Tiếng Việt | English

16/11/2016 - 15:32

Tân Hưng tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình

Những năm gần đây, tình trạng bạo lực gia đình ở huyện Tân Hưng, tỉnh Long An giảm đáng kể. Kết quả này có được từ quá trình tuyên truyền, vận động, thực hiện nhiều mô hình, phong trào mà hệ thống chính trị huyện nỗ lực thực hiện suốt thời gian qua.

Từ “hồi chuông” ban đầu

Cách đây 3 năm, người dân ở Khu phố Rọc Chanh A, thị trấn Tân Hưng, huyện Tân Hưng bàng hoàng trước cái chết của vợ ông N.V.T. Bà là nạn nhân của vụ bạo lực gia đình xảy ra trong ngày Tết Đoan Ngọ năm 2013.

Khi có hơi men trong người và trở về nhà, lúc 2 vợ chồng lời qua tiếng lại, ông T đẩy vợ va vào tường khiến bà bị chấn thương ở đầu và tử vong tại nhà. Mái ấm gia đình rơi vào bi kịch chỉ vì phút giây nóng nảy của ông T. Kể từ ngày ấy, hai con thơ thiếu vắng tình thương, sự quan tâm, chăm sóc của người mẹ. Còn ông T cũng ngậm ngùi, ăn năn trong những ngày rơi vào vòng lao lý.


Hội Cựu chiến binh thị trấn Tân Hưng tuyên truyền nâng cao ý thức xây dựng gia đình hạnh phúc, không bạo lực

“Khi mãn hạn tù trở về, ông T suy nghĩ tích cực hơn. Vì hoàn cảnh khó khăn lại là hội viên Hội Cựu Chiến binh thị trấn Tân Hưng ông được tạo điều kiện vay vốn nuôi bò, cải thiện kinh tế gia đình và nuôi con ăn học. Vụ bạo lực gia đình này gióng lên hồi chuông cảnh báo. Từ đó, Hội Cựu Chiến binh thị trấn bắt đầu đăng ký, thực hiện mô hình phòng, chống bạo lực gia đình trong hội viên vào đầu năm 2014” - Phó Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh thị trấn Tân Hưng – Trần Quốc An cho biết.

Lúc bắt đầu thực hiện mô hình, Hội Cựu Chiến binh thị trấn Tân Hưng chọn Khu phố Rọc Chanh A làm điểm và dần nhân rộng ở các khu phố còn lại. Theo ông Trần Quốc An, mô hình chủ yếu hướng đến việc tuyên truyền, vận động để hội viên nâng cao ý thức xây dựng gia đình văn hóa, không để xảy ra bạo lực gia đình. Công tác tuyên truyền chú trọng những đối tượng trong Hội có nguy cơ xảy ra bạo lực gia đình.

Kết quả, qua hơn 2 năm thực hiện, Hội phối hợp Hội Phụ nữ thị trấn, các câu lạc bộ gia đình hạnh phúc tuyên truyền Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân - Gia đình... đến các hội viên và người dân trong thị trấn. Ngoài ra, Hội còn gắn 2 pano tuyên truyền trực quan về phòng, chống bạo lực gia đình đến với người dân.

Qua thực hiện mô hình, ý thức phòng, chống bạo lực gia đình trong hội viên Hội Cựu chiến binh và người dân thị trấn được nâng lên. Điều này thể hiện qua việc từ năm 2014 đến nay, thị trấn Tân Hưng không có bạo lực gia đình xảy ra.

Toàn huyện cùng vào cuộc

Để ngăn chặn, phòng, chống bạo lực gia đình, năm 2015, các ban, ngành, đoàn thể huyện tăng cường, tích cực tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân.

Toàn huyện có hơn 12.700 hộ gia đình. Các hộ tiếp cận, nắm bắt những nội dung về phòng, chống bạo lực gia đình qua nhiều hình thức tuyên truyền khác nhau. Ngoài tuyên truyền lồng ghép trong các buổi sinh hoạt câu lạc bộ, tổ, nhóm và các tổ chức đoàn thể, công tác truyền thông giáo dục xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ và hạnh phúc còn được thực hiện bằng hình thức: Vẽ pano, khẩu hiệu, ảnh tuyên truyền cổ động và các chương trình văn nghệ quần chúng, qua hệ thống đài và trạm truyền thanh...


Hội Cựu chiến binh thị trấn Tân Hưng gắn pano tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình

Ông Nguyễn Thành Non, 55 tuổi, ngụ khu phố Rọc Chanh A, thị trấn Tân Hưng chia sẻ: “Từ công tác tuyên truyền, tôi hiểu, việc lời qua tiếng lại giữa vợ chồng là một trong những nguyên nhân dễ dẫn đến bạo lực gia đình. Vì vậy, vợ chồng lúc nào cũng nhường nhịn, tôn trọng nhau để giữ hóa khí và hạnh phúc gia đình”.

Ngoài việc tuyên truyền, hiện huyện có 49 câu lạc bộ gia đình bền vững với 706 hội viên; 64 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình với 484 thành viên và 74 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng. Từ khi thành lập đến nay, các câu lạc bộ hoạt động hiệu quả, là địa chỉ tin cậy của người dân ở cộng đồng dân cư.

Các câu lạc bộ chuyển tải đến người dân thông điệp chung tay xây dựng gia đình hạnh phúc, đẩy lùi bạo lực gia đình; đồng thời quản lý, giáo dục và tư vấn các thành viên trong gia đình, đặc biệt là những gia đình có nguy cơ xảy ra bạo lực. Những câu lạc bộ này còn là địa chỉ để nhận tin báo về bạo lực gia đình nhằm kịp thời ngăn chặn, chấm dứt các hành vi bạo lực gia đình xảy ra.

Theo Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tân Hưng - Nguyễn Thị Liễu, từ đầu năm 2016 đến nay, huyện chưa phát hiện vụ bạo lực gia đình xảy ra. Dù còn nhiều khó khăn trong thực hiện công tác gia đình nhưng ngành Văn hóa huyện tích cực phối hợp các tổ chức đoàn thể, tiếp tục tuyên truyền, phổ biến những nội dung liên quan đến lĩnh vực gia đình. Đồng thời, nâng cao chất lượng các gia đình văn hóa để đẩy lùi bạo lực”.

Để xây dựng một gia đình ổn định, hạnh phúc, việc phòng, chống bạo lực gia đình là cần thiết! Bạo lực không xảy ra, gia đình mãi êm ấm sẽ là nhân tố tích cực trong việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương./.

Nguyễn Ngọc

Chia sẻ bài viết