Tiếng Việt | English

26/05/2020 - 15:29

Tân Trụ: Phấn đấu 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới cuối năm 2020

Với sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự đồng thuận của người dân, đến nay, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An có 7/9 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), bình quân mỗi xã đạt 18,5/19 tiêu chí (TC). Trong năm nay, Tân Trụ đặt mục tiêu 2 xã còn lại đạt chuẩn NTM; đồng thời, nhiều TC huyện NTM cũng đang được gấp rút thực hiện.

Các tuyến đường giao thông trên địa bàn huyện dần hoàn thiện

Các tuyến đường giao thông trên địa bàn huyện dần hoàn thiện

Phấn đấu 100% xã nông thôn mới

Sau 10 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM, đến nay, đời sống của người dân Tân Trụ có chuyển biến rõ nét, bộ mặt nông thôn ngày càng thay đổi. Kết cấu hạ tầng được tập trung đầu tư, nhất là hệ thống giao thông nông thôn được bêtông hóa rộng khắp, một số hương lộ, đường tỉnh được nâng cấp, mở rộng và lắp đèn chiếu sáng; hệ thống chợ, siêu thị mini, bến xe, kho bãi được đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH tại địa phương. Chủ tịch UBND huyện - Trương Thanh Liêm cho biết :“Trước hết, huyện sẽ tập trung nguồn lực để xã Nhựt Ninh và Tân Phước Tây đạt chuẩn NTM trong quí III-2020. Trong đó, tập trung cải tạo cảnh quan môi trường, trồng cây xanh, hoa tại các tuyến đường giao thông nông thôn và chỉnh trang đô thị,… Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân đối với chương trình xây dựng NTM, phấn đấu đến cuối năm 2020, Tân Trụ đạt chuẩn huyện NTM theo kế hoạch đề ra. Đến nay, Tân Trụ đạt 5/9 TC huyện NTM”.

Trong lộ trình xây dựng NTM, huyện đang tập trung thực hiện các TC còn lại. Trong đó, TC số 13 về hình thức tổ chức sản xuất được xác định là nội dung hết sức quan trọng. Bởi, đây là mô hình hỗ trợ đắc lực cho người dân phát triển sản xuất hiệu quả và bền vững nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Hiện huyện đã và đang hình thành các khu vực sản xuất hàng hóa tập trung theo hướng công nghệ cao, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, hướng dẫn người dân mở rộng đầu tư tập trung vào các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao như thanh long, rau màu, bò thịt và con tôm; nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã (HTX), từng bước hình thành chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, tiến tới nền nông nghiệp bền vững, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Huyện tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM. Qua đó, có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả: Canh tác lúa theo hướng công nghệ cao, Trồng rau trong nhà lưới, Tưới nước tiết kiệm trên cây thanh long, Nuôi tôm nước lợ theo hướng VietGAHP, Nuôi cá trê và tôm thẻ kết hợp cá rô phi,… góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Các hình thức sản xuất không ngừng phát triển, toàn huyện có 8 HTX nông nghiệp được thành lập và đi vào hoạt động ổn định, các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ luôn được quan tâm, hỗ trợ. Nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thực hiện đạt hiệu quả với gần 1.000ha thanh long, 500ha rau màu, cây ăn trái, 500ha thủy sản,… thu nhập từ 100-150 triệu đồng/ha/vụ.

Nuôi tôm nước lợ theo hướng VietGAHP

Nuôi tôm nước lợ theo hướng VietGAHP

Giám đốc HTX Rau sạch hữu cơ Khôi Nguyên (xã Lạc Tấn) - Nguyễn Việt Thịnh chia sẻ: “HTX hướng dẫn các thành viên áp dụng triệt để các biện pháp chăm sóc không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đề cao sự bảo đảm an toàn thực phẩm kết hợp với lợi ích của người sản xuất thông qua tăng vụ, tăng năng suất, giảm chi phí vật tư và công lao động như: Che phủ nylon theo luống trồng rau trái vụ; thường xuyên bắt sâu, dùng hỗn hợp sinh học để giảm sâu, bệnh, giảm đến mức thấp nhất thuốc bảo vệ thực vật. Hiện nay, HTX ký kết hợp đồng với các công ty thu mua ở TP.HCM với giá trung bình trên 10.000 đồng/kg rau các loại. Trung bình mỗi ngày, HTX có thể cung cấp ra thị trường từ 200-400kg rau sạch qua tuyển chọn, sơ chế, đóng gói. Ngoài ra, HTX còn cung cấp cho một số trường mầm non và các bếp ăn tập thể trên địa bàn huyện”. Chị Nguyễn Thị Hương - thành viên HTX Rau sạch hữu cơ Khôi Nguyên, cho hay: “Từ khi tham gia HTX và áp dụng phương pháp canh tác hữu cơ, chất lượng sản phẩm được cải thiện; nông dân an tâm về đầu ra nông sản, nâng cao thu nhập so với sản xuất đơn lẻ”.

Qua đó cho thấy, để thực hiện TC 13 thì HTX đóng vai trò “bà đỡ” của nông dân khi địa phương triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM. Bí thư Đảng ủy xã Nhựt Ninh - Lê Văn Trường cho biết: “Trong xây dựng NTM thì TC 13 về hình thức tổ chức sản xuất rất quan trọng. Hiện nay, khó khăn nhất của người dân vẫn là đầu ra sản phẩm. Vì vậy, thời gian tới, xã sẽ thành lập HTX và khuyến khích hộ nông dân tham gia để sản xuất đạt hiệu quả, có đầu ra ổn định, tăng thu nhập”. Ông Đỗ Văn Đo, ngụ xã Nhựt Ninh, nói: “Trước nay, người dân chủ yếu sản xuất manh mún, nhỏ, lẻ, theo hình thức truyền thống. Mong muốn của người dân hiện nay là địa phương cần có nhiều giải pháp: Quy hoạch lại vùng sản xuất, tìm giống cây trồng mới, hiệu quả; khuyến khích hình thành các mô hình tập trung; thành lập các tổ hợp tác, tiến tới thành lập thêm các HTX để liên doanh, liên kết thành chuỗi; từng bước xây dựng thương hiệu các sản phẩm,… để nông dân an tâm sản xuất”.

Định hướng xây dựng nông thôn mới

Huyện phấn đấu đến cuối năm 2020 có 100% xã đạt chuẩn NTM, số TC bình quân đạt 19 TC/xã. Giai đoạn 2021-2025, huyện có 50% xã đạt TC xã NTM nâng cao, 20% xã đạt xã NTM kiểu mẫu và huyện đạt chuẩn NTM. Giai đoạn 2026-2030, huyện có 100% xã đạt TC xã NTM nâng cao, 50% xã đạt xã NTM kiểu mẫu.

Nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đạt hiệu quả

Nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đạt hiệu quả

Để đạt các chỉ tiêu năm 2020 và định hướng đến năm 2030, theo Phó Chủ tịch UBND huyện - Trịnh Phước Trung, huyện tập trung tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân về nội dung, phương pháp, cách thức thực hiện xây dựng NTM; đào tạo, tập huấn, nâng cao kiến thức, năng lực tổ chức, quản lý, vận hành chương trình, nhất là đội ngũ cán bộ phụ trách NTM. Phát triển hạ tầng thiết yếu trên địa bàn ấp, trong đó tập trung 3 công trình thiết yếu: Nâng cấp đường giao thông nông thôn, nâng cấp hệ thống cung cấp nước sinh hoạt và cải tạo thiết chế văn hóa cơ sở. Phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, trong đó tập trung bổ sung, điều chỉnh quy hoạch và đề án xây dựng xã NTM bảo đảm tính khả thi và phù hợp với yêu cầu tái cơ cấu ngành. Đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn và phát triển các hình thức sản xuất phù hợp, trong đó chú trọng phát triển các HTX, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất văn hóa - thể thao thiết thực với người dân, tạo điều kiện để phát triển các hoạt động thể thao trên địa bàn ấp. Tập trung giải quyết vấn đề thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, xử lý môi trường trong sản xuất nông nghiệp và nhân rộng các mô hình cảnh quan môi trường “xanh, sạch, đẹp”. Triển khai hiệu quả các chính sách huy động nguồn lực thực hiện chương trình. Kiện toàn bộ máy, tổ chức tham mưu, giúp việc ban chỉ đạo bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ của chương trình; phát động phong trào thi đua để huy động các nguồn lực và người dân tham gia thực hiện chương trình. Kịp thời biểu dương các tập thể, cá nhân, hộ gia đình có nhiều đóng góp tích cực cho chương trình xây dựng NTM./.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết