Tiếng Việt | English

01/08/2018 - 09:21

Tai nạn lao động - nỗi đau còn đó: Kỳ 1 - Sau những vụ tai nạn lao động

Tai nạn lao động xảy ra, để lại nhiều hệ lụy đau lòng cho gia đình và xã hội. Vì vậy, ngoài sự vào cuộc của ngành chức năng, người sử dụng lao động và người lao động phải nâng cao nhận thức nhằm hạn chế tai nạn lao động đáng tiếc xảy ra.

Chỉ vì một phút bất cẩn hay sự cố xảy ra ngoài ý muốn, nhiều nạn nhân của tai nạn lao động (TNLĐ) vĩnh viễn ra đi, người mang thương tật suốt đời, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Mất đi trụ cột

TNLĐ xảy ra gây tổn hại đến tính mạng, sức khỏe con người, khiến cuộc sống của nhiều gia đình bị đảo lộn. Hoạt động sản xuất của doanh nghiệp vì thế cũng gián đoạn, uy tín bị ảnh hưởng xấu. Theo thống kê của Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), năm 2017, toàn tỉnh Long An có 15 trường hợp bị TNLĐ; 6 tháng đầu năm 2018 có 5 trường hợp. Đây là những con số được thống kê, còn trên thực tế, một số vụ TNLĐ xảy ra nhưng vì chủ sử dụng lao động sợ trách nhiệm, không báo cáo với cơ quan chức năng. Thậm chí, một số chủ sử dụng lao động tìm cách thỏa thuận với người bị nạn hoặc gia đình nạn nhân để hỗ trợ một khoản tiền nhất định và đề nghị không khai báo với các cơ quan chức năng.

Sau tai nạn, mọi sinh hoạt của anh Phạm Văn Thu phải phụ thuộc vào người thân

Sau tai nạn, mọi sinh hoạt của anh Phạm Văn Thu phải phụ thuộc vào người thân 

16 năm trước, trên đường đi công tác, anh Phạm Văn Thu - nhân viên kỹ thuật Công ty Công trình đô thị huyện Bến Lức, không may gặp tai nạn giao thông, bị chấn thương đốt sống cổ, mất 93% sức lao động. Kể từ ngày đó, gia đình gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Mẹ anh - bà Phạm Thị Tư, năm nay ngoài 80 tuổi, vẫn ngày ngày chăm sóc con. Bà Tư chia sẻ: “Từ khi con trai bị tai nạn, mọi chi tiêu trong nhà đều trông chờ vào tiền lương công nhân ít ỏi của con dâu. Tuổi đã cao, tôi chỉ mong có sức khỏe để chăm sóc con được ngày nào hay ngày ấy”.

Với những người mẹ, người cha, không gì đau đớn bằng cảnh “người đầu bạc khóc kẻ đầu xanh”. Gần 1 năm trôi qua nhưng bà T.T.B (xã Vĩnh Châu B, huyện Tân Hưng) vẫn chưa nguôi ngoai nỗi đau mất con. Bà cho biết: “Dây điện của máy gặt đập liên hợp bị đứt trong lúc đang thu hoạch lúa, con trai tôi dùng tay cuốn dây điện lại khi chưa cúp cầu dao nên bị tai nạn điện. Đến bây giờ, cả nhà vẫn không dám tin đó là sự thật”.

Gánh nặng cả đời

Căn nhà nhỏ của gia đình anh Nguyễn Văn Hùng nằm sâu trong con hẻm nhỏ ở ấp 5, xã Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ. Hơn 23 năm trước, anh là sĩ quan công an, công tác tại Công an tỉnh. Thế nhưng, vụ tai nạn giao thông xảy ra trên đường làm nhiệm vụ đã cướp đi sức khỏe, công việc của anh. Từ một chàng trai khỏe mạnh, anh Hùng bị liệt nửa người. Tất cả sinh hoạt hàng ngày phải phụ thuộc vào người chị ruột.

Anh Nguyễn Quốc Tuấn chỉ có thể san sẻ cùng vợ những việc nội trợ, nuôi dạy con do bị mất 81% sức lao động

Vụ tai nạn khiến anh Nguyễn Văn Hùng (bìa trái) bị liệt nửa người 

Chị Nguyễn Thị Tuyết chia sẻ: “May mắn thoát chết sau vụ tai nạn nhưng em trai tôi phải nằm một chỗ. Nếu không bị tai nạn, có lẽ, em trai tôi đã có gia đình riêng, công việc ổn định. Nhìn em, tôi rất đau lòng!”.

Nhiều người thường nói “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” nhưng với anh Nguyễn Quốc Tuấn (ngụ ấp 1, xã Tân Bửu, huyện Bến Lức) thì ngược lại. Chỉ vì một phút bất cẩn trong lúc làm việc, anh phải mang thương tật suốt đời. Anh Tuấn tâm sự: “Năm 2013, khi đang lắp ráp nhà xưởng, do trục trặc kỹ thuật nên tôi bị trượt chân rơi xuống đất. Cú rơi từ độ cao hơn 13m khiến tôi bị gãy chân trái và 3 đốt sống lưng. Vì mất sức lao động 81%, tôi chỉ có thể san sẻ việc nội trợ, nuôi dạy con, còn lại hầu như mình vợ phải gánh vác”.

Anh Nguyễn Quốc Tuấn chỉ có thể san sẻ cùng vợ những việc nội trợ, nuôi dạy con do bị mất 81% sức lao động

Anh Nguyễn Quốc Tuấn chỉ có thể san sẻ cùng vợ những việc nội trợ, nuôi dạy con do bị mất 81% sức lao động

TNLĐ xảy ra để lại những hậu quả nghiêm trọng khiến người lao động rơi vào cảnh thất nghiệp, tật nguyền, có khi mất đi mạng sống, gây thiệt hại rất lớn cho gia đình và xã hội. Sau mỗi vụ TNLĐ là nỗi đau dai dẳng!

(còn tiếp)

Kỳ 2: Trách nhiệm không của riêng ai

Ngọc Mận-Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết