu đêm” (Tôi ơi đừng tuyệt vọng)” - chị Hiếu dẫn chứng.

Nhạc Trịnh nhìn nhận đầy đủ hai mặt của cuộc đời: Đẹp-buồn, yêu-đau,... nhưng không làm người nghe chơi vơi trong nỗi buồn mà ngược lại, mỗi bài hát khép lại là một thông điệp nhân văn, ý nghĩa về cuộc đời, kiếp người mở ra. Nói như nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường: “... Có một văn hóa Trịnh Công Sơn. Đúng thế, Trịnh Công Sơn ảnh hưởng đến tâm hồn người Việt như một văn hóa. Người ta thấy trong đó một cách yêu, cách sống, cách ứng xử với quê hương, với đất nước, với chiến tranh, với hòa bình, với thiên nhiên, với lịch sử, với sự sống, với cái chết, với thực tại, với hư vô... Nó làm giàu thêm, đẹp thêm cho lối sống Việt, văn hóa Việt".

Và, có lẽ, nhiều người vẫn nằm lòng câu hát “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng...” trong bài Để gió cuốn đi mang đậm tình yêu thương giữa những kiếp người. Nếu mở đầu khúc hát như lời khẳng định thì cuối bài lại là lời kêu gọi, nhắc nhở: “Hãy yêu ngày tới. Dù quá mệt kiếp người”. Đúng như Trịnh viết, một kiếp người không hoàn toàn suôn sẻ, may mắn, vui tươi mà còn những mệt nhoài, vất vả, long đong. Nhưng, dù thế nào thì “còn cuộc đời ta cứ vui”. Câu hát xoa dịu niềm tuyệt vọng, gieo vào lòng người niềm lạc quan vui sống.

Nhạc Trịnh không đơn thuần là âm nhạc mà đó còn là triết lý nhân sinh quan sâu sắc. Những ca khúc trữ tình, lãng mạn của nhạc sĩ tài hoa người Huế trở nên bất hủ trong lòng người yêu nhạc bởi những giá trị như vậy!

Thùy Vy

Chia sẻ bài viết