Tiếng Việt | English

22/01/2019 - 14:11

Tấm lòng “Hai Lúa”

Bằng sự nỗ lực, siêng năng, sau hơn 30 năm cần cù lao động, gia đình ông Nguyễn Văn Thơi (ấp Vĩnh Bửu, xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) vươn lên trở thành hộ khá giả, tích góp được hàng chục hécta đất sản xuất, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương và tích cực tham gia công tác xã hội.

Dù tuổi cao nhưng ông vẫn luôn hăng say lao động

Ông Nguyễn Văn Thơi

Vươn lên, làm giàu

Về xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng, hỏi thăm gia đình ông Nguyễn Văn Thơi, có lẽ ai cũng biết, bởi ông là nông dân sản xuất giỏi và có nhiều đóng góp cho địa phương.

Ông còn nhớ như in những ngày tháng cơ cực của gia đình. Sau khi lấy vợ năm 1979, vợ chồng ông được gia đình cho 2ha đất sản xuất. Lúc bấy giờ, vùng này đất nhiễm phèn nặng, mùa màng thất bát, vợ chồng ông phải xoay xở thêm đủ nghề để sinh nhai. Không ngại khó khăn, vất vả, ông bà ra sức khai hoang, đào kênh, mương tháo chua, rửa phèn, từ đó năng suất lúa tăng dần.

Với phương châm “lấy công làm lời, sống tiết kiệm”, dần dần, ông tích lũy vốn mua thêm đất canh tác. Đến nay, gia đình ông có 70ha (55ha đất trồng lúa, 15ha đất trồng tràm) và nhiều tài sản có giá trị. Nhằm tăng năng suất, chất lượng hạt lúa, ông mạnh dạn ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, áp dụng mô hình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, sử dụng giống chất lượng cao nên năng suất lúa năm sau luôn cao hơn năm trước.

Ông còn đầu tư mua máy móc, vừa phục vụ sản xuất, vừa làm dịch vụ. Vào vụ, ông giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 20 lao động tại địa phương có thu nhập từ 5-7 triệu đồng/người/tháng. “Trước đây, cuộc sống gia đình tôi còn nhiều khó khăn, sau này, làm công cho gia đình ông Thơi, có thu nhập ổn định nên cuộc sống được cải thiện nhiều, có điều kiện chăm lo cho các con” - anh Lê Minh Tiến, người cùng địa phương, cho biết.

 Bình quân mỗi năm, lợi nhuận từ trồng lúa và các dịch vụ của gia đình ông Thơi hơn 2 tỉ đồng. Ông chia sẻ: “Có được kết quả như hôm nay, trước hết là phải quyết tâm, cần cù lao động, nắm bắt kịp thời các thông tin, kỹ thuật tiên tiến, đây là những yếu tố quan trọng để nâng cao năng suất, giảm chi phí đầu tư. Cùng với đó là sự giúp đỡ của chính quyền địa phương tạo điều kiện cho nông dân được tập huấn kỹ thuật; tham khảo, học hỏi các mô hình kinh tế hiệu quả”.

Gương mẫu đi đầu

Sinh ra và lớn lên trên quê hương Vĩnh Đại, ông Thơi hiểu được những khó khăn, vất vả của người dân quê hương mình, nhất là về giao thông nông thôn. Khi được tuyên truyền về Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, ông đồng tình, tích cực hưởng ứng. “Tấc đất, tấc vàng” nhưng ông không đắn đo khi tự nguyện hiến hàng chục ngàn mét vuông đất cho Nhà nước để thi công đường giao thông nông thôn với mong muốn góp phần xây dựng, thay đổi diện mạo quê hương.

Đơn cử, tuyến đường bờ Tây kênh Ngang nối liền 2 xã Vĩnh Đại và Vĩnh Bửu được triển khai thi công, gia đình ông tiên phong hiến gần 1,7ha đất. “Trước đây, việc đi lại ở khu vực này rất khó khăn, chủ yếu bằng xuồng, từ khi con đường được xây dựng, việc đi lại rất thuận tiện, nhất là các em nhỏ đến trường” - anh Nguyễn Văn Thanh, ngụ xã Vĩnh Đại, nói. Từ năm 2007 đến nay, gia đình ông hiến gần 9ha đất, trị giá hàng tỉ đồng để cùng Nhà nước xây dựng hệ thống đê bao, đường giao thông,...

Không những thế, ông Thơi còn luôn thể hiện tinh thần đoàn kết, tham gia các hoạt động từ thiện - xã hội ở địa phương. Hàng năm, khi mùa lũ về, nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở, ông ra công bồi đắp để người dân, trẻ em đi lại thuận tiện hơn. Hàng năm, ông còn đóng góp các loại quỹ của địa phương với hàng chục triệu đồng, tặng học bổng cho học sinh nghèo và sẵn lòng giúp đỡ những hộ khó khăn bằng cách cho mượn giống lúa không tính lãi,... Ông nói: “Còn sức khỏe, tôi còn cống hiến cho xã hội trong khả năng có thể và mong muốn góp công sức của mình để phát triển quê hương”.

Chủ tịch UBND xã Vĩnh Đại - Nguyễn Văn Dụng cho biết: “Với những việc làm thiết thực, ông Nguyễn Văn Thơi góp phần cùng địa phương thực hiện các tiêu chí nông thôn mới”.

Dù tuổi cao nhưng ông vẫn luôn hăng say lao động

Dù tuổi cao nhưng ông vẫn luôn hăng say lao động

Những việc làm thiết thực của ông được các cấp, các ngành ghi nhận và ông được tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen. Năm 2018, ông được nhận danh hiệu Nông dân Việt Nam tiêu biểu xuất sắc, bằng khen của Hội Nông dân Việt Nam về thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất, hoạt động xã hội và xây dựng nông thôn mới, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có thành tích trong việc thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nhưng niềm vui lớn nhất của ông là nhận được sự kính trọng, quý mến của mọi người. Điều đó thôi thúc ông tiếp tục cống hiến để các phong trào tại địa phương ngày càng phát triển.

Về xã Vĩnh Đại hôm nay sẽ dễ dàng cảm nhận được tâm trạng phấn khởi, niềm vui hiện trên nét mặt mỗi người dân. Đường liên ấp, liên xã được đầu tư, góp phần quan trọng trong phát triển KT-XH địa phương. Sự “thay da, đổi thịt” ở vùng nông thôn Vĩnh Đại nói riêng và huyện Tân Hưng nói chung có sự đóng góp tâm huyết của những cá nhân gương mẫu như gia đình ông Nguyễn Văn Thơi./.

Văn Đát

Chia sẻ bài viết