Tiếng Việt | English

14/05/2020 - 10:48

Tận dụng phát triển du lịch liên vùng gắn với quảng bá điểm đến an toàn

Áp dụng biện pháp phòng dịch bệnh hiệu quả; đồng thời triển khai các giải pháp liên kết vùng,.. để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn ở ĐBSCL.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) không chỉ là vùng đất giàu tiềm năng du lịch với vẻ đẹp thiên nhiên mà còn là kho tàng văn hóa giàu bản sắc, có thể khai thác phát triển nhiều loại hình, từ du lịch sinh thái miệt vườn, du lịch nghiên cứu - nghỉ dưỡng, lễ hội - làng nghề truyền thống... Nhiều người nhận định sản phẩm du lịch ĐBSCL còn trùng lặp, đơn điệu, chưa có sự khác biệt, du khách chỉ cần đến một địa phương là biết được sản phẩm, dịch vụ du lịch của cả vùng.


Các khu du lịch sinh thái đang thay đổi nhiều không gian, mô hình vui chơi để không trùng lặp.

Song theo ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam: Nếu đi sâu vào kỹ năng thực sự của ngành du lịch, nghiên cứu, thì 13 tỉnh, thành ĐBSCL là 13 sản phẩm du lịch khác nhau. Để thoát khỏi tình trạng sản phẩm na ná, các địa phương và doanh nghiệp cần đẩy mạnh thu hút phân khúc thị trường khách du lịch theo một số loại hình du lịch chuyên đề mà vùng có lợi thế; đồng thời, tận dụng triệt để sự phát triển du lịch liên vùng.

"Liên kết là vấn đề quyết định, chúng ta không chỉ liên kết trong nước, liên kết của các doanh nghiệp, liên kết giữa nhà nước và tư nhân, mà còn liên kết với khu vực và thế giới. Vì vậy cho nên với những trung tâm kinh tế lớn về du lịch, thì Thành phố Hồ Chí Minh sẽ là nơi kết nối, thúc đẩy ĐBSCL phát triển", ông Nguyễn Hữu Thọ cho biết thêm.

Khẳng định việc tăng cường liên kết để đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: Việc liên kết là một trong các phương hướng nhằm thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, tầm nhìn đến năm 2030 với mục đích thu hút thêm nguồn ngoại lực phát triển du lịch cho các vùng. Riêng ĐBSCL, phải chuyển hướng cách tư duy từ khách đến từ đâu thành khách đến với ĐBSCL trải nghiệm được gì, ý nghĩa ra sao, có như vậy mới tạo ra nhiều sản phẩm thú vị, thu hút du khách.

"Phải cấu trúc lại không gian, hướng tuyến mới, và cái không gian này hướng tiếp cận phải có trung tâm điểm, cực hút là Cần Thơ. Từ Cần Thơ sẽ lan tỏa theo hướng bàn tay của đồng bằng, thì các vệ tinh cũng như các tuyến sẽ dẫn dắt cả về thị trường, nguồn nhân lực, về kết nối", Hà Văn Siêu nói. 

Nói về “điểm nghẽn” lớn nhất trong phát triển du lịch là hạ tầng giao thông tại ĐBSCL, ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó Vụ trưởng, Vụ vận tải, Bộ GTVT thông tin: Thời gian qua, Bộ GTVT phối hợp cùng các bộ ngành đẩy nhanh việc kết nối hạ tầng hàng không trong cả nước, bởi đây là tuyến đường nhanh nhất đưa khách đến với địa điểm du lịch. Tại ĐBSCL, hạ tầng giao thông đặc biệt được Bộ GTVT quan tâm, thực hiện cùng Đề án “Kiểm soát chất lượng dịch vụ vận tải và đảm bảo an toàn cho khách du lịch”, với 4 hạng mục: Phát triển kết cấu hạ tầng; Phát triển phương tiện vận tải; Phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho vận tải khách du lịch; Nâng cao an toàn cho khách du lịch.


Lễ hội đua bò Bảy Núi tại tỉnh An Giang.

Liên kết vùng tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới, đòi hỏi nguồn nhân lực phải đáp ứng đủ, trong khi ĐBSCL lại đang trong tình trạng nguồn nhân lực du lịch yếu và thiếu. Về vấn đề này, ông Lê Quang Tùng, Thứ trưởng Bộ VH – TT & DL cho biết: Trung bình cả nước nhân lực ngành du lịch qua đào tạo chỉ xấp xỉ khoảng 40%. Đặc biệt du lịch ở vùng ĐBSCL liên quan đến du lịch cộng đồng, hay là du lịch gắn bó với người dân, vì vậy, chính quyền các địa phương nên quan tâm đến việc đào tạo. Có rất nhiều hình thức đào tạo như: đào tạo trực tuyến, đào tạo tại các cơ sở nhỏ rồi chuyển giao về địa phương.


Lễ hội đua ghe ngo truyền thống của đồng bào Khmer.

Song song với các giải pháp này, ông Lê Quang Tùng còn chỉ rõ ĐBSCL cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ trong cải cách hành chính và quản lý doanh nghiệp; hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu chung của các địa phương trong vùng, thống kê về du lịch cũng như đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trong lĩnh vực du lịch: "Bộ VH – TT & DL chúng tôi sẽ hỗ trợ đứng ra làm công tác quảng bá xúc tiến chung, để chúng ta tạo ra sức mạnh chung trong quảng bá. Đặc biệt, khi chúng ta ứng dụng các công nghệ 4.0 hay gọi là du lịch thông minh thì các công tác quảng bá của chúng ta cũng sẽ đơn giản rất là nhiều, rồi các chương trình quảng bá chuyên đề, chuyên sâu trong vùng, chúng tôi nhận nhiệm vụ phối hợp với các địa phương để làm có hiệu quả".


Chợ nổi trên sông đang được bảo tồn và phát huy giá trị.

Vùng ĐBSCL quy hoạch đến năm 2030 trở thành trung tâm dịch vụ du lịch sinh thái cảnh quan đặc trưng vùng hạ lưu sông Mekong, mang tầm quốc gia và quốc tế. Hiện tiêu chí “điểm đến an toàn” là lựa chọn ưu tiên hàng đầu của du khách sau dịch bệnh Covid-19. Hy vọng với việc áp dụng biện pháp phòng chống dịch bệnh hiệu quả; đồng thời triển khai hàng loạt các giải pháp liên kết vùng, kích cầu v.v.. lĩnh vực du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa đất Chín rồng “cất cánh” bay cao./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích