Tiếng Việt | English

14/02/2018 - 18:58

Tân Hưng: Những mùa xuân no ấm

Năm nay, nhờ ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) trong sản xuất lúa, nông dân Tân Hưng, tỉnh Long An có điều kiện đón một cái tết sung túc, đủ đầy.

Đón tết sung túc

Nhìn căn nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi của ông Nguyễn Văn Tím, ngụ ấp Gò Gòn, xã Hưng Thạnh, ít ai nghĩ rằng, gia đình ông từng thuộc diện khó khăn của xã. Ông Tím kể, trước đây, sản xuất lúa theo kiểu truyền thống thường xuyên bị mất mùa, cuộc sống gia đình lâm cảnh bấp bênh. Từ khi chính quyền địa phương, các ngành liên quan đẩy mạnh chuyển giao khoa học - kỹ thuật, sản xuất ƯDCNC trên cây lúa, năng suất đạt cao hơn trước, giúp gia đình ông phát triển kinh tế. “Với 7ha lúa sản xuất ƯDCNC, tôi thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Nhờ đó, gia đình có điều kiện mua sắm các vật dụng trong nhà, phương tiện đi lại, đón tết sung túc hơn” - ông Tím chia sẻ.

Tham gia mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, nông dân được hỗ trợ 30% chi phí thuê máy cấy

Tham gia mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, nông dân được hỗ trợ 30% chi phí thuê máy cấy

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Lý Hoàng Trung, ngụ ấp Gò Pháo, xã Hưng Điền B, lúc ông tranh thủ sửa lại căn nhà chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Mậu Tuất. Ông Trung phấn khởi: “Nhờ ƯDCNC, lúa trúng mùa, được giá, năm nay, gia đình tôi ăn tết lớn! Mọi thứ đều sẵn sàng: Gà, vịt, rau màu sẵn có, chỉ cần mua thêm vài kilôgam thịt heo, con cháu về đông đủ là ấm cửa, vui nhà”. Cũng theo ông Trung, tham gia sản xuất lúa ƯDCNC, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, từ khâu làm đất đến thu hoạch, vận chuyển nên giảm được chi phí nhân công. Ðồng thời, nông dân còn được tập huấn, hướng dẫn sản xuất theo hướng VietGAP và được hỗ trợ 30% chi phí mua giống, thuê máy cấy và mua máy phun xịt “3 trong 1”.

“Cú hích” phát triển nông nghiệp

Lúa vẫn là cây trồng chủ lực của huyện Tân Hưng. Nghị quyết các kỳ đại hội Đảng bộ huyện đều xác định, tập trung đầu tư, phát triển nông nghiệp, tạo “cú hích” làm thay đổi diện mạo quê hương, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân. 

Sản xuất ƯDCNC trên cây lúa tạo bước ngoặt quan trọng trong phát triển nông nghiệp, dần làm thay đổi tập quán sản xuất cũ. Bí thư Huyện ủy Tân Hưng - Lương Sơn Cầu cho biết, theo quy hoạch, đến 2020, huyện có 4.500ha lúa ƯDCNC ở 6 xã: Hưng Điền (1.000ha), Hưng Điền B (1.000ha), Hưng Hà (800ha), Hưng Thạnh (700ha), Thạnh Hưng (500ha), Vĩnh Châu A (500ha). Việc ƯDCNC trên cây lúa hiện mang lại hiệu quả bước đầu, góp phần giảm chi phí đầu tư, tăng năng suất, lợi nhuận trên đơn vị diện tích, tạo ra nông sản sạch, bảo đảm chất lượng. 

Ứng dụng công nghệ cao đối với diện tích lúa sạ máy, lợi nhuận đạt từ 27-28 triệu đồng/ha/vụ

Ứng dụng công nghệ cao đối với diện tích lúa sạ máy, lợi nhuận đạt từ 27-28 triệu đồng/ha/vụ

Vụ lúa Đông Xuân 2016-2017, huyện triển khai, thực hiện mô hình điểm ƯDCNC tại Hợp tác xã (HTX) Gò Gòn, xã Hưng Thạnh với diện tích 50ha, sản xuất giống IR4625; trong đó, có 7ha cấy, 43ha sạ máy áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến “1 phải, 6 giảm”. Kết quả, đối với diện tích cấy, năng suất đạt 7 tấn/ha (lúa tươi), bán với giá 7.000 đồng/kg, lợi nhuận đạt từ 30-31 triệu đồng/ha. Đối với sạ máy, năng suất thu hoạch đạt 6,8 tấn/ha (lúa tươi) bán với giá 6.100 đồng/kg, lợi nhuận đạt 27-28 triệu đồng/ha. 

“Để triển khai, thực hiện ƯDCNC trên cây lúa mang lại hiệu quả, thời gian qua, huyện tập trung đầu tư nạo vét kênh, mương, phát triển hệ thống bơm điện, xây dựng đê bao, chú trọng liên kết sản xuất, xây dựng cánh đồng lớn, vùng lúa chất lượng cao,... Đến nay, huyện xây dựng 69 trạm bơm điện với diện tích gần 11.500ha, chiếm trên 30% diện tích canh tác; gần 32.000ha đê bao lửng, chiếm hơn 83% diện tích canh tác; 1 liên hiệp HTX, 15 HTX nông nghiệp, 1 HTX vận tải và 67 tổ hợp tác hoạt động trên lĩnh vực tưới tiêu, phục vụ sản xuất,...” - quyền Chủ tịch UBND huyện - Hoàng Văn Sinh thông tin.

Ứng dụng công nghệ cao - Hướng đi tất yếu

Bí thư Huyện ủy Tân Hưng - Lương Sơn Cầu khẳng định, ƯDCNC vào sản xuất là giải pháp ưu việt, tạo hướng đi mới của địa phương trước tình trạng sản xuất nông nghiệp còn nhiều khó khăn như hiện nay. Năm 2018, huyện tiếp tục xây dựng 3 mô hình điểm ƯDCNC với diện tích 150ha, tại 3 xã: Thạnh Hưng, Hưng Thạnh, Vĩnh Châu A và nhân rộng mô hình này nhằm đạt 1.500ha lúa ƯDCNC. Huyện phấn đấu, 100% diện tích sản xuất sử dụng giống xác nhận; 50ha sản xuất trong mô hình điểm sử dụng máy cấy; 50% diện tích sử dụng đồng bộ cơ giới và kỹ thuật canh tác theo hướng bền vững, bảo đảm vệ sinh thực phẩm, môi trường.

Đến nay, huyện có gần 32.000ha nằm trong đê bao lửng, chiếm hơn 83% diện tích canh tá

Đến nay, huyện có gần 32.000ha nằm trong đê bao lửng, chiếm hơn 83% diện tích canh tác

Để hoàn thành tốt kế hoạch, huyện đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về Đề án Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến đoàn viên, hội viên và người dân nhằm tạo sự đồng thuận trong triển khai, tổ chức thực hiện. Đồng thời, huyện tổ chức lại sản xuất theo hướng hình thành vùng sản xuất nông sản tập trung, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; củng cố, tạo điều kiện cho các tổ hợp tác, HTX hoạt động hiệu quả;...

ƯDCNC gắn với tái cơ cấu nông nghiệp hiện là hướng đi đúng của huyện. Nhờ đó, đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của người dân biên giới không ngừng được cải thiện, diện mạo nông thôn thay đổi từng ngày. Mỗi mùa xuân đến, vùng đất này càng thêm ấm no, hạnh phúc./.

Phong Nhã

Chia sẻ bài viết