Tiếng Việt | English

26/02/2020 - 18:08

Tân Hưng nỗ lực ngay từ đầu năm

Năm 2020 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tân Hưng lần thứ V (nhiệm kỳ 2015-2020) và Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm (giai đoạn 2016-2020) của huyện. Vì vậy, ngay từ đầu năm, cả hệ thống chính trị và người dân huyện biên giới đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ nghị quyết năm.

Đô thị ở Tân Hưng ngày càng xanh, sạch, đẹp

Kinh tế đạt, vượt chỉ tiêu nghị quyết

Một trong những kết quả nổi bật trong năm 2019 là kinh tế tiếp tục phát triển khá với tốc độ gia tăng sản xuất 10,7% (nghị quyết 7%). Theo Bí thư Huyện ủy Tân Hưng - Lương Sơn Cầu, đạt kết quả này là nhờ lĩnh vực sản xuất nông nghiệp được tập trung lãnh, chỉ đạo chặt chẽ theo hướng nâng cao giá trị sản xuất và phát triển bền vững. Đặc biệt, huyện thường xuyên khuyến cáo nông dân gieo sạ theo lịch thời vụ và đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật, đầu tư xây dựng đê bao lửng khép kín gắn với xây dựng trạm bơm điện phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Năm 2019, huyện tập trung thực hiện cánh đồng lớn, Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Dự án Vnsat, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Tổng diện tích lúa gieo sạ cả năm là 77.130/74.000ha, năng suất bình quân 5,6 tấn lúa khô/ha, lợi nhuận bình quân 25 triệu đồng/ha/năm; tổng sản lượng lúa gần 432.000 tấn (đạt 110,7% nghị quyết). Đồng thời, việc chuyển đổi cây trồng được thực hiện gắn với Chương trình đột phá về Xây dựng vùng sản xuất 1.000ha cây công nghiệp ngắn ngày ở 3 xã biên giới và phối hợp quy hoạch, nghiên cứu sản xuất giống lúa chất lượng cao tại xã Hưng Điền và các xã có điều kiện trồng cây công nghiệp ngắn ngày.

Hưng Điền B là 1 trong 3 xã biên giới được huyện chọn triển khai, phát triển công nghiệp ngắn ngày. Theo đó, hàng năm, Nghị quyết Đảng ủy xã đều xác định triển khai 300ha canh tác cây công nghiệp ngắn ngày, chủ yếu là mè, sen, bắp. Theo Bí thư Đảng ủy xã Hưng Điền B - Tạ Văn Mệnh, mè là một trong những cây ngắn ngày phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, sinh trưởng, phát triển tốt và cho năng suất cao. Thời gian qua, bên cạnh đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động người dân, địa phương còn chủ động phối hợp tìm đầu ra ổn định cho cây mè để nông dân mạnh dạn đầu tư sản xuất, góp phần chuyển đổi cây trồng ở địa phương cũng như thực hiện thắng lợi Nghị quyết Huyện ủy.

Bắp là một trong những cây trồng góp phần mang lại thu nhập cho người dân vùng biên từ Chương trình đột phá của Huyện ủy về Xây dựng vùng sản xuất 1.000ha cây công nghiệp ngắn ngày ở 3 xã biên giới

Cùng với sản xuất nông nghiệp, hoạt động thương mại - dịch vụ của huyện ngày càng phát triển đa dạng, phong phú với mạng lưới chợ nông thôn cơ bản bảo đảm cung cấp, phân phối hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và sinh hoạt của người dân. Công nghiệp - xây dựng được duy trì ổn định, chủ yếu là cơ khí chế tạo, sửa chữa phục vụ sản xuất nông nghiệp, gia công chế biến nông sản, sản xuất nước đá, đồ mộc gia dụng, nước uống đóng chai,... Qua đó, góp phần đưa cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn; thúc đẩy KT-XH không ngừng phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện.

Dồn sức ngay đầu năm

“Tập trung lãnh đạo tái cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, tăng lợi nhuận trong sản xuất” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Huyện ủy xác định triển khai ngay từ đầu năm. Cùng với đó, huyện sẽ tập trung mọi nguồn lực thực hiện các công trình trọng điểm, chương trình đột phá và các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ V; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; đẩy mạnh xã hội hóa trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống người dân, bảo đảm an sinh xã hội; tinh gọn bộ máy, sắp xếp tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; lãnh đạo tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp trong huyện (nhiệm kỳ 2020-2025).

Lũy kế đến cuối năm 2020, toàn huyện có 36.100ha diện tích đê bao lửng, đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tân Hưng lần thứ V (nhiệm kỳ 2015-2020)

Theo Bí thư Huyện ủy Tân Hưng - Lương Sơn Cầu, để đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất (giá cố định năm 2010) là 6,8%; tổng sản lượng lúa cả năm 450.000 tấn (trong đó, sản lượng lúa chất lượng cao 350.000 tấn), Huyện ủy tập trung triển khai, thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật và nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả; tuyên truyền, vận động, huy động tối đa nguồn lực trong nhân dân và các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng nông thôn và đê bao lửng khép kín gắn với trạm bơm điện phục vụ sản xuất.

Đồng thời, huyện tập trung thực hiện có hiệu quả Chương trình đột phá về Xây dựng vùng sản xuất 1.000ha cây công nghiệp ngắn ngày ở 3 xã biên giới và phối hợp quy hoạch, nghiên cứu sản xuất giống lúa chất lượng cao tại xã Hưng Điền và các xã có điều kiện sản xuất cây công nghiệp ngắn ngày; duy trì, nâng chất mô hình liên kết “4 nhà”, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào cánh đồng lớn, bảo đảm đạt 4.500ha ứng dụng công nghệ cao và dự án Vnsat trên địa bàn các xã; phát huy vai trò kinh tế hộ gia đình, định hướng phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại bền vững và an toàn thực phẩm;.../.

Phong Nhã

Chia sẻ bài viết