Tiếng Việt | English

20/02/2018 - 20:27

Tân Trụ: Phát triển nông nghiệp bền vững, chất lượng cao

Trong xu hướng chung của tỉnh nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Tân Trụ tập trung phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) vào sản xuất.

Trồng dưa lê thử nghiệm ở Tân Trụ Ảnh: Công Toại

Trồng dưa lê thử nghiệm ở Tân Trụ Ảnh: Công Toại

Để nông nghiệp thật sự bứt phá

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tân Trụ, tỉnh Long An lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020) đề ra Chương trình đột phá “Tập trung phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững, hiệu quả theo hướng nâng cao giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới”, trong đó, huyện chọn 2 cây, 2 con để thực hiện ƯDCNC vào các khâu giống, sản xuất. Mục tiêu của chương trình là đến năm 2020, Tân Trụ có 4 sản phẩm chủ lực đủ sức cạnh tranh trên thị trường, gồm: Cây lúa, rau, thanh long và bò thịt. Chỉ tiêu cụ thể: Huyện sẽ có 250ha lúa sản xuất ƯDCNC theo quy trình “7 bước” về giống, môi trường sản xuất, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, chế biến, tiêu thụ; 20ha thanh long ƯDCNC, sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, sử dụng chế phẩm sinh học trong canh tác, tưới phun kết hợp với nhỏ giọt và hệ thống chiếu sáng thông minh cho thanh long ra hoa trái vụ; phát triển đàn bò thịt chất lượng cao ứng dụng công nghệ lai tạo giống, thay đổi hình thức chăn nuôi theo hướng chuyên môn hóa.

Để nông nghiệp thật sự bứt phá, Tân Trụ tập trung đẩy nhanh tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững. Một trong những giải pháp để tái cơ cấu nông nghiệp đó là tập trung xây dựng hệ thống đường giao thông nông thôn và thủy lợi (về hạ tầng, Tân Trụ có sẵn nền tảng từ trước).

Qua 2 năm thực hiện chương trình, bước đầu, Tân Trụ đạt một số kết quả khả quan. Tổng giá trị sản xuất năm 2017 đạt 960,4 tỉ đồng, trong đó, trồng trọt 535,5 tỉ đồng, chăn nuôi 298 tỉ đồng. Đặc biệt, huyện hình thành vùng thanh long ƯDCNC ở xã Mỹ Bình. Và xã cũng thành lập Hợp tác xã (HTX) Thanh long.

Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ - Trần Văn Đốc (bìa trái)tham quan mô hình tưới nhỏ giọt cho thanh long tại hộ ông Ngô Văn Nhàn, ngụ ấp Bình Điện, xã Bình Tịnh

Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ - Trần Văn Đốc (bìa trái)tham quan mô hình tưới nhỏ giọt cho thanh long tại hộ ông Ngô Văn Nhàn, ngụ ấp Bình Điện, xã Bình Tịnh

Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Bình - Đặng Văn Tây Lo cho biết: “Hiện nay, diện tích thanh long toàn xã hơn 32ha, trong đó, HTX Thanh long Mỹ Bình có 14ha. HTX liên kết với các HTX ở huyện Châu Thành để tìm đầu ra sản phẩm. Hàng năm, diện tích thanh long đều tăng, hy vọng lãnh đạo huyện, ngành chức năng tìm ra hướng liên kết, tiêu thụ sản phẩm ổn định giúp nông dân nâng cao giá trị sản xuất và tăng thu nhập”.

Cần hỗ trợ, tìm đầu ra cho nông sản

Hiện nay, việc doanh nghiệp đầu tư đầu vào và bao tiêu đầu ra cho nông sản tốt nhất là thông qua HTX. Việc hình thành các HTX đa chức năng trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ hạn chế tình trạng nông dân sản xuất nhỏ, lẻ, không tập trung. Trên địa bàn huyện Tân Trụ, có doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho hầu hết nông dân. Tuy nhiên, muốn có đầu ra ổn định thì việc liên doanh, liên kết giữa “4 nhà” vẫn là yếu tố quyết định.

Ông Trần Văn Hồng, ngụ ấp 2, xã Lạc Tấn, chia sẻ: “Gia đình tôi chăn nuôi bò hơn 3 năm nay. Hiện, gia đình có 5 con bò cái sinh sản và 7 con bò lứa. Nông dân có thể tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp như rơm, thân cây bắp,... làm thức ăn nên nuôi bò ít tốn chi phí. Tuy nhiên, từ trước đến nay, giá bò thịt không ổn định khiến người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, nhất là những người nghèo phải vay tiền đầu tư chăn nuôi. Mong rằng, Nhà nước hỗ trợ, tìm đầu ra ổn định giúp nông dân”. 

Bà Võ Thị Hà (81 tuổi), một hộ chăn nuôi bò với quy mô trang trại (140 con bò thịt, trong đó có 80 con bò cái sinh sản), ngụ ấp Bình Đông, xã Mỹ Bình, chia sẻ: “Nông dân sẽ không còn phập phồng lo lắng nếu được Nhà nước quan tâm hỗ trợ tìm đầu ra cho nông sản, nhất là nhóm sản phẩm cây, con được đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất”. 

Bà Võ Thị Hà chăn nuôi bò thịt quy mô lớn, hướng đến ứng dụng công nghệ cao

Bà Võ Thị Hà chăn nuôi bò thịt quy mô lớn, hướng đến ứng dụng công nghệ cao

Còn ông Nguyễn Văn Chiến, ngụ ấp Bình Đông, xã Mỹ Bình, thông tin: “Những năm gần đây, nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, giá thanh long ổn định, có lúc tăng cao nên người trồng rất phấn khởi. Hiện tại, thanh long ruột trắng có giá từ 20.000-25.000 đồng/kg, ruột đỏ từ 55.000-60.000 đồng/kg. Nếu giá thanh long ổn định, người trồng sẽ có lợi nhuận cao. Nông dân nào cũng mong muốn điều này”.

Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ - Trần Văn Đốc cho biết: “Nhằm tìm giải pháp giải quyết đầu ra đối với các mặt hàng nông sản, lãnh đạo và các ngành chức năng huyện đã và đang làm cầu nối để các doanh nghiệp đến gần hơn với nông dân, đầu ra nông sản không còn bấp bênh như trước. Trước hết, huyện tập trung những xã có quy hoạch cánh đồng lớn; khuyến khích nông dân hợp tác, liên kết từ khâu sản xuất đến bảo quản, chế biến và tiêu thụ”./.

Hoàng Lê

Chia sẻ bài viết