Tiếng Việt | English

14/10/2019 - 15:02

Tác phẩm Dân vận của Bác – Cương lĩnh công tác dân vận của Đảng

Sáng 14/10, Ban Dân vận Trung ương phối hợp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo trực tuyến toàn quốc với chủ đề 70 năm tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và trao giải cuộc thi viết về tấm gương Dân vận khéo năm 2019.

Đại biểu dự hội thảo tại điểm cầu Long An

Dự hội thảo tại điểm cầu Trung ương có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư – Trần Quốc Vượng; Trưởng ban Tổ chức Trung ương - Phạm Minh Chính; Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương - Võ Văn Thưởng; Trưởng ban Dân vận Trung ương - Trương Thị Mai; Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Nguyễn Xuân Thắng.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh – Phạm Văn Rạnh dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Long An.

Ngày 15/10/1949, trên báo Sự Thật, số 120 đã đăng bài báo “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh (với bút danh X.Y.Z). Tác phẩm có nội dung rất ngắn gọn, ngôn ngữ mộc mạc, giản dị, thiết thực, dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ làm theo, phù hợp với trình độ của cán bộ, đảng viên và nhân dân ta. Nhưng trong đó, hàm chứa tầm vóc tư tưởng của một tác phẩm lớn, thể hiện tầm cao trí tuệ, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận.

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ra đời tác phẩm Dân vận, Ban Dân vận Trung ương và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề 70 năm tác phẩm Dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là dịp để một lần nữa chúng ta tiếp tục nhận thức và quán triệt sâu sắc hơn những di huấn của Người về công tác dân vận, về giá trị lý luận và thực tiễn to lớn, bền vững của tác phẩm Dân vận, đồng thời nhìn lại công tác dân vận trong 70 năm qua theo lời căn dặn của Người.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, tác phẩm Dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh mặc dù không đồ sộ về dung lượng nhưng đã thể hiện những quan điểm, nhận thức mới về vai trò, sức mạnh to lớn của nhân dân, về tầm quan trọng của công tác dân vận và những chỉ dẫn quý báu cho toàn Đảng, cho mỗi cán bộ, đảng viên về phương pháp, cách thức dân vận; những yêu cầu phải thực hiện để tập hợp được đông đảo lực lượng nhân dân, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc cho công cuộc kháng chiến kiến quốc, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc cách mạng Việt Nam do Đảng ta lãnh đạo.

Từ những bài học thành công và những bài học kinh nghiệm trong công tác dân vận của Đảng trong 70 năm qua, đứng trước các yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu, lan tỏa ánh sáng tư tưởng dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phát triển đường lối dân vận của Đảng ta phù hợp, hiệu quả trong tình hình mới. Đặc biệt, cần quán triệt, vận dụng tư tưởng dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Hội thảo là dịp để chúng ta tiếp tục nhận thức và quán triệt sâu sắc hơn những di huấn của Người về công tác dân vận

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, làm sâu sắc thêm giá trị to lớn của tác phẩm Dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh; tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thông qua tác phẩm Dân vận; dân vận khéo theo tư tưởng Hồ Chí Minh - giá trị lý luận và thực tiễn; những quan điểm cơ bản của Chủ tịch Hồ Chí Minh về dân vận; vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về dân vận vào thực tiễn;…

Nhân dịp này, Ban Dân vận Trung ương trao giải thưởng cho 50 tác phẩm xuất sắc nhất được chọn vào vòng chung khảo trong số 1.120 tác phẩm tham dự cuộc thi viết về tấm gương Dân vận khéo (giai đoạn 2017-2020) của năm 2019. Trong đó, có 19 tác phẩm báo in, 8 tác phẩm báo điện tử, 15 tác phẩm báo hình và 8 tác phẩm báo nói. Tác phẩm “Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới” của tác giả An Kỳ (Báo Long An) cũng được khen thưởng trong đợt này.

Bế mạc hội thảo, Trưởng ban Dân vận Trung ương - Trương Thị Mai yêu cầu, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể phải tiếp tục đổi mới công tác dân vận, làm sao cho công tác vận động các tầng lớp nhân dân phải càng ngày càng đi vào thực chất, lấy sự hài lòng, niềm tin yêu của nhân dân là thước đo kết quả công tác của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị. Niềm tin đó của nhân dân là sức mạnh để Đảng tiếp tục lãnh đạo đất nước, dân tộc vượt qua thách thức, đạt được những mục tiêu phát triển trong giai đoạn tiếp theo./.

Kỳ Nam

Chia sẻ bài viết