Tiếng Việt | English

08/06/2015 - 10:33

Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp: Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, tập trung nguồn lực đầu tư

Sau hơn 1 năm thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp,bước đầu đạt kết quả khả quan, nhiều cây trồng chuyển đổi có hiệu quả kinh tế cao, thu nhập nông dân tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, việc rà soát, điều chỉnh,bổ sung quy hoạch nhằm tập trung nguồn lực đầu tư cần tiếp tục được thực hiện. Đoàn cán bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Ban Kinh tế Trung ương do Thứ trưởng Trần Thanh Nam làm Trưởng đoàn vừa có cuộc làm việc với Long An về thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Cùng tham dự có Phó ban Chỉ đạo Tây Nam bộ - Dương Quốc Xuân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Thanh Nguyên.

Thanh long - loại cây chuyển đổi cho hiệu quả kinh tế cao Ảnh: Hồng Anh

Tái cơ cấu Nông nghiệp-những thành công bước đầu

Giám đốc Sở NN&PTNT - Lê Văn Hoàng cho biết, sau hơn 1 năm thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành, bước đầu rất khả quan, nhiều cây trồng chuyển đổi có hiệu quả kinh tế cao, thu nhập của nông dân tăng lên đáng kể. Điển hình như người trồng thanh long, chanh có thu nhập từ 150-500 triệu đồng/ha/năm, góp phần quan trọng cho việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Trên cơ sở quy hoạch được duyệt, ngành đã tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng thủy lợi, chọn giống và chuyển giao khoa học-kỹ thuật. Đến nay, toàn tỉnh bước đầu đã đầu tư cơ bản và hình thành các vùng sản xuất hàng hóa nông sản tập trung theo lợi thế từng vùng sinh thái. Theo đó, Long An có 4 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung. Vùng I ở khu vực Đồng Tháp Mười - phát triển lúa cao sản xuất khẩu có diện tích tự nhiên khoảng 198.000ha, ở vùng này còn một số diện tích đất xám sẽ luân canh lúa màu, trồng tràm, nuôi thủy sản nước ngọt; vùng II ở các huyện Đức Huệ, Thủ Thừa là vùng phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả và đa dạng hóa cây trồng có diện tích tự nhiên khoảng 103.000ha, chủ yếu trồng mía, chanh, khoai mỡ, thơm, lúa cao sản, trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản nước ngọt; vùng III phát triển nông nghiệp ven đô như Tân An, Tân Trụ, Châu Thành, có diện tích tự nhiên khoảng 40.000ha, chủ yếu trồng thanh long, lúa, nếp đặc sản, rau an toàn; vùng IV là vùng giáp ranh TP.HCM - vùng chịu ảnh hưởng nặng của công nghiệp hóa và đô thị hóa, có diện tích khoảng 106.000ha như Đức Hòa, Cần Đước, Cần Giuộc, chủ yếu nuôi thủy sản nước lợ, trồng rau an toàn, đậu phộng, lúa đặc sản,...

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nền đất lúa được Long An quan tâm thực hiện tốt. Tổng diện tích gieo sạ lúa năm 2014 đạt 519.126ha trên kế hoạch 518.100ha, giảm 8.533ha so với cùng kỳ do chuyển sang trồng thanh long, chanh, bắp và một số cây trồng khác. Sản lượng lúa thu hoạch đạt 2.860.529 tấn trên kế hoạch 2,8 triệu tấn, tăng 44.456 tấn so với năm 2013; trong đó, lúa chất lượng cao đạt 744.000 tấn, đạt trên 26% so với tổng sản lượng. Tỉnh cũng có nhiều chính sách hỗ trợ cho trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản.

Về Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, từ năm 2011-2014, toàn tỉnh đã huy động được 13.324 tỉ đồng để triển khai thực hiện chương trình, trong đó lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn tỉnh 6.455 tỉ đồng (chiếm 48,5%), vốn huy động từ cộng đồng dân cư 4.626 tỉ đồng (chiếm 34,7%), vốn tín dụng 1.754 tỉ đồng (chiếm 13,2%), vốn ngân sách hỗ trợ trực tiếp của chương trình 259,8 tỉ đồng (chiếm 1,9%), vốn huy động từ doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế 227,7 tỉ đồng (chiếm 1,7%). Tính đến tháng 5-2015, số tiêu chí bình quân/xã của toàn tỉnh là 14 tiêu chí/xã. Đã có 36 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới.

Chanh - loại cây chuyển đổi mang lại hiệu quả kinh tế cao Ảnh: Kỳ Nam

Những khó khăn cần tháo gỡ

Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, vấn đề lớn nhất trong tái cơ cấu là thị trường, đầu ra sản phẩm nông nghiệp chưa ổn định, giá thành sản xuất cao, chất lượng nông sản hàng hóa còn thấp; việc giữa nông dân và doanh nghiệp kết nối, tiêu thụ lúa trong cánh đồng lớn còn chưa có tiếng nói chung; hợp tác xã (HTX) vẫn còn nhiều khó khăn trong hoạt động nên khó thu hút xã viên cùng tham gia và phát triển;...

Giám đốc Cty TNHH MTV Hoàng Huy - Nguyễn Khắc Huy cho biết, năng lực sản xuất của nông dân và công suất nhà máy xử lý trái thanh long cùng các loại trái cây khác như xoài, vú sữa, chôm chôm,... tại Long An cũng như các địa phương khác rất lớn nhưng tiêu thụ chưa nhiều do chưa tiếp cận được thị trường ngoài các nước truyền thống. Bên cạnh đó, chi phí sản xuất nông sản hiện nay còn khá cao do hầu hết các công đoạn đều làm bằng thủ công, dẫn đến đầu ra sản phẩm có giá thành cao, khó cạnh tranh được với các nước trong khu vực. Ông Khắc Huy đề xuất, Việt Nam cần mở rộng thêm thị trường tiêu thụ nông sản ở các nước tiên tiến.

Đại diện HTX Gò Gòn, huyện Tân Hưng cho biết, thời gian qua, HTX phối hợp cùng doanh nghiệp để thực hiện cánh đồng lớn rất hiệu quả. Nếu lãnh đạo HTX làm tốt vai trò người đại diện với nông dân thì không thể xảy ra tình trạng “bẻ cò” với doanh nghiệp. Cũng như giữa doanh nghiệp, HTX, nông dân cùng hợp tác trên tinh thần 3 bên cùng có lợi thì nông dân không thể “bẻ cò”. Vì vậy, cần có quy ước về mua bán giữa doanh nghiệp và HTX. Bên cạnh đó, HTX cũng nêu lên khó khăn chung của hầu hết loại hình kinh tế hợp tác này là thiếu vốn sản xuất. Vốn để sản xuất, quay vòng và đầu tư cho nông dân trong cánh đồng lớn cũng là ý kiến của nhiều doanh nghiệp đang thực hiện mô hình này.

Trước những khó khăn trên, Long An kiến nghị Bộ NN&PTNT tiếp tục hỗ trợ vốn nhằm tiếp tục thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm phục vụ phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho nông dân.

Phó ban Chỉ đạo Tây Nam bộ - Dương Quốc Xuân đánh giá cao những kết quả mà Long An đã thực hiện trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp. Thời gian tới, cần phát huy những kết quả đã đạt và tiếp tục thực hiện các giải pháp tái cơ cấu ngành, xây dựng hạ tầng nông thôn, duy trì các tiêu chí nông thôn mới; kết nối với các địa phương lân cận, trong vùng để tiêu thụ nông sản; chú trọng thu hút ngành công nghiệp phục vụ trong nông nghiệp.

Kết luận tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - Trần Thanh Nam ghi nhận những đề xuất của địa phương. Đồng thời, ông yêu cầu trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, Long An tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch nhằm tập trung nguồn lực đầu tư; tăng cường nghiên cứu tạo ra giống cây trồng, vật nuôi mới, phù hợp và chuyển giao khoa học-kỹ thuật để hạ giá thành sản xuất, nâng chất lượng hàng hóa theo hướng xuất khẩu; xây dựng cánh đồng lớn và tăng cường xây dựng HTX nông nghiệp kiểu mới. Ông cho biết, Bộ NN&PTNT đang nghiên cứu và sẽ sớm ban hành chính sách để thúc đẩy loại hình kinh tế HTX thông qua nguồn vốn tín dụng, đất sản xuất, hỗ trợ hạ tầng sản xuất và nguồn nhân lực có tay nghề phục vụ HTX./.

Gia Hân

Chia sẻ bài viết