Tiếng Việt | English

24/04/2018 - 10:35

Tân Bửu hôm nay

Trở lại xã Tân Bửu, huyện Bến Lức, tỉnh Long An, tôi ngỡ ngàng trước những đổi thay của vùng đất từng là chiến trường thời chống Mỹ.

Thời kháng chiến chống Mỹ, người dân Tân Bửu hết lòng phục vụ hoạt động cách mạng, chuyển từng can nước ngọt, nước tương, gạo,... đến căn cứ bên bờ kinh Rạch Rích, Rạch Chìm,... cho cán bộ, chiến sĩ T.4.

Đó là tấm gương má Nguyễn Thị Cương cùng chồng Phạm Tấn Thành chấp nhận tù đày, tiễn 3 con gái: Phạm Thị Hoa, Phạm Thị Hồng, Phạm Kim Tươi và con trai Phạm Thanh Phong thoát ly hoạt động cách mạng; anh hùng: Nguyễn Công Hậu và Võ Thị Thắng luôn bất khuất, kiên trung,...

Chiến tranh đi qua, vùng đất khó Tân Bửu ngày nào hồi sinh, thay đổi. Con đường bờ giáp xã Tân Nhật (TP.HCM) nay là đường giao thông liên ấp 5, 6, được bêtông hóa, tạo điều kiện đi lại thuận tiện. Ngoài ra, đường vào ấp 2, đường Thạnh Phú - Tân Bửu cũng được khởi công xây dựng.

Cầu Kinh Ranh nối xã Tân Bửu, huyện Bến Lức, tỉnh Long An với xã Tân Nhật, huyện Bình Chánh, TP.HCM.   Ảnh: Hải Đăng

Ông Phạm Hồng Phước - nguyên Bí thư Chi bộ ấp 6, kể: “Năm 2012, ấp 6 còn 21 cầu khỉ, cầu tạm. Năm 2017, Tân Bửu huy động gần 2 tỉ đồng xây cầu ximăng vững chắc”. Nhiều gương nông dân hiến đất mở đường như ông Thiều Văn Bảy hiến trên 1.000m2, Nguyễn Văn Sứa hiến 700m2, Lê Văn Tám hiến 400m2,...

Chủ tịch UBND xã Tân Bửu - Lê Tấn Mười cho biết: “Năm 2017, tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng hơn 42 tỉ đồng, trong đó, người dân và doanh nghiệp đóng góp gần 4 tỉ đồng; người dân hiến 39.419m2, góp phần giúp địa phương xây dựng nông thôn mới”.

Không những diện mạo đổi thay, đời sống người dân Tân Bửu ngày càng nâng lên. Nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. “Đến cuối năm 2017, xã còn 2,66% hộ nghèo. Các đối tượng này bị mất sức lao động, sống neo đơn, hưởng trợ cấp xã hội” - ông Lê Tấn Mười cho biết thêm.

Gia đình ông Nguyễn Hồng Lĩnh có 6ha đất trồng mía và lúa Nàng Thơm. Vì hiệu quả không cao, ông Lĩnh chuyển 0,7ha sang trồng chanh Limca và đào 1.200m2 ao nuôi cá nước ngọt. Nhờ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả, hàng năm, gia đình ông lãi khoảng 500 triệu đồng.

Gia đình ông Huỳnh Văn Tính cũng có thu nhập cao nhờ mô hình trồng xen canh. Ông Huỳnh Văn Tính chia sẻ: Với 0,8ha đất trồng 8.000 cây ớt sừng vàng châu Phi, sau 70 ngày chăm sóc, tôi lãi 300 triệu đồng. Xong vụ ớt, tôi chuyển sang sạ lúa. Năm nay, sau khu thu hoạch lúa, tôi dự định trồng đậu bắp”.

Vùng kháng chiến năm xưa giờ có nhiều thay đổi. Tân Bửu hôm nay ngày càng phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng nâng lên./.

Khuynh Diệp

Chia sẻ bài viết