Tiếng Việt | English

25/03/2019 - 10:02

Tâm huyết với công tác xã hội

Với tâm niệm “Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”, nhiều tập thể, cá nhân tích cực với công tác xã hội (CTXH) nhằm giúp những mảnh đời kém may mắn vươn lên trong cuộc sống.

Điểm tựa cho bệnh nhân

Năm 2015, Tổ CTXH thuộc Bệnh viện Tâm thần Long An được thành lập với 6 cán bộ, y, bác sĩ tham gia. Nhiệm vụ của tổ là hỗ trợ tư vấn cho bệnh nhân và gia đình bệnh nhân; chăm lo và giải quyết các vấn đề xã hội theo luật; xây dựng thông tin tuyên truyền; công tác từ thiện và tiếp công dân. Đến nay, hoạt động của tổ đi vào nề nếp và có sức lan tỏa rất lớn. 

Chia sẻ, động viên bệnh nhân tâm thần là cách giúp bệnh nhân sớm hồi phục

Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Long An - bác sĩ Nguyễn Đình Mỹ cho biết: “Bệnh viện đặt ra nhiều quy tắc hoạt động từ thiện khác nhau. Cụ thể, đối với mạnh thường quân, nhà hảo tâm muốn đến bệnh viện làm từ thiện phải thông qua Tổ CTXH và được sự đồng ý của lãnh đạo bệnh viện. Phương châm làm việc của cán bộ, y, bác sĩ trong Tổ CTXH nói riêng, bệnh viện nói chung phải đặt chữ “tâm” và đạo đức nghề nghiệp lên trên tất cả”.

Tất cả cán bộ, y, bác sĩ làm việc tại Tổ CTXH chủ yếu là kiêm nhiệm và không được hưởng trợ cấp nhưng không vì thế mà hoạt động CTXH tại bệnh viện trầm lắng. Năm 2018, Tổ CTXH phối hợp các địa phương tìm được người nhà của hơn 30 đối tượng bị bệnh tâm thần đi lang thang; thực hiện thùng từ thiện giúp đỡ bệnh nhân nghèo; vận động 2 bếp ăn đăng ký phát cơm miễn phí cho gia đình bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn,... Điểm khác biệt giữa CTXH tại Bệnh viện Tâm thần Long An và các bệnh viên khác là hỗ trợ các vấn đề tâm lý cho bệnh nhân và gia đình bệnh nhân. Đây được xem là phương pháp điều trị rất hiệu quả đối với bệnh nhân tâm thần.

Tổ trưởng Tổ CTXH - Trần Văn Phương cho biết: “Bệnh nhân tâm thần chủ yếu chia làm 2 dạng: Tổn thương thực thể và sang chấn tâm lý. Theo đó, bệnh nhân bị sang chấn tâm lý cần được quan tâm, chăm sóc và đồng cảm nhiều hơn bởi trong cuộc sống họ gặp một cú sốc tâm lý dẫn đến bị bệnh tâm thần. Thế nên, các y, bác sĩ phải mềm mỏng và hiểu được tâm lý của người bệnh, đồng thời tư vấn cho người nhà bệnh nhân cách chăm sóc người bệnh”.

Tư vấn tâm lý là công việc đặc thù của Tổ Công tác xã hội, Bệnh viện Tâm thần Long An

Bệnh viện Tâm thần Long An không chỉ là nơi điều trị bệnh mà còn là chỗ dựa về tâm lý cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, giúp họ an tâm điều trị, sớm phục hồi sức khỏe, trở lại cuộc sống đời thường.

“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai”

Lời bài hát Một đời người, một rừng cây của nhạc sĩ Trần Long Ẩn cũng là “tiếng lòng” của cán bộ, nhân viên tại Trung tâm CTXH tỉnh khi chúng tôi hỏi về sự khó khăn, vất vả trong việc chăm sóc các đối tượng bảo trợ xã hội như người khuyết tật, người cao tuổi và bệnh nhân tâm thần. Ông Nguyễn Hữu Phương - Trưởng phòng Y tế - chăm sóc phục hồi chức năng, Trung tâm CTXH tỉnh, nói: “Đã dấn thân vào nghề này, nếu không làm bằng cái tâm thì rất khó hoàn thành được nhiệm vụ, nghĩa vụ đối với những hoàn cảnh khó khăn cũng như sự nhìn nhận từ dư luận và cộng đồng”.

Hơn 15 năm gắn bó với các mảnh đời bất hạnh, ông Nguyễn Hữu Phương xem họ như người nhà của mình và hết lòng chăm sóc

Được biết, ông Phương có thâm niên làm việc tại trung tâm hơn 15 năm và là một trong những cán bộ tiêu biểu làm tốt công tác quản lý, chăm sóc các đối tượng bảo trợ xã hội. Ông có người chị bị bệnh tâm thần, bỏ nhà đi đến nay vẫn chưa tìm thấy, thế nên, hơn ai hết, ông rất đồng cảm với những bệnh nhân tâm thần nói riêng, các đối tượng bảo trợ xã hội nói chung. Ông nghĩ, mình quan tâm, chăm sóc các đối tượng như người nhà của mình thì biết đâu chị của ông cũng được người khác quan tâm, chăm sóc như vậy. Hơn nửa đời người trôi qua, ông Phương vẫn không ngừng hy vọng sớm tìm được người chị của mình.

Một điều đáng quý khác, ông Phương còn là người trực tiếp đứng ra làm hồ sơ để các đối tượng bảo trợ xã hội được nhận trợ cấp thường xuyên của Đảng và Nhà nước. Số tiền trợ cấp có thể không lớn nhưng đó là sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cũng như tấm lòng của ông Phương dành cho những hoàn cảnh yếu thế trong xã hội, góp phần mang đến niềm vui, xoa dịu một phần nỗi đau của những mảnh đời bất hạnh.

Các đối tượng bảo trợ tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh cảm thấy ấm lòng khi được nhiều người  quan tâm, chia sẻ

Trung tâm CTXH tỉnh nằm nép mình trong khu nghỉ dưỡng xanh mát, rợp bóng cây nhưng sau đó là hơn 400 số phận bất hạnh. Tuy nhiên, họ không đơn độc mà luôn nhận được sự đồng cảm, chia sẻ của rất nhiều tấm lòng như ông Phương.

Chung tay xây dựng quê hương

Trước đây, người dân ở các huyện: Đức Huệ, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Tân Hưng, Vĩnh Hưng và thị xã Kiến Tường, gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại và đời sống còn lắm cơ cực. Vài năm trở lại đây, đời sống người dân dần được cải thiện, nhất là sau Chương trình Cầu nông thôn do Tạp chí Nông thôn Việt - cơ quan ngôn luận của Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam phát động, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của Tổng Công ty Viễn thông MobiFone. 

Khánh thành cầu giao thông nông thôn do Tổng Công ty Viễn thông MobiFone tài trợ ở huyện Đức Huệ

Tháng 10/2016, Tổng Công ty Viễn thông MobiFone ký kết hợp tác với Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tài trợ xây dựng 10 cây cầu ở huyện biên giới Đức Huệ. Đến nay, 10 cây cầu hoàn thành và đưa vào sử dụng. Từ những cây cầu kiên cố này góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Viễn thông MobiFone - Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Suốt hơn 25 năm hình thành và phát triển của MobiFone, bên cạnh việc phát triển kinh doanh, công tác an sinh xã hội với nhiều việc làm thiết thực như tặng thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo; tặng học bổng, sách, vở cho học sinh; hỗ trợ đồng bào vùng lũ lụt; tổ chức những chuyến tàu nghĩa tình,... trở thành những hoạt động thường xuyên, mang đậm dấu ấn nghĩa tình của MobiFone. Hy vọng, những cây cầu mới do MobiFone tài trợ xây dựng sẽ góp phần thay đổi diện mạo của địa phương, tăng cường giá trị hàng hóa, kết nối giao thương, khơi dậy tiềm năng phát triển, từ đó, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới ở Đồng bằng sông Cửu Long. Thời gian tới, MobiFone tiếp tục đồng hành với những hoạt động vì cộng đồng, góp phần đổi thay cuộc sống của người dân ở những vùng biên giới khó khăn, vùng căn cứ cách mạng, đúng như sứ mệnh của MobiFone “Kết nối giá trị - Khơi dậy tiềm năng””. 

Những việc làm thiết thực và đầy ý nghĩa trong các hoạt động CTXH của Tổ CTXH ở Bệnh viện Tâm thần Long An, của ông Phương và Tổng Công ty Viễn thông MobiFone góp phần tích cực trong thực hiện công tác an sinh xã hội, giảm nghèo và xây dựng quê hương giàu đẹp. Và những việc làm ấy xứng đáng được tôn vinh và ghi nhận./.

Kim Ngọc

Chia sẻ bài viết