Tiếng Việt | English

18/12/2017 - 15:07

Tân Hưng: Nông dân vẫn ồ ạt đào ao nuôi cá

Trước đây, Báo Long An phản ánh việc thấy lợi nhuận cao, nhiều hộ dân khu vực biên giới huyện Tân Hưng tự ý bỏ lúa, đào ao nuôi cá. Hiện nay, trình trạng này vẫn diễn ra rầm rộ, nhiều diện tích sản xuất lúa chuyển thành ao nuôi cá tra giống.

Bỏ lúa, nuôi cá tra giống

Cách nay 2 tháng, diện tích nuôi cá tra giống ở khu vực biên giới của huyện Tân Hưng gần 200ha, hiện tại tăng hơn 445ha, tập trung chủ yếu ở 2 xã biên giới: Hưng Điền (100ha) và Hưng Điền B (286ha). Hầu hết người nuôi cho biết, cá tra giống dễ chăm sóc nhưng lợi nhuận mang lại cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Tùy theo giá thời điểm, mỗi ao (1ha), nông dân thu lợi nhuận từ 50-70 triệu đồng, thậm chí có ao lãi 500-700 triệu đồng.

Đào ao nuôi cá làm mất diện tích lúa, ảnh hưởng đến công tác quy hoạch và nguy hại đến môi trường tự nhiên

Ông Lê Văn Keo, ngụ ấp Láng Biển, xã Hưng Điền, cho biết, thấy nông dân đào ao, nuôi cá thu lợi nhuận cao, ông cũng chuyển hơn 1ha đất trồng lúa sang nuôi cá tra. Sau 3 tháng nuôi, cá giống đạt trọng lượng khoảng 30 con/kg, nếu mỗi hécta cho thu hoạch 20 tấn, với giá hiện tại 31.000-35.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, bình quân, ông lời từ 250-400 triệu đồng/ha.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Điền B - Hồ Văn Tèo, hiện nay, hầu hết diện tích đào ao, ươm cá tra giống đều do nông dân tự ý chuyển đổi, không nằm trong khu quy hoạch của xã. Địa phương cử cán bộ chuyên môn rà soát, lập biên bản đề nghị các hộ dân phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nếu không hoàn thành các thủ tục, đề nghị khôi phục lại hiện trạng như ban đầu.

Lãi cao nhưng chưa có đầu ra ổn định

Vấn đề tìm đầu ra ổn định cho cá tra giống đang là nỗi lo của người nuôi. Theo ông Lâm Thành Phương, ngụ ấp Gò Pháo, xã Hưng Điền B, hiện người nuôi tự tìm thị trường tiêu thụ, chủ yếu ở các tỉnh: Tiền Giang, Đồng Tháp, Long An. Người nuôi ngày càng đông, chúng tôi rất lo lắng đến ngày, con cá lâm cảnh “được mùa - rớt giá” giống cây lúa”.

Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Điền - Nguyễn Thành Trung cho biết: “Mặc dù nuôi cá tra giống mang lại thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa nhưng địa phương không khuyến khích vì sợ người dân nuôi ồ ạt sẽ gặp khó về đầu ra. Chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân, không nên tự ý chuyển mục đích đất ruộng lúa thành ao nuôi cá, sẽ ảnh hưởng đến công tác quy hoạch và nguy hại đến môi trường tự nhiên,...”.

Thông tin từ Phòng Tài Nguyên và Môi trường huyện, phần lớn những hộ nuôi cá tra giống chưa làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Ngành tiếp tục rà soát lại, nếu phù hợp quy hoạch của địa phương thì hướng dẫn nông dân làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất đúng quy định pháp luật. Đối với những trường hợp cố ý sai phạm, ngành đề xuất, xin ý kiến lãnh đạo huyện có biện pháp xử lý, chấn chỉnh kịp thời.

Hiện, nuôi cá tra giống mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, tuy nhiên, đầu ra vẫn là nỗi lo khi chưa ổn định. Thiết nghĩ, người dân cần tính toán kỹ trước khi thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, không nên sản xuất tự phát khi chưa có định hướng cụ thể của ngành chức năng. Điều này dễ dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, gặp rủi ro, thiệt hại về kinh tế./.

Sông Măng 

Chia sẻ bài viết