Tiếng Việt | English

09/03/2017 - 04:50

Tâm tình chiến sĩ mới

Gần 3 tuần trở thành người chiến sĩ, tạm gác lại nỗi nhớ nhà, tạm chia tay với cuộc sống thường nhật, với người thân, bè bạn, giờ đây, những tân binh của Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 738 (Thạnh Hóa, tỉnh long An) dần quen nếp sống kỷ luật, quen với đồng đội mới - những người anh em cùng kề vai, sát cánh trong những tháng ngày đầy thử thách nhưng vô cùng vẻ vang.

Những lúc rảnh rỗi, các chiến sĩ viết nhật ký để vơi đi nỗi nhớ nhà

Chỉ chưa đầy 3 tuần tham gia huấn luyện, các tân binh tại Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 738 đã bắt nhịp với khuôn khổ của môi trường quân đội. Nếp sống, sinh hoạt, thời gian ăn, ngủ, rèn luyện đều phải đúng nội quy của đơn vị nên các tân binh cũng chững chạc, trưởng thành hơn rất nhiều. Tuy nhiên, đây cũng là khoảng thời gian khó khăn nhất của chiến sĩ mới. Bởi vì, dù quyết tâm thế nào thì nỗi nhớ gia đình, người thân vẫn luôn hiện diện trong tâm trí những tân binh trẻ. Do đó, việc ổn định tư tưởng, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của chiến sĩ luôn là vấn đề được các cán bộ quản lý đơn vị đặt lên hàng đầu.

Thượng úy Ngô Minh Phong - Chính trị viên Đại đội 4 cho biết: “Đại đội 4 có 90 chiến sĩ mới nhập ngũ đợt này. Trong số 4 đồng chí lập gia đình, 2 đồng chí đang có con nhỏ. Ngoài ra, những đồng chí có hoàn cảnh đặc biệt, cha mẹ đang ốm đau, gia đình đơn chiếc,... là những đối tượng mà chúng tôi cần chú ý nhiều hơn để chia sẻ, động viên. Mỗi ngày, Ban Chỉ huy Đại đội đều hỏi thăm, nắm tình hình sức khỏe, tâm tư, tình cảm nhằm kịp thời giúp đỡ hoặc báo cáo cấp trên để các chiến sĩ an tâm rèn luyện, hoàn thành nhiệm vụ”.

Đỗ An Khang (SN 1995) là 1 trong 2 chiến sĩ của Đại đội 4 lập gia đình và có con nhỏ chỉ mới gần 2 tuổi. Khang chia sẻ: “Cha tôi đi làm phụ hồ, mẹ giúp việc nhà nên cuộc sống còn nhiều vất vả. Mẹ tôi bị cao huyết áp nên những ngày sắp nhập ngũ, tôi vô cùng lo lắng. Mỗi ngày, tôi được đơn vị tạo điều kiện đăng ký điện thoại về trò chuyện, thăm hỏi cha mẹ, vợ con. Thứ bảy, chủ nhật, gia đình tôi cũng sắp xếp lên thăm. Thời gian rảnh, tôi còn viết nhật ký để nguôi ngoai nỗi nhớ nhà”.

Tình anh em, đồng đội gắn bó là động lực để các chiến sĩ vượt qua những khó khăn ban đầu, phấn đấu rèn luyện, học tập, hoàn thành nhiệm vụ

Ngoài Đỗ An Khang, tân binh Trần Minh Vương (SN 1997) có hoàn cảnh đặc biệt hơn khi con trai đầu lòng chỉ mới tròn 4 tháng tuổi. Cha của Minh Vương bị thoát vị đĩa đệm, qua 3 lần phẫu thuật nên không thể làm việc nặng, chỉ ở nhà chăn nuôi, kiếm thêm thu nhập. “Những ngày đầu nhập ngũ, dù không nói ra nhưng thực sự tôi rất nhớ nhà.

Được các anh em động viên, cán bộ quan tâm, tôi dần quen với nếp sống tại đơn vị. Thời gian được phép điện thoại tuy không nhiều nhưng nhờ đó mà tôi biết được tình hình gia đình để yên tâm công tác. Cuộc sống bộ đội dù chặt chẽ về thời gian nhưng chúng tôi không thấy áp lực mà dần trở nên thoải mái vì quen nếp sinh hoạt điều độ, giờ giấc khoa học” - Minh Vương chia sẻ.

Người “cùng ăn, cùng ở, cùng làm”, sâu sát tình hình tư tưởng, các vấn đề phát sinh tại đơn vị chính là các tiểu đội trưởng. Cũng là chiến sĩ tham gia nghĩa vụ quân sự nhưng các tiểu đội trưởng có thời gian rèn luyện lâu hơn, là người trực tiếp hướng dẫn các tân binh tuân thủ nền nếp, nội quy đơn vị, đồng thời báo cáo cấp trên khi có vấn đề phát sinh, ảnh hưởng đến việc rèn luyện, tư tưởng của chiến sĩ mới.

Trung sĩ Nguyễn Minh Trí - Tiểu đội trưởng Tiểu đội 7 chia sẻ: “Tôi nhập ngũ được 1 năm, từng trải qua giai đoạn đầu bỡ ngỡ khi phải rèn theo khuôn khổ, kỷ luật, tôi hiểu và đồng cảm cùng các chiến sĩ mới. Ngoài ra, sống trong tập thể, học tập, rèn luyện cùng nhau, tôi dễ dàng nắm bắt các vấn đề để kịp thời động viên anh em cố gắng”. Là người đi trước, các tiểu đội trưởng cần tạo sự đoàn kết, gắn bó để các chiến sĩ cảm nhận như được sống trong cùng một gia đình.

Theo Đại úy Nguyễn Quốc Khánh - Chính trị viên Tiểu đoàn 1, "trong đợt nhận quân này, Tiểu đoàn 1 có 468 tân binh. Ngoài 7 người lập gia đình thì cũng có nhiều trường hợp khá đặc biệt, cần được quan tâm, có đồng chí là con trai một, trước khi lên đường nhập ngũ thì mẹ bị tai nạn giao thông, có đồng chí thì vợ mới sinh con chỉ vài tháng,... Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng, tình cảm của các chiến sĩ, đặc biệt trong giai đoạn đầu, chưa kịp thích nghi trong môi trường mới. Do đó, bên cạnh bảo đảm chế độ ăn uống, học tập, bảo vệ sức khỏe, chúng tôi còn chú trọng sinh hoạt tư tưởng, văn hóa, tổ chức sân chơi, giao lưu văn nghệ cho chiến sĩ mới,... tạo sự thân thiện, gần gũi để họ nhanh chóng hòa nhập môi trường mới".


Các tân binh còn được chăm lo đời sống tinh thần, chơi thể thao, giải trí sau những giờ học tập, rèn luyện căng thẳng

Trải nghiệm cuộc sống tập thể trong quân đội chính là “ngôi trường lớn” góp phần giúp các chiến sĩ trưởng thành, nhân cách ngày càng hoàn thiện. Tuy mỗi người một hoàn cảnh, chẳng ai giống ai nhưng khi bước vào con đường quân ngũ, gắn bó cùng nhau thì tất cả chiến sĩ đều là anh em một nhà. Công tác huấn luyện chiến sĩ mới không chỉ bằng khuôn phép, kỷ luật mà trên hết phải bằng cái tâm, tình thương và trách nhiệm để các tân binh sớm hòa nhập, thích nghi với môi trường chính quy, kỷ luật, phấn đấu rèn luyện vì nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc./.

Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết