Tiếng Việt | English

29/04/2017 - 10:53

Kỷ niệm 42 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2017)

Tài thao lược của Đại tướng Văn Tiến Dũng

Dưới sự chỉ đạo của Đại tướng Văn Tiến Dũng, chỉ sau 5 ngày tiến công chiến dịch Hồ Chí Minh đã kết thúc thắng lợi, miền Nam được hoàn toàn giải phóng.

Kỷ niệm 42 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm nay cũng là dịp Đảng, Nhà nước và Quân đội ta kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Văn Tiến Dũng (2/5/1917) - người đã góp phần quan trọng làm nên đại thắng mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Giữ cương vị Tổng tham mưu trưởng Quân đội suốt 25 năm, trong đó gắn trọn với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kéo dài 21 năm, Đại tướng Văn Tiến Dũng để lại những dấu ấn không phai trong mỗi thắng lợi vẻ vang trên chiến trường và cả trong lòng binh sĩ.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Văn Tiến Dũng gặp lại nhau sau giải phóng Sài Gòn, ngày 5/5/1975

Cuộc đời của Đại tướng Văn Tiến Dũng gắn liền với những cống hiến to lớn cho cách mạng Việt Nam, từ kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược cho tới công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc sau này.

Nếu như trong kháng chiến chống Pháp, tài năng quân sự của Đại tướng Văn Tiến Dũng được thể hiện rõ nét khi ông giữ vai trò chỉ huy Đại đoàn 320 hoạt động trên chiến trường Bắc Bộ thì đến kháng chiến chống Mỹ, dấu ấn của ông lại thể hiện sâu đậm khi trực tiếp chỉ đạo các chiến dịch có tính quyết định đối với thắng lợi cuối cùng.

Đó là Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào (1971), Chiến dịch Trị - Thiên (1972), Chiến dịch Tây Nguyên (1975).

Chiến thắng của các chiến dịch này đã làm xoay chuyển cục diện chiến trường, cục diện chiến tranh, đưa địch vào thế cô lập, bị động. Thắng lợi của các chiến dịch trên đã tạo thế và lực quan trọng để tiến tới Tổng tiến công mùa xuân năm 1975, làm tiến đề để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ấn tượng về mưu kế thế trận của Đại tướng Văn Tiến Dũng, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu - nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng từng trực tiếp tham gia các trận đánh dưới sự chỉ đạo của Đại tướng Văn Tiến Dũng nhớ lại: “Trong cách đánh của chiến dịch đường 9 Nam –Lào, cách đánh của ta là hiệp đồng binh chủng với sức mạnh của ba thứ quân, bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích. Nhưng cái tài để chỉ đạo điều khiển chiến dịch, chính là thực hiện chia cắt, đánh thọc sâu, chia cắt bao vây. Đấy chính là nghệ thuật, mưu kế và thế trận”.

Đặc biệt trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tài thao lược của Đại tướng Văn Tiến Dũng đã cùng với nhiều tướng lĩnh khác đã góp phần làm nên thắng lợi hoàn toàn, đưa đất nước ta sang trang mới.

Ngày 6/4/1975, Bộ Chính trị ra quyết định thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh, do Đại tướng Văn Tiến Dũng - Tổng tham mưu trưởng làm Tư lệnh.

Dưới sự chỉ đạo của ông, chỉ sau 5 ngày tiến công (26-30/04/1975) chiến dịch Hồ Chí Minh đã kết thúc thắng lợi, miền Nam được hoàn toàn giải phóng.

Theo phân tích của các tướng lĩnh, việc điều khiển 5 cánh quân từ 5 hướng cùng tiến vào bao vây cơ quan đầu não của địch ở Sài Gòn - Gia Định, là đợt tiến công rất lớn và quy mô.

Những binh đoàn từ Bắc, Trị Thiên đến Tây Nguyên và Khu 5, lại xuất phát vào những thời điểm khác nhau, đi trên nhiều trục đường, xử lý tình huống tấn công mở đường khác nhau nhưng Đại tướng Văn Tiến Dũng đã tính toán, chỉ đạo thống nhất để tất cả hành quân tiến kịp thời về Sài Gòn và phối hợp ăn ý.

Trung Tướng Đồng Sỹ Nguyên – cựu Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng - Tư Lệnh binh đoàn Trường Sơn rất tâm đắc về điều này: “Đại tướng Văn Tiến Dũng có những cách nhận định, đánh giá về địch rất đúng. Thực hiện được đoàn kết rất chặt chẽ giữa các quân, binh chủng. Đối với địch thì rất kiên quyết, khi đã hạ quyết tâm ở đâu thì đánh bằng được. Đó là đặc trưng của đồng chí Văn Tiến Dũng.”

Không chỉ ấn tượng về tài thao lược trên chiến trường, Đại tướng Văn Tiến Dũng còn để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng những người may mắn được làm việc trực tiếp với ông.

Đại tá Lê Hoa - Thư ký của Đại tướng Văn Tiến Dũng kể: Khi đến làm việc ở đơn vị nào, bao giờ Đại tướng cũng hỏi thăm tình hình sức khỏe của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, đi kiểm tra, xem xét trực tiếp điều kiện ăn, ở của bộ đội.

Đại tướng luôn quan tâm, trăn trở làm sao để chăm lo đời sống cho cán bộ, chiến sĩ. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tình hình kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, vì vậy Đại tướng luôn nhắc nhở cán bộ lãnh đạo Tổng cục Hậu cần và các đơn vị trong toàn quân tìm mọi biện pháp để lao động, sản xuất, tăng gia cải thiện và từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho bộ đội.

Đại tá Lê Hoa kể: “Trong cuộc sống đời thường, Đại tướng sống rất giản dị, rất quan tâm tới cán bộ chiến sĩ. Thời kỳ chiến tranh chống Mỹ cứu nước, đời sống nhân dân và cán bộ chiến sĩ rất khó khăn. Trước tình hình đó, Đại tướng khuyên cán bộ không nên tổ chức những buổi tiệc tùng to lớn ảnh hưởng mà nên quan tâm đến đời sống cán bộ chiến sĩ”.

Thập niên 1980, trên cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Phó Bí thư thứ Nhất, rồi Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã tập trung chỉ đạo xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu, tăng cường khả năng phòng thủ đất nước, làm thất bại thủ đoạn chiến tranh phá hoại nhiều mặt của các thế lực thù địch; đồng thời, cứu giúp nhân dân Campuchia đánh đổ tập đoàn phản động Khmer đỏ, góp phần to lớn vào việc củng cố, tăng cường tình đoàn kết giữa ba nước Đông Dương.

Nhớ về ông là nhớ về vị tướng mưu lược có tầm nhìn xa trông rộng, đã phát triển đường lối và nghệ thuật quân sự của Đảng, phù hợp với từng chiến trường và giành thắng lợi vẻ vang. Nhớ về ông là nhớ về tấm gương trong sáng của người cộng sản tận trung với nước, tận hiếu với dân./.

Nguyên Nhung/VOV.VN

Chia sẻ bài viết