Tiếng Việt | English

21/08/2019 - 15:53

Tân Thạnh: Cơ bản hoàn thành các chương trình đột phá, công trình trọng điểm theo nghị quyết đề ra

Đại hội Đảng bộ huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An lần thứ IX, nhiệm kỳ 2015-2020 xác định tập trung thực hiện 1 chương trình đột phá và 3 công trình trọng điểm. Đến thời điểm này, huyện cơ bản hoàn thành các chương trình đột phá, công trình trọng điểm đề ra. Qua đó, mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần phát triển KT-XH ở địa phương, lập thành tích kỷ niệm 40 năm ngày thành lập huyện.

Chung tay hoàn thành chương trình đột phá, công trình trọng điểm

Tân Thạnh là 1 trong 5 huyện được tỉnh quy hoạch xây dựng vùng lúa chất lượng cao phục vụ nhu cầu xuất khẩu.Trên cơ sở đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IX xác định xây dựng vùng lúa chất lượng cao là chương trình đột phá của nhiệm kỳ. Theo đó, huyện ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HU về tiếp tục xây dựng vùng lúa chất lượng cao gắn với phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững theo hướng hiện đại. Thực hiện Nghị quyết này, huyện quy hoạch 5 xã xây dựng vùng lúa chất lượng cao: Tân Lập, Nhơn Hòa Lập, Hậu Thạnh Đông, Hậu Thạnh Tây và Bắc Hòa. Kết quả, hàng năm có 90% trên diện tích 31.000ha lúa chất lượng cao, trong đó có 2.000ha lúa ứng dụng công nghệ cao. Tính đến nay, huyện thực hiện được 2.754,25/4.000ha lúa ứng dụng công nghệ cao. Với những kết quả trên, nông dân trên địa bàn huyện rất phấn khởi khi nghị quyết đi vào cuộc sống.

Đường nội ô thị trấn Tân Thạnh được bê tông góp phần xây dựng cảnh quan môi trường xanh- sạch - đẹp

Ông Bùi Văn Ngạn, ngụ xã Hậu Thạnh Tây, cho biết: “Trước đây, nông dân làm lúa chủ yếu theo kinh nghiệm, ít áp dụng khoa học - kỹ thuật. Do giá cả thị trường thiếu ổn định, tình hình sâu, bệnh diễn biến phức tạp, nên nông dân có lãi rất ít, thậm chí không có lãi. Nhờ tham gia vùng lúa chất lượng cao, nông dân được hỗ trợ chi phí mua lúa giống, vật tư nông nghiệp. Đặc biệt, nông dân còn được các kỹ sư hướng dẫn khoa khoa - kỹ thuật, góp phần giúp cây lúa khỏe ngay đầu vụ, giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận”.

Đại hội Đảng bộ huyện Tân Thạnh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra 3 công trình trọng điểm: Nhựa hóa các tuyến đường nội ô thị trấn ở các cụm dân cư vượt lũ số 2, xây dựng Bến tàu thị trấn Tân Thạnh và chỉnh trang chợ cũ; đầu tư xây dựng chợ Bắc Hòa và Tân Thành; hoàn chỉnh hệ thống đê bao khép kín xã Tân Lập. Quá trình thực hiện hoàn thành các công trình này, huyện gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn. Tuy nhiên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện luôn đồng lòng, chung sức nỗ lực khắc phục các khó khăn, hoàn thành các kế hoạch đề ra. 

Chủ tịch UBND huyện - Trần Văn Trước khẳng định: “Hiện nay, chương trình đột phá, công trình trọng điểm của huyện cơ bản hoàn thành và đưa vào sử dụng. Riêng chương trình hoàn chỉnh đê bao khép kín xã Tân Lập đang trong giai đoạn hoàn thành.Thông qua các công trình, bộ mặt nông thôn thay đổi, đời sống người dân được nâng lên, nhất là góp phần tích cực trong sự phát triển KT-XH ở một huyện nông nghiệp. Cụ thể, đường giao thông nông thôn được bêtông sạch, đẹp; nhiều ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát nhau; trường học, trạm y tế được đầu tư xây dựng khang trang; người dân có chỗ vui chơi, giải trí lành mạnh;...”.

Năm 2019, thị trấn Tân Thạnh đạt chuẩn văn minh đô thị. Đóng góp tích cực vào kết quả này chính là nhờ công trình trọng điểm Nhựa hóa các tuyến đường nội ô thị trấn ở các cụm dân cư vượt lũ số 2, xây dựng Bến tàu thị trấn Tân Thạnh và chỉnh trang chợ cũ làm công viên. Được biết, công trình nhựa hóa các tuyến đường nội ô thị trấn ở các cụm dân cư vượt lũ số 2 có chiều dài 2.742m, với tổng kinh phí xây dựng trên 4,1 tỉ đồng (trong đó, Ngân sách Nhà nước 3 tỉ đồng, số còn lại do nhân dân đóng góp); Bến tàu thị trấn Tân Thạnh được đầu tư trên 320 triệu đồng; chợ cũ được chỉnh trang thành công viên văn hóa huyện có diện tích 0,24ha, với tổng kinh phí xây dựng 2,3 tỉ đồng và được đưa vào sử dụng năm 2017. 

Bà Trần Thị Hồng Nga, ngụ thị trấn Tân Thạnh, chia sẻ: “Trước đây, đường giao thông nội ô thị trấn xuống cấp, toàn là ổ gà; chợ thì sập xệ và ngập nước, rất mất vệ sinh;...Bây giờ, đường giao thông, vỉa hè vừa được bêtông sạch, đẹp, vừa trồng nhiều cây xanh; khuôn viên chợ thoáng mát, sạch sẽ. Do đó, người dân chúng tôi rất phấn khởi”.

Tiếp tục phấn đấu

Bên cạnh những kết quả đạt được, huyện còn gặp nhiều khó khăn trong việc hoàn chỉnh đê bao khép kín ở xã Tân Lập, nhất là về vốn, vì vậy rất cần sự hỗ trợ của các cấp, các ngành. Phó Bí thư Đảng ủy xã Tân Lập - Lê Thị Tuyết Thư cho biết: “Hiện nay, xã mới xây dựng được 1.100/2.944 ha đê bao khép kín và đầu tư trạm bơm điện. Các công trình còn lại chủ yếu gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng. Cụ thể, Ô3 (tiểu vùng 3) gồm các công trình: Kênh Hậu 837, kênh Tân Lập, kênh 1.000 Nam, kênh Phụng Thớt với tổng diện tích 270ha, trong đó còn vướng mặt bằng để nạo vét kênh Phụng Thớt kết hợp đê bao hoàn chỉnh. Do đó, xã đề nghị các cấp, các ngành liên quan sớm hỗ trợ kinh phí nạo vét, xây mới và mua đất giải phóng mặt bằng. Có như vậy, xã mới hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch đề ra”.

Nông dân phấn khởi tham gia vùng lúa chất lượng cao

Nông dân phấn khởi tham gia vùng lúa chất lượng cao

Huyện Tân Thạnh nói riêng, 5 huyện xây dựng vùng lúa chất lượng cao của tỉnh nói chung đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc vận động nông dân tham gia vùng lúa chất lượng cao. Nguyên nhân, giá lúa bấp bênh; dịch bệnh diễn biến phức tạp; đầu ra nông sản không ổn định,... Bà Đào Hồng Ngọc, ngụ xã Bắc Hòa, nói: “Gia đình tôi có hơn 3ha đất sản xuất lúa. Mấy năm nay, giá lúa không ổn định, thậm chí vào mùa thu hoạch cũng không có thương lái thu mua nên nông dân chúng tôi lo lắng lắm! Nếu muốn nông dân tham gia vùng lúa chất lượng cao, chính quyền địa phương cần phải bảo đảm đầu ra ổn định”.

Để thực hiện tốt mục tiêu, kế hoạch đề ra, ông Trần Văn Trước cho biết: “Thời gian tới, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân hiến đất để làm các ô đê bao lửng phục vụ sản xuất và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hiệu quả. Đặc biệt, huyện tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; xây dựng hợp tác xã và liên kết các doanh nghiệp, tạo thành chuỗi giá trị sản xuất - tiêu thụ hàng hóa, nông sản, góp phần tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân”. 

Qua thực hiện chương trình đột phá, công trình trọng điểm, huyện có nhiều khởi sắc, góp phần phát triển KT-XH ở địa phương.Đây chính là sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện nhằm hướng đến kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập huyện. Đạt được kết quả trên là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo, đầu tư của tỉnh; sự lãnh đạo, điều hành tập trung, linh hoạt của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự đổi mới mạnh mẽ theo hướng năng động, quyết liệt và cụ thể trong lãnh đạo tổ chức thực hiện của Huyện ủy, UBND huyện; sự tham gia tích cực của UBMTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và sự đồng thuận của người dân./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết