Tiếng Việt | English

10/08/2018 - 11:33

Tân Hưng: Người dân đổ cá chết làm ô nhiễm môi trường

Hàng chục bao nylon chứa đầy cá chết do người dân đổ xuống cặp tuyến lộ kênh ranh thuộc ấp Gò Chuối, xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An. Mùi hôi thối bốc lên nồng nặc làm ảnh hưởng đến cuộc sống, sức khỏe hàng chục hộ dân khu vực này.

Cá chết bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường

Theo phản ánh, khoảng 1 tuần qua, người dân sống tại ấp Gò Chuối, xã Hưng Điền bị “tra tấn” bởi mùi hôi thối bốc ra từ các bao cá chết bị đổ xuống cặp tuyến lộ kênh ranh. Theo anh Vũ, người dân địa phương cho biết, nhiều ngày nay, cá chết do nhiễm bệnh, người dân không xử lý, chôn cất mà tự ý đổ xuống khu vực này.

Bà N.T.L, nhà gần khu vực này bức xúc, khoảng hơn tuần qua, chúng tôi bị hành hạ bởi mùi hôi từ những bao cá chết. Tôi lo lắng sức khỏe bị ảnh hưởng. 

Theo ghi nhận của phóng viên, tuyến lộ này dài khoảng 500m có hàng chục bao nylon chứa đầy cá trương phình, người tham gia giao thông ngang qua đây phải bịt mũi vì mùi hôi nồng nặc.

Người dân đổ cá chết tràn lan

Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Điền - Võ Hữu Tài cho biết, chúng tôi sẽ cử người kiểm tra và có biện pháp khắc phục.

Chỉ trong thời gian ngắn, hàng trăm hộ dân tại huyện Tân Hưng tự ý chuyển hơn 1.000ha đất trồng lúa sang đào ao nuôi cá. Trong thời gian qua, bên cạnh những hộ nuôi thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi vụ thì vẫn có không ít người chịu thua lỗ do đổ xô nuôi theo phong trào, chưa nắm bắt kỹ thuật nuôi.

Ông Võ Hữu Tài thông tin thêm, mặc dù nuôi cá tra giống mang lại thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa nhưng địa phương không khuyến khích vì lo ngại việc nuôi ồ ạt sẽ gặp khó về đầu ra. Xã tập trung tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, không nên tự ý chuyển mục đích đất ruộng lúa thành ao nuôi cá. Điều này sẽ ảnh hưởng đến công tác quy hoạch và nguy cơ ô nhiễm môi trường tự nhiên.

Hiện tại, người dân tự ý chuyển đổi 235ha đất trồng lúa sang nuôi cá, hầu hết diện tích này không nằm trong quy hoạch của địa phương. Về vấn đề bảo đảm môi trường, địa phương chỉ lập biên bản nhắc nhở chứ chưa có người nuôi cá nào đăng ký thủ tục cam kết bảo đảm môi trường. Sau khi thu hoạch cá, người nuôi đều đổ nước thải trực tiếp ra các tuyến kênh.

Theo Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện - Nguyễn Văn Nghĩa, hầu hết diện tích thả nuôi đều do người dân tự phát, nguồn nước để nuôi cá và nước thải được lấy, xả trực tiếp từ các tuyến kênh; không có ao xử lý nước thải nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường. Phòng phối hợp các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân có giải pháp xử lý nước thải từ các ao nuôi đúng quy định trước khi cho thoát ra ngoài tự nhiên để bảo vệ môi trường.

Việc nông dân tùy tiện chuyển đất trồng lúa sang đào ao nuôi thủy sản gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý đất đai, nguy cơ phá vỡ quy hoạch và định hướng phát triển lâu dài của địa phương. Trước tình hình trên, huyện tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực này.

Từ đầu năm 2018 đến nay, UBND huyện ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 34 trường hợp trong lĩnh vực đất đai với số tiền 560 triệu đồng. Thời gian tới, Phòng tăng cường kiểm tra, giám sát môi trường, phát hiện và xử lý nghiêm; đồng thời, xử phạt vi phạm hành chính nếu người dân tự ý chuyển mục đích sang nuôi trồng thủy sản khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép./.

Trung Kiên

Chia sẻ bài viết