Tiếng Việt | English

09/07/2019 - 05:37

Tân Thủ tướng nhậm chức, thách thức trong thời kỳ mới ở Hy Lạp

Kết quả bầu cử phản ánh nhu cầu của cử tri Hy Lạp muốn chứng kiến một sự thay đổi mạnh mẽ hơn nữa sau thời gian dài đất nước chìm trong khủng hoảng kinh tế-tài chính.

Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis phát biểu tại Athens, Hy Lạp ngày 7/7. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis phát biểu tại Athens, Hy Lạp ngày 7/7. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 8/7, ông Kyriakos Mitsotakis, lãnh đạo đảng Dân chủ Mới (ND) trung hữu của Hy Lạp, đã chính thức tuyên thệ nhậm chức thủ tướng, bắt đầu một kỷ nguyên mới của phe bảo thủ ở quốc gia được mệnh danh là “đất nước của những vị thần.”

Vị tân thủ tướng cam kết sẽ nỗ lực chèo lái nhằm đưa đất nước thoát khỏi tình trạng khó khăn, cũng như duy trì tư cách thành viên của Hy Lạp trong Liên minh châu Âu (EU) và Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Đảng Dân chủ Mới đã giành thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử trước thời hạn được tổ chức ở nước này ngày 7/7.

Cụ thể, ND đã giành được 39,8% số phiếu bầu, cao hơn nhiều so với mức 31,5% của đảng cánh tả Syriza, vốn cầm quyền trong những năm qua dưới sự lãnh đạo của ông Alexis Tsipras.

Mặc dù kết quả ND giành được thấp hơn chút ít so với dự báo  trước bầu cử, nhưng cũng đủ để phe bảo thủ ở Hy Lạp nắm quyền kiểm soát đa số ghế (158 ghế) tuyệt đối trong quốc hội đơn viện gồm 300 ghế.

Kết quả này phần nào phản ánh nhu cầu của cử tri Hy Lạp muốn chứng kiến một sự thay đổi mạnh mẽ hơn nữa sau thời gian dài đất nước chìm trong khủng hoảng kinh tế-tài chính.

Ông Mitsotakis lên nhậm chức trong bối cảnh nền kinh tế Hy Lạp đã được cải thiện hơn nhiều so với trước đây. Mặc dù những khó khăn kinh tế do cuộc khủng hoảng kéo dài ở nước này vẫn còn tồn tại, nhưng đà phục hồi đã bắt đầu xuất hiện.

Tăng trưởng kinh tế của Hy Lạp đã và đang tiếp tục có những chuyển biến tích cực kể từ quý 1/2017.

Số việc làm mới được tạo ra thêm trong khoảng thời gian này đã đạt tới con số hơn 300 nghìn, giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp ở Hy Lạp từ mức 25,8% trong năm 2015 xuống còn 18,1% hiện nay.

Một loạt chỉ số kinh tế vĩ mô quan trọng khác cũng đã và đang được cải thiện trong những năm gần đây:

Khu vực chế tạo đã có sự tăng trưởng mạnh kể từ năm 2017, trong khi lòng tin của người tiêu dùng, thu nhập khả dụng của người dân cũng dần được nâng lên.

Thị trường bất động sản, vốn bắt đầu sụt giảm trong quý 1/2009, đã có sự khởi sắc trong 5 quý vừa qua.

Hệ thống ngân hàng của Hy Lạp đã dần được ổn định, với gần 15 tỷ euro tiền gửi đã quay lại hệ thống.

Hy Lạp cũng đã thoát ra khỏi chương trình cứu trợ thứ ba trong gần 1 năm qua mà không vấp phải bất kỳ trục trặc hay trở ngại lớn nào.

Athens hiện đã bắt đầu tái thiết lập sự tiếp cận với các thị trường. Lãi suất trái phiếu ở Hy Lạp hiện đã giảm mạnh, cụ thể là trái phiếu thời hạn 10 năm đã xuống dưới mức 2%.

Và điều quan trọng nhất là các khoản nợ phải thanh toán của Hy Lạp trong vòng từ 10 đến 15 năm tới đang đứng ở mức thấp.

Ngoài ra, chính phủ trước đây do đảng Syriza lãnh đạo cũng đã để lại “một khoản đệm ngân sách” khá lớn, có tin nói là đạt hơn 35 tỷ euro cho chính phủ của ông Mitsotakis.

Tuy nhiên, tình hình khởi sắc ở Hy Lạp hiện nay không có nghĩa ông Mitsotakis và chính phủ của ND có quyền lạc quan.

Tân Thủ tướng Hy Lạp sẽ phải giải quyết một số thách thức lớn, có nguy cơ làm sụp đổ các kế hoạch tham vọng của ông nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng ở mức 4%.

Ông Mitsotakis trong thời gian vận động tranh cử đã công bố một chương trình cắt giảm thuế đầy tham vọng, chủ yếu tập trung vào khu vực doanh nghiệp và các đối tượng có thu nhập thấp nhằm thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng cá nhân.

Mặc dù cam kết của ông Mitsotakis dựa trên những cơ sở, nền tảng kinh tế vững chắc, nhưng nó có thể tạo ra những lỗ hổng đáng kể về tài khóa.

Nếu khuôn khổ tài khóa mà Hy Lạp đã nhất trí với các chủ nợ không được điều chỉnh đủ mức, những biện pháp tài khóa mở rộng mà chính phủ tiền nhiệm thực hiện hồi tháng Năm sẽ khiến Hy Lạp không đạt được mục tiêu tài khóa trong năm nay.

Ông Mitsotakis cũng kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức cao hơn nhằm tăng nguồn thu ngân sách cho Hy Lạp.

Ngoài ra, vị tân thủ tướng này còn cho rằng với việc thực hiện một loạt cải cách, ông có thể thuyết phục các chủ nợ giảm bớt mục tiêu thặng dư ngân sách 3,5% GDP vốn đang được áp dụng hiện nay đối với Hy Lạp.

Dù tăng trưởng kinh tế nhanh hơn là điều đáng hoan nghênh, nhưng để nó có thể tác động ngay lập tức trong lĩnh vực ngân sách cần phải có thời gian.

Nhiều khả năng các nước thuộc Eurozone sẽ không sẵn lòng thảo luận các mục tiêu tài khóa thấp hơn cho Hy Lạp để tài trợ cho kế hoạch cắt giảm thuế của ông Mitsotakis trong giai đoạn hiện nay.

Đầu tư là một trụ cột trong kế hoạch của ông Mitsotakis và được coi là động lực thúc đẩy tăng trưởng.

Ông Mitsotakis muốn mức chi tiêu dành cho đầu tư phải đạt gần 20% GDP giống như thời kỳ tiền khủng hoảng.

Tuy nhiên, đây là một nhiệm vụ khá khó khăn do chênh lệch đầu tư ở Hy Lạp giữa năm 2018 và 2007 là hơn 40 tỷ euro.

Rõ ràng Hy Lạp cần phải thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhằm thúc đẩy GDP.

Theo số liệu của Ngân hàng Trung ương Hy Lạp, lượng FDI vào Hy Lạp trong năm 2018 chỉ đạt mức gần 4 tỷ euro.

Do đó, nếu tân Thủ tướng Mitsotakis muốn đạt được các mục tiêu của mình, ông cần phải nỗ lực cải cách cơ cấu hơn nữa nhằm gia tăng các nguồn đầu tư, nhất là thu hút đầu tư từ bên ngoài.

Trong lĩnh vực ngân hàng, dù lượng nợ xấu hoặc các khoản cho vay khó đòi trong hệ thống ở Hy Lạp đã giảm từ mức cao kỷ lục 100 tỷ euro xuống còn 80 tỷ euro, nhưng mục tiêu các ngân hàng phải giảm tỷ lệ nợ xấu trung bình xuống còn 20% vào năm 2021 đòi hỏi Hy Lạp phải có những giải pháp mang tính đồng bộ nhằm hỗ trợ cho nỗ lực này.

Và dù có đạt mục tiêu, thì mức 20% này vẫn còn cao hơn khoảng 7 lần so với mức trung bình của Liên minh châu Âu (EU).

Tân Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis (trái) tuyên thệ nhậm chức tại dinh Tổng thống ở thủ đô Athens ngày 8/7/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tân Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis (trái) tuyên thệ nhậm chức tại dinh Tổng thống ở thủ đô Athens ngày 8/7/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Nhưng nhìn chung, chiến thắng vang dội của ND trong cuộc bầu cử vừa qua đang tạo cơ hội hiếm có cho tân Thủ tướng Mitsotakis.

Ông Mitsotakis được "thừa hưởng" một đất nước phần nào đã trở nên ổn định sau gần một thập niên rối ren về kinh tế, chính trị cũng như về xã hội.

Vị thủ tướng mới đang khá thuận lợi trong việc thúc đẩy đà phục hồi kinh tế của Hy Lạp, vốn đã xuất hiện trong vài năm qua.

Đáng chú ý, bằng việc quay sang ủng hộ ND với tỷ lệ khá cao, cử tri Hy Lạp cũng đã cho thấy họ hiện đang cởi mở với những chính sách từng được cho là “quá độc hại” trong những năm trước đây.

Thắng lợi áp đảo của ND cũng tạo cho tân Thủ tướng Mitsotakis nền tảng để từ đó ông có thể thực hiện những thay đổi mà các nhân vật tiền nhiệm thường né tránh do nguy cơ phải gánh chịu những tổn thất, rủi ro về mặt chính trị.

Một phong cách lãnh đạo mạnh mẽ cùng với quyết tâm tạo điều kiện thuận lợi cho giới đầu tư sẽ là những yếu tố cốt lõi trong nhiệm kỳ thủ tướng của ông Mitsotakis.

Nếu Thủ tướng Mitsotakis có thể kiểm soát được ND, duy trì được sự ủng hộ của cử tri và biến Hy Lạp trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, chắc chắn ông sẽ gặt hái được thành công. Nếu không, 4 năm tới có thể lại là khoảng thời gian hỗn độn và đầy rối ren cho Hy Lạp./. 

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết