Tiếng Việt | English

25/12/2019 - 18:45

Tân Thạnh: Chặng đường hơn 39 năm phát triển

Sau hơn 39 năm thành lập và phát triển, diện mạo nông thôn huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An ngày càng khởi sắc, đời sống người dân được nâng lên về vật chất lẫn tinh thần. Đây chính là “quả ngọt” từ sự đồng lòng, chung sức của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây.

Đi lên từ gian khó

Chủ tịch UBND huyện Tân Thạnh - Trần Văn Trước cho biết: “Ngày 19/9/1980, huyện Tân Thạnh được thành lập. Những năm đầu, tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện gặp nhiều khó khăn. Dân cư thưa thớt; trình độ dân trí còn thấp; người dân đi lại chủ yếu bằng đường thủy; lúa chỉ làm 1 vụ; trường học, trạm y tế dựng bằng tre lá tạm bợ;... Thế nhưng, với sự đồng lòng, chung sức của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trên địa bàn, đến nay, huyện không chỉ khắc phục khó khăn mà còn đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, nhất là chất lượng cuộc sống người dân ngày càng nâng lên”.

Những con đường giao thông rộng rãi, sạch đẹp góp phần làm bừng sáng vùng quê nghèo khó năm nào

Hiện nay, huyện có đường trục xã đạt chuẩn trên 94%; trục ấp trên 85%; trục chính nội đồng trên 34%; 12/12 xã có đường ôtô kết nối từ trung tâm huyện đến trung tâm xã; 67/68 ấp có đường ôtô kết nối từ trung tâm xã đến trụ sở ấp. Toàn huyện hiện có 4 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người đạt 47,83 triệu đồng/năm; hộ nghèo còn 2,85%, cận nghèo 6,75%; 27/39 trường học được công nhận đạt chuẩn quốc gia; 9 xã đạt chuẩn văn hóa và thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị;...

Về huyện Tân Thạnh hôm nay, chúng ta không còn đi trên những con đường nắng bụi, mưa lầy hay nhìn thấy những căn nhà lá tạm bợ mà thay vào đó là những con đường, cầu giao thông được bêtông sạch đẹp, những ngôi nhà tường mọc lên san sát,... góp phần thay đổi diện mạo vùng quê nghèo khó năm nào. Bà Trần Thị Ánh Hồng, ngụ xã Nhơn Ninh, phấn khởi: “Tân Thạnh bây giờ thay đổi nhiều lắm! Điện, đường, trường, trạm, các thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, học tập, khám, chữa bệnh và vui chơi, giải trí của người dân. Trình độ dân trí ngày càng được nâng cao, người dân biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, góp phần tăng năng suất, cải thiện thu nhập”. 

Hiện nay, Tân Thạnh có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân
Tiếp tục nỗ lực

Kết quả nổi bật sau hơn 39 năm hình thành và phát triển của huyện là kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn được quan tâm đầu tư, tạo thế mạnh để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong thời gian tới. Hiện nay, huyện có các tuyến đường giao thông kết nối các huyện, thị xã vùng Đồng Tháp Mười; đồng thời, có tuyến đường kết nối từ TP.HCM đi các tỉnh: Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Tiền Giang như Quốc lộ 62, N2, Đường tỉnh 837, đường 79, Đường tỉnh 829; tuyến kênh Dương Văn Dương,… Thời gian tới, huyện nỗ lực phát triển các loại hình dịch vụ, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Hơn 39 năm thành lập và phát triển là một chặng đường rất đỗi tự hào và có ý nghĩa đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương. Những thành tựu hôm nay minh chứng cho những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thực sự đi vào cuộc sống, trong đó có sự đồng thuận, đóng góp tích cực từ nhân dân. Ông Trần Văn Trước cho biết thêm: “Để thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương, thời gian tới, huyện tập trung mọi nguồn lực thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo quy hoạch phát triển nông nghiệp - thủy sản - dịch vụ; huy động nguồn lực xây dựng và nâng chất xã nông thôn mới; thu hút đầu tư phát triển công nghiệp; mở rộng sản xuất, kinh doanh, phát triển nhanh thương mại - dịch vụ; tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa,...”.

Vùng đất khó khăn năm nào khi mới thành lập nay đã “thay da, đổi thịt”. Tân Thạnh hôm nay đã thật sự bừng lên sức sống mới!

Kim Ngọc

Chia sẻ bài viết