Tiếng Việt | English

13/07/2015 - 10:35

Tân Thạnh: Đẩy mạnh sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản

Tân Thạnh là một trong những huyện trọng điểm về lương thực của tỉnh Long An. toàn huyện hiện có diện tích sản xuất lúa 2 vụ gần 30.000ha và cung cấp cho thị trường gần 400.000 tấn lúa/năm. tuy nhiên, trong bối cảnh nông dân sản xuất chưa tiếp cận được các thông tin về thị trường, đầu ra cho nông sản còn phụ thuộc nhiều vào thương lái nên lợi nhuận chưa cao. Vì vậy, việc đẩy mạnh liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm lúa cho nông dân hiện nay là rất cần thiết.


Sản xuất gắn với tiêu thụ là hướng đi tốt nhất cho nông dân Ảnh:nguyệt Nhi

Thuận lợi lớn của Tân Thạnh là hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp đã và đang được xây dựng tương đối hoàn thiện. Hệ thống kho, lò sấy, nhà chứa bảo quản nông sản được xây dựng khá đầy đủ, bảo đảm cho việc chứa và bảo quản nông sản của các doanh nghiệp.

Toàn huyện hiện có 23 trạm bơm điện, phục vụ khoảng 20% diện tích sản xuất lúa trên toàn huyện. Ngoài ra, hệ thống đê bao lửng cũng được quan tâm thực hiện và phát huy tác dụng tích cực. Với 234 ô đê bao lửng, trong đó, 172 ô bao khép kín, bảo vệ trên 21.000ha đất lúa và 62 ô chưa khép kín, trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục nâng cấp để có thể bảo vệ gần 9.000ha đất lúa còn lại.

Đặc biệt, những năm qua, huyện đã thành lập được khoảng 219 tổ hợp tác (THT) và 4 hợp tác xã (HTX). Theo nhận xét của các cơ quan chức năng, trong liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, HTX, THT là tiền đề để phát triển, là đầu mối trung gian giữa 4 nhà (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông).

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện, trong năm 2014, Cty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang đã triển khai liên kết sản xuất lúa trên diện tích khoảng 962ha.

Theo đó, sản lượng thu hoạch trên diện tích này khoảng 6.849 tấn/năm và tỷ lệ thu mua của công ty là 87%, tương đương 5.958 tấn.

Năm 2015, Cty tiếp tục đầu tư cho vụ Đông Xuân trên diện tích 531ha, với sản lượng 4.779 tấn, tỷ lệ thu mua 87%, tương đương 4.540 tấn; vụ Hè Thu là 631ha, sản lượng ước đạt 3.780 tấn và vụ Thu Đông 212ha, sản lượng ước đạt 1.060 tấn.

Ngoài ra, Cty Cẩm Nguyên Long An còn ký hợp đồng thông qua một công ty khác mua 200ha, với sản lượng 1.600 tấn; Công ty ADC triển khai “cánh đồng mơ ước”…

Tuy vậy, hiện chỉ có Cty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang và Cty Lương thực Long An trực tiếp hợp đồng và thu mua lúa của nông dân. Đồng thời, từng vụ đều có cán bộ kỹ thuật hướng dẫn quy trình sản xuất, cũng như lịch thăm đồng cụ thể. Còn lại đa số đều là hợp đồng miệng giữa người dân với thương lái thông qua việc lấy tiền cọc trước khi thu hoạch khoảng nửa tháng.

Qua thời gian thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, vấn đề phát sinh hiện nay là sự đồng thuận của người dân với doanh nghiệp chưa cao.

Theo ông Trần Văn Thanh, ngụ xã Hậu Thạnh Đông, doanh nghiệp thường triển khai chậm, thay vì trước vụ khoảng 1 tháng để người dân chuẩn bị giống, vật tư để tham gia hợp đồng. Nhiều nông dân còn cho rằng sự ràng buộc trong hợp đồng của các doanh nghiệp, nhất là khâu thu mua, kiểm phẩm và độ ẩm đã tạo ra sự nghi ngờ. Mặt khác, người dân cũng chưa nắm bắt kịp thời thông tin về doanh nghiệp và thị trường, từ đó rất phân vân trong việc có nên ký kết hợp đồng hay không.Không riêng nông dân, một số doanh nghiệp cũng phản ánh hiện nay chưa có biện pháp chế tài về hành vi vi phạm hợp đồng nên việc thu mua vẫn tồn tại nhiều bất cập.

Cụ thể như khi ký hợp đồng với doanh nghiệp là giá thời điểm và doanh nghiệp sẽ tăng nếu thị trường tăng tại thời điểm thu hoạch, nhưng khi thị trường tăng, doanh nghiệp chưa kịp tăng giá thì nông dân tự ý bán cho thương lái.

Ngoài ra, khi đến thu hoạch, thông thường khối lượng hàng hóa rất lớn so với hợp đồng tiêu thụ nên kênh phân phối, lưu thông chính hiện nay vẫn là thương lái.

Để thúc đẩy quá trình liên kết ngày càng hiệu quả hơn và phù hợp với lợi ích các bên, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện - Dương Tuấn Khanh cho biết, trong thời gian tới, huyện sẽ tập trung xây dựng cánh đồng lớn trên cơ sở của vùng lúa chất lượng cao; đầu tư có trọng tâm và xây dựng các trạm bơm theo kế hoạch để đến năm 2020 có 50% diện tích đất sản xuất phục vụ bằng trạm bơm. Song song đó, tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp trực tiếp triển khai liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tại khu vực có các trạm bơm điện vì điều kiện triển khai ở đây tương đối dễ, diện tích xuống giống đồng loạt, tập trung. Và quan trọng hơn nữa là cần có biện pháp chế tài khi 2 bên không thực hiện đúng các điều khoản hợp đồng, không để xảy ra tình trạng khi giá lúa thị trường cao hơn hợp đồng thì người dân bán cho thương lái và ngược lại./.

Thanh Tùng

Chia sẻ bài viết